Chiến dịch “Galant”: Đòn “mỹ nhân kế” KGB đưa Đại sứ Pháp vào tròng
Cập nhật: 17/02/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Đối tượng bị dụ dỗ vào các mối quan hệ tình dục, bị khống chế và buộc phải hợp tác do nỗi sợ vụ bê bối bị công khai
Số phận người nữ diễn viên
Nữ diễn viên điện ảnh Larisa Kronberg có cha là một sĩ quan Liên Xô gốc Ba Lan, mẹ là người Thụy Điển. Larisa học giỏi, tốt nghiệp lớp 10 với huy chương bạc. Năm 1948, cô theo học tại Trường Đại học Điện ảnh (ВГИК-VGIK), dưới sự kèm cặp của Đạo diễn nổi tiếng Sergei Gerasimov và Tamara Makarova - những người đã tiên đoán sự nổi tiếng và đánh giá cao tài năng của cô. Đáng tiếc, Larisa dính vào chuyện yêu đương, có con trai với một người Georgia và bỏ học (cậu con trai về sau sống ở Tbilixi và chết vì nghiện ma túy). Tuy nhiên, sau một thời gian cô đã nhập học lại và năm 1954, tốt nghiệp VGIK.
Mặc dù có sắc đẹp và tài năng, Larisa không đạt được danh tiếng cao trong lĩnh vực điện ảnh. Larisa đóng rất nhiều vai, nhưng chỉ là những vai phụ - nhân viên thu ngân trong phim “Cô gái với cây đàn Guitar”, con gái của một đại tá da trắng trong “Oleko Dundich”, khách của thị trưởng trong “Incernito từ Petersburg” ... Một trong những vai diễn nổi bật nhất của Larisa là Zina Ivanova trong phim "Gia đình lớn" - bộ phim đã mang lại cho nữ diễn viên này giải thưởng điện ảnh lớn duy nhất của Liên hoan phim Cannes dành cho dàn diễn viên.
Larisa Kronberg khi còn trẻ; Nguồn: cultin.ru |
Larisa cũng nổi tiếng vì mối tình lãng mạn đầy kỷ niệm của với nhà Vô địch cờ vua thế giới thứ tám Mikhail Talem, tuy cuộc hôn nhân không thật mãn nguyện. Vào thập niên 1950, theo kịch bản của Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô - KGB, người đẹp Larisa đã tham gia tuyển mộ nhân viên ngoại giao cấp cao người Pháp Maurice Dejan - người có nhiệm kỳ Đại sứ tại Moscow thời gian đó. Larisa Kronberg đã qua đời ở tuổi 87 vào tháng 4/2017.
Chiến dịch “Galant” (Hào hiệp)
Các cơ quan tình báo thế giới ở mức độ này hay mức độ khác đều thành công với vũ khí muôn thuở - “mỹ nhân kế”. Đối tượng bị dụ dỗ vào các mối quan hệ tình dục, bị khống chế và buộc phải hợp tác do nỗi sợ vụ bê bối bị công khai. Để làm việc đó, họ sử dụng những người phụ nữ xinh đẹp-gợi cảm, danh giá, thông minh - thường được gọi là “mật”, để làm “bẫy” lừa những con mồi háo sắc vào tròng.
Vào những năm 1950, Maurice Dejan - một người đàn ông thanh lịch và có ảnh hưởng, bạn thân của Tổng thông Pháp Charles de Gaulle và là thành viên kháng chiến Pháp, được cử làm Đại sứ Pháp tại Moscow. Để làm cho vị Đại sứ cởi mở hơn cũng như sử dụng uy tín và ảnh hưởng của ông trong quan hệ Pháp-Liên Xô, KGB đã nghĩ đến quỹ kế "bẫy mật" nhằm tuyển mộ ông này. Do vị Đại sứ lịch lãm năm mươi tuổi Maurice Dejan rất say mê các cô gái trẻ, đẹp, đặc biệt là các cô tóc vàng, một kế hoạch mua chuộc đã được Trung tướng Oleg Gribanov - người đứng đầu Tổng cục 2 KGB - phác thảo.
Cấp dưới của ông - Yuri Krotkov - một nhân viên của KGB và cũng là một nhà biên kịch tại xưởng Mosfilm, đã tiến cử cho sếp mình “con én” (tiếng lóng các nhân viên tình báo bí mật ám chỉ những người phụ nữ dùng làm “mật” để mồi chài) mà sắc đẹp đang ở thời kỳ hoàng kim và làm việc trong “văn phòng”. Ứng cử viên đã được xem xét và phê duyệt đó chính là nữ diễn viên Larisa Kronberg - nhân vật chính của chiến dịch “Galant”, được thực hiện bởi KGB vào năm 1955.
Việc tuyển mộ nhà ngoại giao Pháp kéo dài gần ba năm có sựtham gia của cả nhà thơ đáng kính Sergei Mikhalkov và vợ ông - Natalya Konchalovskaya. Tại một trong những buổi tiếp khách, Larisa được giới thiệu với ngài Đại sứ Pháp, bởi không phải ai khác mà chính Sergei Mikhalkov. Bị choáng ngợp và mê hoặc, Dejean chăm sóc người đẹp tóc vàng với sự hào hiệp của một người Pháp thực thụ, mặc dù Larisa cảnh báo có một người chồng rất ghen tuông. Cuối cùng, khi phu nhân hợp pháp của nhà ngoại giao rời Moscow đến dãy Alps của Thụy Sỹ để nghỉ ngơi, Dejan khăng khăng đòi hẹn hò bí mật.
Cuộc gặp diễn ra trong một căn hộ được cho là thuộc sở hữu của Larisa Kronberg. Trong thực tế, đó là một trong những căn hộ “văn phòng”, được bí mật gắn video và thiết bị nghe trộm. Khi hương vị tình yêu đang độ cao trào, hai người của KGB - một trong số họ đóng vai người chồng ghen tuông của Larisa, và người kia là bạn - một nhân chứng tình cờ của vụ bê bối - ập vào phòng ngủ. Họ lôi nhà ngoại giao và Larisa trần truồng ra khỏi giường và đánh người Pháp một cách dã man, nhưng ghi nhớ lưu ý của Gribanov -không làm tổn thương khuôn mặt của ông ta.
“Con én” Larisa Kronberg thời xuân sắc; Nguồn: kp.by |
Để tự cứu mình, Dejan buộc phải tiết lộ chân tướng, thú nhận mình là Đại sứ Pháp. Người chồng giả đã trả lời một cách thô lỗ rằng, anh ta không quan tâm đến tư cách ngoại giao và sẽ trình báo cảnh sát, để đại diện của Đại sứ quán Pháp đến đó xử lý sự việc vô đạo đức này. “Nếu ông thực sự là một Đại sứ, thì tôi sẽ tống cổ ông ra khỏi đất nước. Cả thế giới sẽ biết ông là con lợn bẩn thỉu...”. Sau đó, Dejan đã trốn thoát khỏi căn hộ. Vị Đại sứ nghĩ rằng đó là một may mắn tuyệt vời, nhưng trên thực tế, việc trốn thoát của ông ta cũng là một phần của kịch bản đã được phác thảo.
Tối hôm đó, Dejan đã có cuộc gặp với Gribanov - người mà ông nghĩ là cố vấn của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Nhà ngoại giao không mấy may mắn đã công khai nói với “người bạn tốt” của mình về “nỗi niềm riêng”. Gribanov hào phóng hứa đảm bảo để lời tố cáo của người chồng hay ghen đang tức giận kia sẽ không đến tai cảnh sát. Nhưng để làm việc đó, Dejan sẽ phải thực hiện một vài “việc nhỏ” cho chính phủ Liên Xô... Và ngài Đại sứ Pháp đồng ý làm việc cho KGB... Sự hợp tác kéo dài trong 6 năm, cho đến khi thông tin về nó bị tiết lộ - Yuri Krotkov trốn ra nước ngoài và viết một vở kịch, lấy nội dung được đề cập ở trên làm cốt truyện.
Hậu quả
Đối với Larisa Kronberg, vụ việc kết thúc khá suôn sẻ, yên bình sống và tiếp tục cống hiến cho môn nghệ thuật thứ 7. Với KGB, cô được đánh giá cao về việc giữ kín vụ bê bối. Qua điệp vụ với ngài Đại sứ, Larisa đã được thưởng một chiếc đồng hồ vàng Thụy Sĩ có gắn kim cương.
Maurice Dejan cũng không bị liên lụy nhiều. Khi thông tin về vụ bê bối bị công khai, ông ta trở về nước và được cử đứng đầu Hiệp hội Pháp-Xô. Người ta nói rằng, khi nghe về vụ bê bối, Charles de Gaulle chỉ nhún vai và rằng, ông ta luôn nghi ngờ chuyện Maurice ngủ với bất kỳ ai.
Được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến dịch này là quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô với Pháp. Dưới ảnh hưởng và tác động của Dejan, nước Pháp đã chấp nhận một số nhượng bộ quan trọng đối với Liên Xô. Và vào năm 1966, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle quyết định rút Pháp khỏi NATO./.
Từ khóa: “Galant”, KGB, Larisa Kronberg, chiến dịch "Galant", mỹ nhân kế
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN