Cấp thiết đưa thuế GTGT phân bón về mức 5%

Cập nhật: 17/06/2024

VOV.VN - Ngay từ khi được triển khai thực hiện, Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật thuế 71), đã bộc lộ khá nhiều bất cập khi đưa phân bón từ đối tượng đang chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5% về đối tượng không chịu thuế GTGT, khiến giá phân bón trong nước tăng lên, từ đó doanh nghiệp sản xuất phân bón lâm vào khó khăn, còn nông dân phải gồng gánh chi phí sản xuất cao…

Bất cập của Luật thuế 71

Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu là một trong những chủ trương quan trọng nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Để thực hiện chủ trương này, năm 2014, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71, có hiệu lực từ năm 2015. Tại Khoản 1, Điều 3, Luật thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không phải chịu thuế GTGT, được kỳ vọng có thể giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp.

Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai thực hiện, Luật thuế 71 đã bộc lộ nhiều bất cập. Do doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT nên không những giá bán phân bón trong nước không giảm mà còn tăng lên. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%, phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2-6,1%... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón. Giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng tăng theo, kéo theo chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp tăng lên đáng kể..., đồng thời làm hạn chế sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến các dự án đầu tư sản xuất phân bón.

Thực tế đã cho thấy, chính sách thuế GTGT phân bón trong Luật thuế 71 hiện hành đi ngược lại hoàn toàn so với kỳ vọng ban đầu là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân. Không chỉ như vậy, chính sách thuế GTGT phân bón hiện nay còn tạo ra nhiều hệ lụy khác cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước khi có nguy cơ thua ngay trên sân nhà trước phân bón nhập ngoại, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp…

Nông dân “điêu đứng” vì giá phân bón cao

Sau khi Luật thuế 71 được ban hành và đi vào cuộc sống, giá phân bón tăng lên nhanh chóng, đỉnh điểm là vào năm 2022. Trong khi đó, giá thành nông sản bấp bênh, chi phí đầu vào nói chung tăng khiến cho người nông dân vốn gắn bó với ruộng nương đã lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”...

Ông Phan Văn Minh (xã Hương Bình, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho hay, gia đình ông hiện đang canh tác 7 sào lúa (mỗi sào Trung Bộ tương đương 500m2) và 4 sào hoa màu. Nhiều năm gần đây, gia đình ông đều dùng phân bón của các doanh nghiệp nội địa. Theo tính toán của ông Minh, 1 sào lúa thu hoạch được khoảng 1,5-2 tạ thóc, bán được khoảng 1,2 triệu đồng, trong đó chi phí để mua các loại phân bón như NPK, đạm, kali, hóa chất chiếm gần một nửa, còn lại là chi phí mua giống, thuê máy móc và một số chi phí khác. Sau khi trừ đi tất cả các chi phí, tiền lãi còn lại rất ít, lấy công làm lời.

“Làm nông dân bao đời vất vả. Nếu giá các nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rẻ hơn, chúng tôi thực sự vui mừng, đời sống của chúng tôi cũng sẽ tốt hơn”, ông Minh chia sẻ.

Bà Nguyễn Ngọc Hiền (56 tuổi, trú tại huyện Thạnh Thới An, Sóc Trăng) cho hay, do giá phân bón tăng cao, người làm nông rất thiệt thòi. Vì nếu giảm lượng phân bón trong các giai đoạn bón lót, bón thúc thì lúa chậm phát triển, không chắc hạt dẫn đến năng suất thấp, nếu bón đủ thì lại tốn thêm chi phí - kiểu gì cũng ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của bà con. Bà Hiền mong muốn có chính sách giảm giá phân bón hợp lý, ổn định, để bà con nông dân được nhờ.

Thực tế cho thấy, khi không chịu thuế GTGT, giá phân bón tăng lên đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến người nông dân, nhất là vào những đợt thị trường sốt giá như năm 2022, đến mức khiến nông dân phải thu hẹp diện tích sản xuất hoặc bỏ vụ. Cộng thêm với giai đoạn gần đây, các phần chi phí khác trong sản xuất nông nghiệp như nhân công, thuốc bảo vệ thực vật... đều tăng, giá nông sản thì “nhảy múa” liên hồi... khiến người nông dân càng thêm khó khăn.

Doanh nghiệp, nông dân cùng khó

Thực tế cho thấy, chính sách “ưu đãi” không đánh thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng như Luật thuế 71 hiện hành đã và đang trở thành… “ngược đãi” với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.

Thứ nhất, doanh nghiệp gặp khó khăn do không được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón, cũng như đầu tư mở rộng sản xuất, trang bị công nghệ, máy móc thiết bị mới. Đối với phần thuế GTGT đầu vào này, doanh nghiệp phải tính vào chi phí sản xuất, khiến giá thành tăng, tiêu thụ giảm, tồn kho tăng dẫn đến lợi nhuận giảm.

Mặt khác, khi giá phân bón trong nước tăng cao, dẫn đến hệ lụy là sức tiêu thụ sẽ giảm, tồn kho tăng. Trong khi đó, đối với phân bón nhập khẩu, tình hình lại diễn ra theo chiều ngược lại. Phân bón nhập khẩu từ các nước trong khu vực, phần lớn có thuế nhập khẩu bằng 0% và hầu hết các nước này có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp nên có lợi thế cạnh tranh hơn, khiến phân bón nội thất thế ngay trên sân nhà.

Do đó, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đều mong muốn mặt hàng phân bón được đưa trở lại diện chịu thuế GTGT. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, có thể đầu tư dây chuyền công nghệ mới, giúp nhà nông tăng năng suất cây trồng với chi phí hiệu quả…

Sớm đưa thuế GTGT phân bón về mức 5%

Phân tích về những bất cập của Luật thuế 71, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, việc phân bón không chịu thuế GTGT như Luật thuế 71 hiện hành không những ảnh hưởng đến doanh nghiệp và nông dân mà còn ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra của Việt Nam.

Ông phân tích rõ như sau: Với giá tăng cao do chính sách thuế GTGT bất hợp lý khiến phân bón nội địa “lép vế” so với sản phẩm nhập khẩu vốn đang được ưu đãi về thuế. Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam. Điều này, không những làm cho phân bón nội địa thụt lùi mà sản phẩm nông nghiệp và môi trường cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi lẽ các loại sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu giá rẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra, đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Về lâu dài, sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu không thể bảo đảm phát triển nền nông nghiệp bền vững, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ công nghiệp - nông nghiệp - nông dân và nông thôn, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước nhà.

PGS.TS Ngô Trí Long đề nghị, cần thiết phải đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

Về mức thuế GTGT phân bón, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở GTGT đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm 2-3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn, nông nghiệp - nông dân sẽ được hưởng lợi.

Còn theo TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Luật thuế 71 “góp phần” để phân bón giả, phân bón kém chất lượng được thể tung hoành. Nhiều năm qua, phân bón giả, phân bón kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành sản xuất phân bón trong nước duy trì và phát triển ổn định, bền vững, tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, TS Phùng Hà đề nghị cần nhanh chóng đưa mặt hàng phân bón từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế GTGT.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chuyên gia cao cấp về Thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn nêu thêm quan điểm, để bảo đảm tính nhân văn, thực hiện chủ trương hỗ trợ nông dân - đối tượng yếu thế nhất trong xã hội và tăng sức cạnh tranh của nông sản, áp mức thuế suất 5% với phân bón là hợp lý nhất. Tuy nhiên, theo ông Phụng cũng cần phải thẳng thắn một điều rằng, “khi áp thuế 5% thì giá phân bón cũng cần phải giảm tương ứng (ngoài việc còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác như giá thế giới hay giá nguyên liệu đầu vào...)”.

Những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón chất lượng cao trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Do đó, hơn lúc nào hết, những bất cập của chính sách thuế GTGT theo Luật thuế 71 rất cần nhanh chóng được sửa đổi để tạo điều kiện cho nền nông nghiệp, nông dân và ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững./.

Từ khóa: Doanh nghiệp, Phân bón,doanh nghiệp,thuế GTGT

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập