Bão số 3 rút ngắn 2/3 khoảng cách, chỉ cách Quảng Ninh khoảng 70 km

Cập nhật: 4 giờ trước

VOV.VN - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 21h ngày 21/7, vị trí tâm bão vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 108.3 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 70 km về phía Đông Đông Nam. Như vậy so với sáng nay cách Quảng Ninh -Hải Phòng 220km, bão đã rút ngắn 2/3 khoảng cách ở thời điểm này

10:44

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trên đất liền, từ tối và đêm 21/7, ven biển Quảng Ninh–Nghệ An gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14; sâu trong đất liền cấp 6, giật cấp 7–8. Gió cấp 10–11 có thể làm đổ cây, cột điện, tốc mái, thiệt hại rất lớn.

10:59

Bão số 3 sẽ gây mưa lớn, có nơi trên 600mm

Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: "Do ảnh hưởng của bão số 3, các khu vực ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa cần đặc biệt quan tâm đến gió mạnh. Tập trung chú ý đến nước biển dâng ở khu vực ven biển từ Quảng Ninh-Hưng Yên. Về mưa lớn có thể xảy ra ở Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nội, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An dao động từ 200-350mm, có nơi trên 600mm. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Quảng Ninh, Sơn La, Nam Phú Thọ (Hòa Bình cũ), phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Ngoài ra, đặc biệt quan tâm đến các hồ đập như Bản Vẽ (Nghệ An), Cửa Đạt, Trung Sơn (Thanh Hóa). Cùng với đó là ngập úng đô thị, các cụm công nghiệp ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An".

11:00

 

14:07

Phóng viên Vân Hồng - CTV Trần Hồng/VOV.VN đang có mặt tại Ninh Bình đưa tin: Sáng ngày 21/7, ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch phường Nam Định, tỉnh Ninh Bình trực tiếp chỉ đạo các lực lượng chức năng đã tiến hành khảo sát, chụp hiện trạng tại số 181 và 207 Hoàng Văn Thụ để triển khai phương án di dời dân trước diễn biến phức tạp của bão. Khu vực này hiện có tổng cộng 239 hộ dân, trong đó 39 hộ buộc phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn. Các hộ dân được di dời sang Trạm Y tế phường Trần Hưng Đạo, cách hiện trường chỉ 5 mét, thuận tiện cho việc theo dõi sức khỏe và hỗ trợ nhu yếu phẩm kịp thời. Việc di dời sẽ tiếp tục thực hiện trong chiều nay, tùy vào tình hình mưa bão và chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tại địa phương. Hiện lực lượng chức năng đang phối hợp chặt chẽ để đảm bảo công tác di dời diễn ra an toàn, trật tự, đồng thời tiếp tục cập nhật diễn biến tại các khu vực lân cận.

14:14

Ghi nhận tại các điểm xung yếu ở phường Thiên Trường, Ninh Bình Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, chính quyền và lực lượng chức năng phường Thiên Trường, thành phố Ninh Bình đã khẩn trương kiểm tra, rà soát và triển khai đồng bộ các phương án phòng, chống thiên tai tại nhiều điểm xung yếu trên địa bàn. Từ tuyến đê bối Hồng Long, khu vực Cống Chuột đến các kênh xả, bờ kè và trạm bơm tiêu nước, mọi công việc đang được thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra khi bão đổ bộ.

14:21

Cũng theo phóng viên Vân Hồng - CTV Trần Hồng, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình đã thành lập 4 đoàn công tác để kiểm tra các đồn, trạm Biên phòng trong công tác phòng chống cơn bão số 3, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã trên khu vực biên giới biển của tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động ngư dân vào nơi tránh trú an toàn. Các đoàn công tác thực hiện kiểm đếm phương tiện, đặc biệt là các phương tiện đánh bắt xa bờ, thường xuyên giữ liên lạc để hướng dẫn ngư dân đưa phương tiện vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn, đồng thời tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của Chủ tịch UBND tỉnh. Bốn đoàn công tác của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ kiểm tra tại các đơn vị gồm Đồn Biên phòng Quất Lâm, Đồn Biên phòng Văn Lý, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, Đồn Biên phòng Kim Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Ninh Phúc, Hải đội 1 và Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh. Các đoàn triển khai công tác chằng chống, neo đậu tàu thuyền, đồng thời tham mưu cho địa phương tăng cường lực lượng trên các tuyến đê biển xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, con người, vũ khí, khí tài kỹ thuật để kịp thời sơ tán dân khi có tình huống xảy ra. Hiện các đơn vị vẫn đang khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trên nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân trước diễn biến của cơn bão số 3.

 

14:24

Đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của nhóm phóng viên Lê Hải- Hoàng Thuyên/VOV.VN tại phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá, các phương tiện tầu thuyền của ngư dân đã được chuyển lên các vị trí an toàn. Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa Tính đến 7 giờ sáng nay (21/7), toàn tỉnh có 6.566 phương tiện với 21.868 lao động đã neo đậu, tránh trú bão.

14:44

PV Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc đang có mặt tại tỉnh Sơn La phản ánh, một trong những địa phương dự báo chịu ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, cấp ủy, chính quyền và bà con các xã đang chủ động phương châm “4 tại chỗ”, vừa khẩn trương khắc phục hậu quả các đợt mưa lớn vừa qua, vừa sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3.

Theo tin bão khẩn cấp lúc 14h của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, từ chiều 21/7 đến ngày 23/7, trên địa bàn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; một số khu vực thuộc các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu cũ sẽ có lượng mưa phổ biến từ 200 - 300 mm, có nơi trên 350mm. Dự báo mưa lớn kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; làm gẫy đổ cây cối, hư hỏng công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa lớn còn có khả năng cao gây lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực có địa hình dốc và ngập úng vùng trũng, thấp.

Ông Nguyễn Phong Lưu, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sại (thuộc huyện Bắc Yên cũ – khu vực dự báo có lượng mưa rất lớn) của tỉnh Sơn La cho biết: Xã đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể, các bản ra quân san gạt đất đá sạt lở trên các tuyến đường giao thông; nạo vét bùn đất; phát dọn, chặt đốn những cành cây có nguy cơ gãy đổ trong mưa lớn, gió lốc; Đồng thời gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi… hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của mưa lớn, gió lốc.

14:47

Theo PV Trường Giang, CTV Thu Báu/VOV Đông Bắc, tại đặc khu Cô Tô, Quảng Ninh, từ 13h chiều nay bắt đầu có mưa to đến rất to, gió cấp 6-8, trên biển có gió giật cấp 9, biển động. Công tác chống bão được đặc khu tích cực chuẩn bị từ hôm qua 20/7.

Tính đến sáng nay đã có gần 40 người dân ở các tàu thuyền, bè mảng đang tránh trú bão tại thôn 2 trên đảo Thanh Lân được đưa lên các nhà nghỉ, homestay, nhà dân, trạm y tế của đảo để tránh trú… Biên phòng, Công an, cán bộ thôn đang khẩn trương sơ tán người dân, đặc biệt ưu tiên đưa các em nhỏ, người già và phụ nữ từ các tàu thuyền lồng bè lên bờ an toàn. Các hộ dân được bố trí ăn nghỉ miễn phí tại các nhà dân và các homestay trong thời gian bão đổ bộ.

Ông Nguyễn Duy Phong, Phó Chủ tịch HĐND Đặc khu Cô Tô cho biết: “Chúng tôi đã bố trí lực lượng công an, quân đội và dân quân tự vệ hỗ trợ bà con rời bè lên bờ. Đồng thời đến tận các phương tiện tuyên truyền để người dân không chủ quan, chấp hành nghiêm lệnh sơ tán. Các gia đình được di dời từ tàu, thuyền lên bờ là những gia đình ở địa phương khác: Quảng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình trú bão tại đảo”.

Trên đảo chính Cô Tô, người dân tất bật mua lương thực, xăng dầu chuẩn bị trước giờ bão số 3 đổ bộ, đề phòng tình huống mưa bão kéo dài và giao thông bị gián đoạn. Chính quyền Đặc khu Cô Tô đã khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi mưa bão bắt đầu, đồng thời yêu cầu các cơ sở kinh doanh bình ổn giá, không lợi dụng thiên tai để tăng giá hàng hóa.

14:52

Phóng viên Tiến Dũng – Văn Giang/VOV.VN đang có mặt tại tỉnh Bắc Ninh thông tin: Ngày 21/7, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu kiểm tra công tác triển khai ứng phó với bão số 3 tại tại trạm bơm Lãng Sơn, đê bối Lãng Sơn, trạm bơm Tư Mại và đê tả cầu Ba Tổng.

Qua kiểm tra tại các công trình thủy lợi phục vụ tiêu úng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Văn Gấu yêu cầu các đơn vị cử người trực 24/24 giờ, sẵn sàng các phương án với tinh thần chủ động, đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình mưa bão trên các phương tiện thông tin để cán bộ và Nhân dân nắm được, tích cực phối hợp với ngành điện bảo đảm cung ứng điện giúp trạm bơm hoạt động liên tục, không gián đoạn trong mùa mưa bão.

Tình hình thời tiết, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần bám sát tình hình mưa bão, mực nước sông để tham mưu lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, trạm bơm trên địa bàn, tiếp tục rà soát, bổ sung phương án huy động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

Theo báo cáo nhanh, tính đến ngày 21/7, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận một trường hợp tại xã Tam Tiến bị thương nhẹ do mái tôn bị gió lốc cuốn bay vào người. Tổng cộng có 36 nhà bị tốc mái, tập trung tại các xã: Yên Thế, Tam Tiến, Biên Sơn, Tự Lạn, Kiên Lao, Hợp Thịnh, Bắc Lũng và Nhã Nam.

Tại các xã: Tuấn Đạo, Hợp Thịnh, Biên Sơn, một số hộ dân đã được sơ tán do nằm trong khu vực nguy hiểm, nguy cơ sạt lở đất. Trong sản xuất nông nghiệp, mưa lớn đã gây ngập cục bộ khoảng 90 ha lúa, trong đó xã Tự Lạn 40 ha, phường Việt Yên 10 ha và xã Yên Thế 10 ha. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam, chiều 21/7 trên địa bàn phường Bắc Giang đã xuất hiện mưa lớn, gió mạnh dần do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Wipha) đổ bộ. Hiện mực nước sông Thương đã bắt đầu dâng cao.

14:59

13 giờ ngày 22/7, tâm bão dự báo nằm trên vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 21/7, tâm bão ở khoảng 21,1°N; 109,1°E, cách Quảng Ninh khoảng 120km, Hải Phòng 260km, Hưng Yên 280km và Ninh Bình khoảng 310km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 9–10 (75–102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15km/h.

Đến 1 giờ ngày 22/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 10–15km/h và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão khi đó sẽ nằm trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc và 108,0 độ Kinh Đông. Cường độ bão đạt cấp 10–11, giật cấp 14.

Vùng nguy hiểm trên biển tại thời điểm này là khu vực phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 106,0 đến 112,0 độ Kinh Đông. Khu vực chịu ảnh hưởng gồm vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, vịnh Bắc Bộ, và vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai được đánh giá là cấp 3.

Đến 13 giờ ngày 22/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc tương tự. Tâm bão dự báo nằm trên vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, tại khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc và 106,6 độ Kinh Đông. Cường độ bão giữ nguyên ở cấp 10–11, giật cấp 14.

15:09

Sẽ cưỡng chế tàu thuyền không chấp hành lệnh phòng, tránh bão số 3

Khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực Vịnh Bắc Bộ vào nơi trú ẩn an toàn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có Công điện đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi có biện pháp cưỡng chế tàu thuyền về bờ neo đậu nếu không chấp hành lệnh.

Nội dung Công điện đề nghị các địa phương vừa nêu khẩn trương huy động mọi lực lượng, phương tiện kêu gọi, hướng dẫn hoặc có biện pháp cưỡng chế để đưa các tàu thuyền nêu trên về bờ neo đậu. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền và thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 117 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó khẩn cấp với bão số 3.

15:17

Biên phòng cửa khẩu Nghi Sơn triển khai phòng chống, ứng phó bão số 3

Phóng viên Lê Hải- CTV Phương Giang/VOV.VN tại Thanh Hóa đưa tin, trong nỗ lực ứng phó với cơn bão số 3 (WIPHA), Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Nghi Sơn đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống theo kế hoạch số 230/KH-BCH ngày 20/7/2025.

Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Nghi Sơn quản lý vùng biển phía Nam xã Nghi Sơn, với đường bờ biển dài 19,03 km và phạm vi quản lý bao gồm hai phường Hải Bình và Nghi Sơn, nằm trong Khu kinh tế Nghi Sơn cùng vùng nước Thanh Hóa, nơi có 16.831 hộ dân và 68.007 khẩu.

Về phương tiện thủy, khu vực này có 941 tàu cá với 2.791 lao động, trong đó phường Hải Bình có 195 phương tiện và 1.128 lao động, còn Nghi Sơn có 746 phương tiện và 1.663 lao động. Đặc biệt, khu vực còn có 77 hộ nuôi cá lồng với 334 lồng, trong đó riêng đảo Mê đã có 43 hộ với 254 lồng.

Để đảm bảo an toàn, đơn vị đã tăng cường lực lượng đến các địa bàn xung yếu, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thông báo kịp thời về diễn biến bão và hướng dẫn di chuyển, kiểm đếm, sắp xếp các khu neo đậu an toàn.

Các Trạm và cán bộ địa bàn được chỉ đạo tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng, thường xuyên tuần tra, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Đặc biệt chú trọng tuyên truyền, kêu gọi các hộ nuôi cá lồng, nhất là tại khu vực đảo Hòn Mê, tiến hành neo, chằng buộc chắc chắn lồng bè và tuyệt đối không ở lại khi bão vào.

Đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền hai địa phương thông báo Lệnh cấm biển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh từ 08 giờ ngày 21/7/2025, đồng thời rà soát các khu vực nguy cơ cao để có biện pháp phòng chống. Tất cả các tàu cá hoạt động nghề cá đã được hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn, không còn người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các phương tiện đã neo đậu tránh trú tại các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An và Quảng Ngãi.

15:20

Hà Nội sẵn sàng đối phó với tình huống nhiều cây xanh gãy đổ do bão

Ban An toàn giao thông, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa có công văn số 69/BATGT-VP về việc triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ứng phó với cơn bão số 3. Theo đó, nhằm sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3 (bão WIPHA), Ban An toàn giao thông thành phố đề nghị Công an thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, phương án để tham gia đảm bảo an toàn giao thông.

Sở Xây dựng khẩn trương chỉ đạo công tác cắt tỉa cây xanh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi mưa bão. Xây dựng các phương án bố trí lực lượng, trang thiết bị ứng phó các sự cố về hạ tầng giao thông (các điểm úng ngập, sự cố do cây xanh gãy đổ, sự cố về hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, sự cố tại các đường ngang giao cắt với đường sắt, sạt trượt hệ thống đường bộ,...) nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Tổng Công ty vận tải Hà Nội, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cơn bão số 3 để có phương án ứng phó, thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị.

UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố tổ chức cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai đến nhân dân trên địa bàn để chủ động ứng phó bảo đảm an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ năng ứng phó, nhất là gió mạnh, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất,...

15:24

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Hưng Yên

Phóng viên Ngọc Hoà – Lê Thanh/VOV.VN đang có mặt tại tỉnh Hưng Yên thông tin: Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (WIPHA), chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã trực tiếp về Hưng Yên kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó tại một số khu vực trọng yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi mưa bão.

Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra thực địa tại địa bàn xung yếu ven biển khu vực cảng cá Tân Sơn, xã Thái Thuỵ. Tại đây, Phó Thủ tướng ghi nhận tinh thần chủ động của chính quyền và lực lượng phòng chống thiên tai tại cơ sở, đồng thời yêu cầu địa phương tiếp tục nâng cao cảnh giác, triển khai nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” với đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện dự phòng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng kiểm soát chặt tàu thuyền tại cảng, cấm biển đúng thời điểm, hướng dẫn neo đậu an toàn; đồng thời tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân không ra khơi, không di chuyển qua vùng ngập trong điều kiện thời tiết xấu. Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Hưng Yên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh lân cận để nắm bắt tình hình, chia sẻ thông tin dự báo, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành trong suốt thời gian bão ảnh hưởng. Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng ứng trực 24/24h, chuẩn bị đầy đủ vật tư, lương thực tại các điểm sơ tán, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu nước hoặc không có chỗ ở an toàn trong và sau bão.

 

Theo báo cáo của Chi cục Biển và Thủy sản, toàn tỉnh Hưng Yên có 737 tàu cá tại 11 xã với khoảng 2.600 lao động tham gia. Chi cục tăng cường cán bộ tại các trạm thủy sản và các khu neo đậu tránh trú bão để sắp xếp tàu cá, các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, lồng bè, hướng dẫn phương án ứng phó; tổ chức trực 100% quân số tại các địa điểm đã được phân công phụ trách.

Đến 15 giờ chiều nay, toàn bộ tàu cá của tỉnh đã vào bến neo đậu an toàn. Trong đó, neo đậu tại các bến trog tỉnh là 1.102 phương tiện, neo đậu ngoài tỉnh là 30 phương tiện, 1 tàu cá đang hoạt động ở khu vực biển của tỉnh Cà Mau không bị ảnh hưởntg của bão số 3.

15:30

Di chuyển hơn 7.500 người tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển lên bờ

PV Trường Giang/VOV-Đông Bắc cho biết, khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long đang có mưa lớn, sóng biển cao từ 1-2m.

Lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục triển khai rà soát, hoàn thành công tác di chuyển người dân tại các khu nuôi trồng thuỷ sản đến khu vực an toàn. Đến trưa nay, đã có hơn 7.500 người tại hơn 7.700 cơ sở nuôi trồng thủy sản (trong đó 800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển) được di chuyển di chuyển lên bờ.

Tại phường Hà An, lực lượng chức năng đi kiểm tra rà soát, vận động và yêu cầu ký cam kết thực hiện di chuyển người về nơi trú bão an toàn, không ở lại trên bè khi bão đổ bộ. Tại đảo Quan Lạn ở đặc khu Vân Đồn, trong điều kiện mưa to, công tác hỗ trợ di dời tàu bè và người dân vào khu vực tránh trú bão vẫn đang tiến hành khẩn trương. Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát các nhà dân có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở… và không đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ để di dời, sơ tán với khoảng hơn 2.000 nhà dân trên toàn tỉnh.

15:33

Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động giải trí, du lịch để ứng phó bão số 3

Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội vừa có công văn về việc phòng chống thiên tai tại các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh thuộc địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đối phó với bão số 3. Theo đó, thực hiện Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL ngày 19/7/2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tập trung ứng phó với bão số 3, năm 2025; các văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội về việc ứng phó với bão số 3; Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các xã, phường của thành phố Hà Nội; Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội; Các Ban quản lý di tích: Di tích Danh thắng Hà Nội, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà tù Hoả Lò chỉ đạo các phòng ban chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục và phòng chống bão lũ.

Cụ thể là kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện trong di tích; chủ động thực hiện phương án bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quản lý; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ; chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) có hiệu quả, tránh sự cố xảy ra tại các di tích nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra; lập sơ đồ vị trí, danh mục thống kê các di vật, hiện vật bị hư hại tại các di tích sau khi sự cố xảy ra, làm cơ sở đối chiếu, phục hồi khắc phục sự cố, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

15:40

Sân bay Vân Đồn huỷ chuyến bay ngày 21/7 do ảnh hưởng của bão số 3

Theo thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hai chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet Air khai thác chặng TP Hồ Chí Minh - Vân Đồn và ngược lại trong ngày 21/7 đã bị hủy do điều kiện thời tiết xấu. Hành khách có vé trên các chuyến bay này sẽ được hãng hỗ trợ hoàn/đổi vé hoặc sắp xếp chuyển sang lịch bay khác phù hợp.

Dự báo từ 3h đến 11h ngày 22/7, khu vực sân bay Vân Đồn có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to, gió giật mạnh cấp 9-10. Để chủ động ứng phó với bão số 3, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã triển khai đồng bộ các phương án phòng chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, cán bộ nhân viên và toàn bộ hạ tầng sân bay.

Đơn vị đã thiết lập chế độ trực 24/24h, sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp; đồng thời rà soát toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm mái nhà, hệ thống điện, chống sét, cây xanh, mương thoát nước… Bên cạnh đó, các thiết bị phục vụ bay và phương tiện mặt đất cũng đã được chằng néo, cố định nhằm phòng ngừa thiệt hại do gió lớn và mưa dông.

15:43

Cao Bằng: Khẩn trương rà soát, sẵn sàng ứng phó nguy cơ lũ quét, sạt lở đất

Phóng viên Công Luận-VOV Đông Bắc thông tin: Thời điểm khoảng 15h30p, tại Cao Bằng bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ rải rác.

Tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, trong đó đặc biệt nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu chính quyền các xã, phường tiếp tục rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở và thống kê số hộ nằm trong phạm vi ảnh hưởng. Sẵn sàng bố trí các khu vực an toàn như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… để di dời người dân trong tình huống khẩn cấp.

Hiện qua rà soát, Cao Bằng xác định có khoảng 310 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, chủ yếu nằm tại các khu dân cư ven sông suối, taluy dương, khu vực đồi núi dốc và các tuyến giao thông xung yếu. Các vị trí có nguy cơ sạt lở được rào chắn và đặt biển cảnh báo người dân.

Ông Nông Quốc Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự- phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng cho biết, đến thời điểm này, tất cả các các xã, phường đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phân công rõ người, rõ việc, duy trì chế độ trực ban nghiêm túc 24/24 giờ. Phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn đã được xây dựng, sẵn sàng kích hoạt khi có tình huống khẩn cấp.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Cao Bằng, ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, Cao Bằng dự báo có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông trên diện rộng với lượng mưa có nơi đạt trên 100mm. Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng cho biết, để ứng phó với cơ bão số 3, đơn vị đã cho tiến hành xả nước kết hợp phục vụ tưới vụ mùa cho người dân tại 6 hồ đập xung yếu, đảm bảo hồ trong mực nước an toàn và tạo dung tích phòng lũ. Bên cạnh đó, các loại vật tư, phương tiện đã được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng ứng phó khi tình huống mưa bão xảy ra.

15:46

Theo phóng viên Đinh Tuấn/VOV-Tây Bắc, trước dự báo bão số 3 gây mưa rất lớn tại tỉnh Lào Cai, hiện nay các xã, phường đang cử lực lượng đi rà soát tất cả các địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; vừa tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vừa kiên quyết di dời các hộ ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời có có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân phải sơ tán, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

 

16:10

Phóng viên Thanh Nga/VOV-Đông Bắc đưa tin: Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự phường Đồ Sơn (TP Hải Phòng), triển khai công phòng, chống bão số 3, Đồn Biên phòng Đồ Sơn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm đếm, thông báo, kêu gọi 81 phương tiện với 340 lao động vào tránh trú, phòng chống bão số 3.

Trong đó, số phương tiện địa phương đã vào neo đậu tại bến thuộc địa bàn quản lý là 80 phương tiện, với 334 lao động. Còn 1 phương tiện, với 6 lao động đang neo đậu tại Mũi Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh. Số phương tiện từ các xã, phường khác trong thành phố neo đậu tại địa bàn phường là 54 phương tiện với 158 lao động; phương tiện từ các tỉnh thành khác vào neo đậu tại địa bàn là 10 phương tiện với 25 lao động. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phường Đồ Sơn đã tổ chức rà soát và sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư phòng chống bão số 3 với hơn 670 người, cùng nhiều phương tiện, vật tư…

 

Địa phương đã tiến hành rà soát lại các phương án phòng chống thiên tai; kiểm tra các trang thiết bị, vật tư, phương tiện, đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống lụt bão; kiểm tra hệ thống đê điều, thủy lợi, khu du lịch, các khu vực có nguy cơ sạt lở, các công trình xây dựng trên địa bàn. Chủ động thực hiện tiêu thoát nước, chống ngập lụt khu vực đô thị, dân cư và phòng chống úng lụt bảo vệ sản xuất...

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Phường Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng cho biết, phường đã bố trí sẵn sàng nơi ở, nhu yếu phẩm phục vụ người dân phải di dời khỏi khu vực sinh sống có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất đá và những ngư dân ở các địa phương khác đang có tàu neo đậu tại Cảng cá Ngọc Hải. Trong chiều nay, lãnh đạo UBND phường tiếp tục đi kiểm tra các điểm xung yếu yêu cầu tất cả nhân dân di chuyển khỏi khu vực này để đảm bảo an toàn.

16:13

Các bệnh viện trong khu vực ảnh hưởng bão Wipha cần sơ tán người bệnh

 Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trong khu vực bị ảnh hưởng của bão Wipha cần phương án để chủ động sơ tán người bệnh, thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tới các khu vực kiên cố có khả năng chịu được tác động của bão.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; Các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành về việc triển khai công tác phòng chống, ứng phó Bão số 3, bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh.  

Theo dự báo, Bão số 3 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường với phạm vi ảnh hưởng rộng, gây mưa lớn ở nhiều địa phương. Nhằm chủ động ứng phó hiệu quả, bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh không bị gián đoạn, tổ chức cứu chữa người bệnh kịp thời, an toàn.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ bố trí lãnh đạo sở trực chỉ huy 24/24h; chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các bệnh viện trực thuộc để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão.

16:18

Hàng trăm ngôi nhà ở Thanh Hóa đã bị tốc mái

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại do mưa lớn kèm gió giật mạnh gây ra từ ngày 19/7 đến 6 giờ sáng ngày 21/7. Cụ thể, có 221 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; 2 điểm trường bị ảnh hưởng; 61 cột điện hạ thế, 6 cột đường dây viễn thông bị gãy, nghiêng; 3 ô tô con, 4 xe máy bị hư hỏng; 2 trụ sở cơ quan, 5 nhà xưởng.

Đối với sản xuất nông nghiệp, theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 18,82ha lúa, 61,07ha hoa màu, rau màu, 33,5ha cây trồng hàng năm, 5ha cây trồng lâu năm, 157 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị đổ, gãy; 30 con gia cầm bị chết; 0,44 ha ao cá bị tràn; 1ha nhà màng, nhà lưới, 61 chuồng trại bị hư hỏng...

Các địa phương, đơn vị đang tiếp tục rà soát, tổng hợp thiệt hại; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý, hướng dẫn khắc phục hậu quả.

Tại xã Sơn Thủy, tỉnh Thanh Hóa, chiều tối 19/7 trên địa bàn xã Sơn Thủy xảy ra giông lốc kèm gió giật mạnh và mưa lớn, làm ảnh hưởng đến 49 hộ dân tại 7/11 bản. Trong đó, có 5 hộ bị thiệt hại nặng do tốc mái trên 50% và hư hỏng hệ thống vì kèo, đòn tay 1 hộ/4 khẩu tại bản Cóc đã được tổ chức di dời khẩn cấp đến nơi an toàn.

Ngay trong đêm, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Sơn Thủy đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác đến kiểm tra thực tế hiện trường, thăm hỏi, động viên nhân dân và lực lượng chức năng đang ứng trực, khắc phục hậu quả tại các bản bị thiệt hại.

16:23

Phú Thọ yêu cầu tăng cường kiểm tra ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ cuốn, sạt lở

Nhóm PV Phi Long-Sỹ Thành/VOV.VN từ Phú Thọ đưa tin, nhằm chủ động ứng phó với bão số 3, sáng 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra công tác chủ động phòng chống cơn bão số 3 tại một số địa phương trong tỉnh.

Kiểm tra Trạm bơm tiêu Sơn Tình, xã Phú Khê; khu vực dân cư bị úng ngập vùng Phương Xá, xã Cẩm Khê; vị trí xung yếu đê hữu ngòi Giành, xã Tiên Lương; Hồ Ao Châu, xã Hạ Hòa, ông Trần Duy Đông yêu cầu các sở ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; Tăng cường công tác cảnh báo tại các địa điểm xung yếu, các ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ cuốn, sạt lở. Tuyên truyền người dân chủ động phòng chống bão số 3; khi xảy ra mưa lũ không đi qua các ngầm tràn, điểm có nguy cơ sạt lở, lũ cuốn.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các Công ty TNHH MTV Thủy lợi cần bám sát diễn biến thời tiết, chủ động triển khai các phương án ứng phó kịp thời. Trước mắt tiếp tục phân công lịch trực phòng, chống lụt bão 24/24h bảo đảm nghiêm túc, thời gian giao ca và những vấn đề phát sinh khác phải được báo cáo kịp thời và ghi chép đầy đủ trong sổ theo dõi. Ông Trần Duy Đông giao Sở Nông nghiệp và Môi trường và các sở, ngành liên quan rà soát nghiên cứu, cân đối nguồn vốn đầu tư công để đầu tư dự án công trình thuỷ lợi, công trình phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn khi thiên tai xảy ra. Các cấp, các ngành theo dõi sát diễn biến của bão số 3, chủ động các biện pháp phòng chống hiệu quả, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

16:26

Phóng viên Khắc Kiên/VOV Tây Bắc thông tin: Tại tỉnh biên giơi Lai Châu, địa phương được xác định sẽ có mưa to do ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 3. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ có thể gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiêm cứu nạn tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến thời tiết. Các địa phương tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, tổ chức trực ban 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt.

Hiện nay, 100% các xã, phường và các sở, ngành tại Lai Châu đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sau sáp nhập, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai. Các lực lượng thường trực gồm Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, các doanh nghiệp, tình nguyện viên và các lực lượng khác trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo duy trì đủ quân số. Tùy theo tính chất và tình hình diễn biến, mức độ ảnh hưởng của thiên tai, chính quyền các cấp có thể điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện phù hợp theo yêu cầu.

Ngoài ra, chính quyền tỉnh Lai Châu cũng yêu cầu các xã, phường tập trung rà soát, kiểm tra khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; chuẩn bị sẵn phương án, nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị di chuyển, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tổ chức khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, khơi thông hệ thống thoát nước; duy trì thực hiện việc cảnh báo tại vị trí nguy hiểm có nguy cơ gây ách tắc giao thông. Các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ, đập thủy lợi, thủy điện nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống thiên tai...

 

16:28

Cũng theo phóng viên Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về ứng phó với cơn bão số 3 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ; các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Ông Hà Trọng Hải yêu cầu các chủ đầu tư đang thi công các công trình thuỷ điện có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, nếu xảy ra mưa, lũ lớn phải di chuyển toàn bộ người và phương tiện trên các công trình đang thi công đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, phường chủ động theo dõi tình hình cơn bão số 3, có phương án ứng phó cụ thể, thành lập các đội xung kích các xã để ứng phó kịp thời khi tình huống xấu xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra.

16:33

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác phòng chống bão tại Quảng Ninh

PV/VOV-Đông Bắc thông tin, chiều 21/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh, yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Đặc biệt nhấn mạnh tới việc đảm bảo an toàn tính mạng người dân, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phải theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động di dời dân khỏi các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, ngập sâu hoặc ảnh hưởng trực tiếp của sóng, gió mạnh.

Hiện tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất kiểm đếm toàn bộ tàu thuyền, thông báo cho trên 4.000 phương tiện với hơn 10.000 lao động về hướng di chuyển của bão; đồng thời công bố 76 điểm neo đậu an toàn, đảm bảo đủ chỗ tránh trú cho tàu cá. Các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư, dân quân tự vệ, tổ xung kích đã được kích hoạt, sẵn sàng triển khai các biện pháp ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn tại các khu vực nuôi trồng thủy sản, hồ chứa, đê điều, trạm bơm tiêu úng và hệ thống thông tin liên lạc; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp viễn thông triển khai phương án dự phòng, đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ chỉ đạo điều hành từ trung ương đến cơ sở.

Nhấn mạnh tinh thần khẩn trương nhưng không hoảng loạn, chủ động nhưng không chủ quan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự vào cuộc sớm và quyết liệt của tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các phương án đã chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi bão đổ bộ.

16:45

Công an Thái Nguyên trực 100% quân số, sẵn sàng ứng phó bão số 3 

PV Cao Thắng/VOV.VN đang có mặt tại Thái Nguyên đưa tin, trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), Công an tỉnh Thái Nguyên đã trực 100% quân số từ chiều 21/7. Lực lượng chức năng khẩn trương triển khai phương án phòng chống, rà soát điểm xung yếu, sẵn sàng di dời dân, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản.

Theo đó, công an các đơn vị, địa phương được yêu cầu theo dõi sát diễn biến của bão Wipha để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối trụ sở làm việc, kho hồ sơ, vũ khí, trang bị, trại tạm giam, đồng thời tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp xã và phối hợp với các lực lượng chức năng tại cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm về thiên tai (đặc biệt là các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập úng, bị cô lập) tổ chức tuyên truyền, vận động, huy động lực lượng, phương tiện, hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi tránh trú an toàn, hạn chế tối đa thiệt hại.

Các đơn vị nghiệp vụ như Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát cơ động được yêu cầu chủ động xây dựng các phương án riêng, phân công lực lượng, phương tiện ứng phó với bão; các đơn vị cấp phòng thuộc công an tỉnh, công an cấp xã tiến hành lập các tổ xung kích để sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả của bão.

16:51

Phóng viên Vân Hồng - CTV Trần Hồng/VOV.VN tại Ninh Bình đưa tin: Chiều 21/7, ông Trần Đức Thắng, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Ninh Bình.

Ông Thắng yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước sạch, thuốc men, nhu yếu phẩm, phương tiện, sẵn sàng di dời người dân khi cần thiết. Đồng thời, rà soát hệ thống đê điều, các điểm xung yếu, phương án tiêu thoát nước để ứng phó kịp thời khi mưa lớn xảy ra. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần chủ động các phương án ứng phó thiên tai, chuẩn bị sẵn đèn pin, nến, máy phát điện dự phòng trong trường hợp mất điện, mất liên lạc. Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương, sẵn sàng hỗ trợ, túc trực 24/24, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trước, trong và sau bão số 3.

17:03

Phóng viên Bá Thăng-VOV tại Nghệ An thông tin: Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vào lúc 16h hôm nay, từ chiều tối nay (21/7) đến ngày 23/7, khu vực từ Thanh Hóa và Nghệ An được dự báo sẽ có mưa to đến rất to và giông, với tổng lượng mưa phổ biến từ 200–350mm, thậm chí có nơi trên 600mm. Các tỉnh thành khác thuộc Bắc Bộ và Hà Tĩnh cũng sẽ có mưa vừa, mưa to, cục bộ mưa rất to, tổng lượng phổ biến 100–200mm, có nơi trên 300mm.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt khi bão số 3 (Wipha), chiều nay, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An do Đại tá Hoàng Đình Luân – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng làm trưởng đoàn, đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó tại một số xã, phường ven biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn trong những ngày tới, Đại tá Hoàng Đình Luân yêu cầu các đơn vị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các công điện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về công tác phòng chống mưa bão. Chỉ huy các đơn vị cần thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình mưa bão, duy trì nghiêm túc các chế độ trực ban, trực sẵn sàng cơ động khi có lệnh. Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát, đảm bảo an toàn doanh trại, kho, trạm và các hoạt động của bộ đội. Đồng thời, kiểm tra hệ số kỹ thuật, tình trạng an toàn của tàu, xuồng, xe máy cùng các thiết bị, phương tiện cứu hộ cứu nạn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp thường xuyên với cấp ủy chính quyền địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn để nắm chắc tình hình, rà soát các hồ đập, khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, cần kêu gọi, thông báo kịp thời cho người dân đang làm ăn, sinh sống trên các thuyền, bè, nương, rẫy về diễn biến thời tiết để tìm nơi tránh trú an toàn.

17:11

Ngay khi bão số 3 (Wipha) hình thành và có khả năng ảnh hưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với phương châm “4 tại chỗ”, quyết tâm không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự các xã, phường duy trì trực 100% quân số, sẵn sàng các phương tiện, kỹ thuật; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, nhất là các điểm nguy cơ sạt lở, ngập lụt. Các đơn vị cũng xây dựng phương án cụ thể, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn, đồng thời tuyên truyền nhân dân chủ động gia cố nhà cửa, bảo vệ tài sản; các cơ quan, đơn vị chủ động kiểm tra, gia cố hệ thống kho tàng, doanh trại, đảm bảo an toàn cơ sở vật chất và duy trì thông tin liên lạc thông suốt.

17:16

Bão số 3 đang ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển

PV Trường Giang/VOV Đông Bắc thông tin, khu vực biển quanh đảo Thanh Lân, đảo Cô Tô Lớn (đặc khu Cô Tô) và các đảo trên vịnh Hạ Long đều đang có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 1-2m.

17:25

PV Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc thông tin, tỉnh Sơn La đang chủ động phương án ứng phó trước nguy cơ lũ trên các sông. Theo tin cảnh báo lũ trên các sông của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, từ đêm nay 21/7 đến ngày 23/7, trên sông Nậm Pàn và sông Mã khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Mã tại trạm thủy văn Xã Là và trạm thuỷ văn Hát Lót ở mức cao hơn cấp báo động 2.

Tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các địa phương có cầu treo, ngầm tràn trên các sông suối nhỏ… tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu; đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị trong thời điểm mưa lớn. Đồng thời, rà soát các khu vực có nguy cơ cao, kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi các khu vực không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

17:29

Phú Thọ đảm bảo vận hành hệ thống hồ chứa nước an toàn trong bão số 3

Nhóm PV Phi Long-Sỹ Thành từ Phú Thọ đưa tin: Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, ngày 19/7, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Công văn số 78-CV/TU yêu cầu các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường chủ động theo dõi sát diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”; tuyệt đối không chủ quan, bị động, bất ngờ, đảm bảo an toàn tính mạng và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản cho người dân. Trong đó, đặc biệt lưu ý các nội dung:

Kiểm tra, đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du, bố trí lực lượng sẵn sàng điều tiết, xử lý các sự cố có thể phát sinh; rà soát, triển khai biện pháp an toàn cho các hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên sông, hồ, sẵn sàng phương án sơ tán người dân khỏi lồng bè, chòi canh đến nơi an toàn;

Tổ chức sơ tán người dân khỏi khu vực nhà yếu, nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét, đặc biệt tại khu vực ven sông, suối, miền núi; chủ động bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhà ở, trụ sở, đê điều, khu công nghiệp, phòng ngừa ngập úng tại các đô thị, vùng trũng thấp.

Cùng với đó, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực nước chảy xiết. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt.

Ông Nguyễn Chí Thanh – Trưởng phòng quản lý nước và công trình - Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Tam Đảo cho biết, tai xã Tam Đảo mới, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Tam Đảo được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ gao nhiệm vụ quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh, xã hội cho 8 xã, thuộc tỉnh Phú Thọ.

Đơn vị đang quản lý 23 hồ chứa nước, trong đó: 7 hồ chứa lớn, 1 hồ chứa nước vừa, 15 hồ chứa nhỏ; 30 trạm bơm điện, dầu cố định; 19 đập dâng ngang suối; 188,512 km kênh mương tưới; 181.47 km kênh tiêu. Trong đó có một số hồ lớn như Hồ Xạ Hương, Hồ Thanh Lanh dung tích gần 10 triệu m3 nước; Hồ Làng Hà, Hồ Bản Long dung tích 4,5 triệu m3. Hiện một số hồ lượng nước đang dưới báo động, một số hồ lượng nước đang bằng cao trình tích nước. Một số hồ chứa đơn vị đang chủ động xả tràn, hạ thấp lượng nước trong hồ để đón lượng nước mưa khi bão vào và mưa hoàn lưu sau bão.

17:41

PV Vũ Miền/VOV-Đông Bắc đưa tin: Thiếu tướng Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Hà Tất Đạt, Phó Tư lệnh Quân khu 3 cùng các cơ quan Bộ Tổng tham mưu và cơ quan quân khu đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn Quảng Ninh. Đoàn công tác đã đi kiểm tra trên tuyến đê cấp quốc gia thuộc phường Liên Hòa, Phong Cốc, và bến neo đậu Cái Xà Cong, phường Hà Tu, tỉnh Quảng Ninh.

Đến thời điểm này, Quảng Ninh có mưa trên diện rộng, tại các đặc khu Cô Tô, Van Đồn gió cấp 7, biển động mạnh. Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 4 Sở chỉ huy phòng chống bão, trong đó sở chỉ huy thường xuyên đặt tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở chỉ huy còn lại đặt tại Quảng Hà, Vân Đồn, Quảng Yên với hơn 3.000 cán bộ, chiến sỹ túc trực tại các điểm xung yếu nhất là trên tuyến biển, đảo đồng thời phối hợp với các địa phương lập phương án di dời khi có nguy cơ sạt lở, sụt lún đồng thời tổ chức tuyên truyền phòng chống cơn bão số 3 (Wipha) cho 100% ngư dân trên biển và ven biển về nơi tránh trú bão an toàn.

17:48

 

18:01

PV Thanh Nga/VOV-Đông Bắc thông tin: Hiện nay, tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ (TP Hải Phòng) đang có gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 9; mưa rất to, sóng lớn.

Tại âu cảng Bạch Long Vĩ có 87 phương tiện đang neo đậu; trong đó, 71 phương tiện địa phương quản lý và 16 tàu thuyền của các địa phương khác. Các phương tiện đều được chằng chống an toàn hoặc cẩu lên bờ. Toàn bộ ngư dân của các phương tiện đều được đưa lên bờ, tạm trú tại nhà thi đấu đa năng của đặc khu và một số điểm tránh trú an toàn. Đặc khu Bạch Long Vĩ cũng đã sơ tán 08 hộ dân khu vực mép nước đường dạo âu cảng vào tránh trú tại nhà thi đấu đa năng của đặc khu.

Ông Đào Minh Đông, Chủ tịch UBND đặc khu Bạch Long Vĩ cho biết: “Do làm tốt công tác chuẩn bị nên đến thời điểm này, toàn bộ tàu thuyền trên khu vực Bạch Long Vĩ và các nhà dân đảm bảo an toàn, không có thiệt hại”.

 

18:12

PV Cao Thắng/VOV.VN tại Thái Nguyên thông tin: Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Bắc Bộ nối với cơn bão số 3 (Wipha) trên khu vực Bắc Biển Đông, từ ngày 21/7 đến chiều ngày 22/7, các khu vực trong tỉnh Thái Nguyên có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 200mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Để bảo vệ hồ đập, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã tiến hành xả nước qua tràn hồ Núi Cốc tại vị trí các cửa xả số 1 và số 2 với lưu lượng xả dự kiến thấp hơn hoặc bằng 250 m3/giây nhằm ứng phó với cơn bão số 3. Mực nước đo được tại hồ Núi Cốc vào lúc 7h00 ngày 21/7/2025 ở cao trình +44,49m. Trong quá trình vận hành xả nước qua tràn, dự kiến có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, cá nhân và nhân dân sản xuất, kinh doanh dọc hai bên bờ Sông Công gồm các xã, phường Đại Phúc, Tân Cương, Vạn Xuân, Trung Thành, Phổ Yên, Phúc Thuận, Thành Công, Sông Công, Bá Xuyên.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công điện về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 3 năm 2025. Công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các xã, phường trên địa bàn tỉnh theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo, cập nhật đầy đủ về diễn biến của bão và thông tin kịp thời để nhân dân chủ động ứng phó đảm bảo an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ năng ứng phó, nhất là gió mạnh, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất.

19:06

Hà Nội: Trưa và chiều mai (22/7) sẽ có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8

Phóng viên Văn Ngân/VOV.VN phỏng vấn ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia, được biết: "Vào khoảng trưa đến chiều 22/7 vùng tâm bão số 3 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa; khu vực ven biển Hải Phòng, ven biển Hưng Yên (Thái Bình cũ), gió cấp 9-10, giật cấp 13-14. Ven biển Ninh Bình, gió cấp 8-9, giật cấp 13; Ven biển Thanh Hóa (tập trung ở phía Bắc) gió cấp 7-8, giật cấp 8-9. Tại khu vực Hà Nội, trưa và chiều mai (22/7) sẽ có gió mạnh cấp 5-6, giật 7-8".

Dự báo triều cường cao (bao gồm cả nước dâng do bão) sẽ xuất hiện vào buổi chiều 22/7. Cụ thể, tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 2,4-2,6m (13-16h); tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 3,9-4,3m (13-16h); tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cao 4,6-5,0m (14-17h); và tại Trà Cổ (Quảng Ninh) cao 3,6-4,0m (14-17h).

Bão số 3 sẽ gây mưa to diện rộng từ nay tối và đêm 21/7 đến sáng 23/7, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.

Từ đêm nay (21/7) đến 25/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-6m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng nguồn sông Mã có khả năng lên mức báo động 2 - báo động 3 (BĐ2-BĐ3); đỉnh lũ trên sông Thao, sông Lô, sông Đà tại hồ Hòa Bình, sông Thái Bình, sông Hoàng Long, thượng nguồn sông Cả lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2; đỉnh lũ hạ lưu sông Hồng ở dưới BĐ1; hạ lưu sông Mã, sông Cả dao động ở mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, các khu đô thị thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An...

19:09

TP.HCM khẩn trương ứng phó với bão số 3

 

Phóng viên Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM đưa tin, ngày 21/7, UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn, yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai biện pháp phòng chống bão số 3 và chuẩn bị phương án ứng phó chi tiết. Các lực lượng, phương tiện, vật tư cũng phải sẵn sàng xử lý các tình huống như mưa lớn, dông lốc hay ngập úng.

Theo Quyết định 3039/QĐ-UBND, tất cả đơn vị liên quan phải trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, công bố số điện thoại trực và phân công lực lượng hỗ trợ người dân kịp thời.

Tại các vùng ven biển, đặc biệt là Đặc khu Côn Đảo, chính quyền yêu cầu thực hiện nghiêm phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền.

Các đơn vị liên quan cần kiểm đếm, hướng dẫn tàu rời khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi trú ẩn theo Quyết định 812/QĐ-UBND. Bộ Tư lệnh TP.HCM, Công an, Bộ đội Biên phòng và Cảng vụ Hàng hải sẵn sàng huy động lực lượng, thiết bị tham gia cứu hộ.

Các đơn vị khác cũng được yêu cầu khẩn trương điều phối vận hành cống, cửa xả, máy bơm để giảm ngập. Đồng thời, cần đẩy nhanh việc chặt tỉa cây, xử lý sự cố cây đổ. Ngành điện lực khẩn trương khắc phục các sự cố do giông lốc.

19:19

Bộ đội Biên phòng cùng ngư dân chằng buộc tàu thuyền, khẩn trương ứng phó bão số 3

Theo phóng viên Quỳnh Trang/VOV.VN, ngay sau khi có thông tin về hướng đi và mức độ nguy hiểm của bão số 3, Hải đoàn Biên phòng 38 đã khẩn trương triển khai lực lượng, phương tiện, đồng thời bám sát phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); "3 sẵn sàng" (sẵn sàng phòng ngừa chủ động; sẵn sàng ứng phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương, hiệu quả).

Tại hiện trường, cán bộ, chiến sĩ đã trực tiếp xuống các khu neo đậu, phối hợp chặt chẽ với ngư dân chằng buộc tàu thuyền, kiểm tra dây, phao, thu dọn lưới, ngư cụ, đồng thời hướng dẫn bà con bảo đảm an toàn phương tiện trước khi bão đổ bộ.

Các tổ công tác của đơn vị cũng đã tổ chức vận động, kêu gọi 36 phương tiện/285 ngư dân khẩn trương vào nơi tránh trú bão an toàn, không để người dân chủ quan, lơ là trong bất cứ tình huống nào. 

Đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng của lực lượng BĐBP cho các phương tiện để kịp thời thông báo khi có vấn đề xảy ra.

19:35

PV Trấn Long/VOV-Tây Bắc thông tin: Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, chiều tối nay (21/7), tại tỉnh Sơn La xuất hiện mưa lớn trên diện rộng, hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

Ghi nhận tại phường Mộc Sơn, tỉnh Sơn La (thị trấn Mộc Châu và xã Đông Sang cũ sáp nhập), các lực lượng chức năng đã huy động nhân lực, phương tiện triển khai phương án phòng chống mưa bão theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức khảo sát trực tiếp các điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đánh giá hiện trạng những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất thường. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân chủ động triển khai các phương án ứng phó và hạn chế ảnh hưởng đến tài sản như gia cố nhà cửa, di chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm đến vị trí an toàn.

Theo dự báo, trong những giờ tới, tỉnh Sơn La tiếp tục có mưa lớn kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến từ 100mm – 300mm, có nơi trên 350mm, gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hư hại nhà cửa, ngập úng trong các khu dân cư…Hiện các lực lượng chức năng tỉnh Sơn La đang khẩn trương hướng dẫn nhân dân các phương án phòng chống mưa lũ, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân khi có tình huống xảy ra.

20:03

Phóng viên Tiến Dũng/VOV.VN tại Bắc Ninh cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (Wipha), nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bắc Ninh chỉ đạo các cấp đoàn trong toàn tỉnh thành lập đội hình thanh niên tình nguyện tham gia ứng phó bão.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 21 - 23/7, bão số 3 sẽ gây mưa to đến rất to và dông ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. Tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của rìa phía Tây hoàn lưu trước bão số 3. Dự báo từ ngày 21 - 23/7, do ảnh hưởng trực tiếp từ phần phía Tây Bắc hoàn lưu bão số 3, thời tiết nhiều mây, có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Các xã, phường dự báo bị ảnh hưởng của gió mạnh bão số 3 từ đêm 21/7 - đêm 22/7 (từ cấp 6 trở lên), bao gồm: Sơn Động, Vân Sơn, Đại Sơn, An Lạc, Dương Hưu, Tuấn Đạo, Tây Yên Tử, Yên Định, Sơn Hải, Tân Sơn, Biên Sơn, Sa Lý, Kiên Lao, Biển Động, Lục Ngạn, Đèo Gia, phường Chũ, Thuận Thành, Mão Điền, Trạm Lộ, Trí Quả, Song Liễu, Ninh Xá, Quế Võ, Phương Liễu, Nhân Hoà, Đào Viên, Bồng Lai, Chi Lăng, Phù Lãng, Lục Sơn, Trường Sơn, Cẩm Lý, Đông Phú, Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Lũng, Bảo Đài, Nam Dương, Phượng Sơn, Gia Bình, Nhân Thắng, Đại Lai, Cao Đức, Đông Cứu, Tân An, Yên Dũng, Cảnh Thuỵ và Đồng Việt.

20:22

Phóng viên Công Luận-VOV Đông Bắc thông tin: Cao tốc Đồng Đăng -Trà Lĩnh chủ động ứng phó bão số 3, đảm bảo an toàn công trình và người lao động Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Ban Quản lý Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng, chống bão, chủ động triển khai đồng bộ các phương án nhằm đảm bảo an toàn người và thiết bị tại công trường. Giai đoạn 1, Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có chiều dài dài hơn 93 km qua địa hình phức tạp của 2 tỉnh Cao Bằng Lạng Sơn với 64 cầu, 2 hầm xuyên núi, hàng loạt điểm vượt sông, suối, tỉnh lộ.

Đến thời điểm này, dự án đã huy động trên 3.260 nhân sự và 1.467 máy móc, thiết bị, thi công tại 286 mũi. Các nhà thầu đang triển khai phương án thi công “3 ca, 4 kíp” cả ngày lẫn đêm để bám sát mục tiêu thông tuyến trong năm 2025. Trước ảnh hưởng cơn bão số 3, các nhà thầu đã khẩn trương chằng néo máy móc, che đậy vật tư, di dời thiết bị lên vị trí cao; công nhân ở lán tạm được bố trí đến khu vực kiên cố như nhà văn hóa hoặc lán chính để tránh trú bão.

Đồng thời, các hạng mục công trình có nguy cơ ảnh hưởng được gia cố, chằng chống, tăng cường kiểm tra an toàn kỹ thuật. Ngoài ra, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu còn tổ chức thăm hỏi, hướng dẫn một số hộ dân thuộc diện di dời nhưng hiện vẫn ở trong nhà tạm, di chuyển sang nơi an toàn để tránh bão. Với quy mô lớn, địa hình đặc biệt và áp lực tiến độ cao, công tác phòng, chống bão số 3 tại dự án không chỉ thể hiện tinh thần chủ động, trách nhiệm mà còn là yếu tố then chốt để giữ vững mục tiêu thông tuyến đúng cam kết.

20:39

 

Ninh Bình: Không chủ quan, lơ là trong ứng phó với bão số 3

Phóng viên Minh Long/VOV1 thông tin, báo cáo nhanh của Sở Nông nghiêp và Môi trường Ninh Bình cho biết, chủ động ứng phó với bão số 3, toàn bộ hệ thống hơn 1 nghìn 200km đê điều, 46 hồ chứa, gần 3.000 máy bơm và 895 cống đã được kiểm tra, sẵn sàng vận hành tiêu úng khi mưa lớn xảy ra.

Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh Ninh Bình (mới) đã gieo cấy trên 110.000 ha lúa Mùa, trong đó khu vực Hà Nam (cũ) đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy. Ngành chuyên môn đã hướng dẫn bà con tiêu, rút nước đệm kịp thời và điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, toàn bộ diện tích lúa an toàn, không có diện tích bị ngập sâu trong nước.

Trong lĩnh vực thủy sản, toàn bộ 1 nghìn 861 tàu cá với hơn 5.700 lao động đã vào nơi an toàn; các hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê, lồng bè đã được khuyến cáo chằng chống, neo giữ an toàn. Lệnh cấm biển đã được tỉnh ban hành từ 7 giờ sáng nay (21/7). Đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người và diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.

Không chủ quan, lơ là trong ứng phó với bão số 3, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu lãnh đạo các xã, phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 và mưa lũ trước, trong và sau bão.

20:42

Tối và đêm 21/7, vùng ven biển Quảng Ninh đến Nghệ An gió mạnh cấp 7 - 9

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, tại đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; đặc khu Cô Tô và Cát Bà có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; tại Móng Cái gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Vào hồi 19 giờ ngày 21/7, tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ vĩ Bắc; 108,5 độ kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 90km, Hải Phòng 210km. Sức gió mạnh nhất cấp 9 -10 (tức là từ 75 - 102km/h), giật cấp 13. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 10km/h.

Trên đất liền từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển Quảng Ninh đến Nghệ An gió mạnh cấp 7 - 9, gần tâm bão cấp 10 -11, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền gồm Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7–8.

Dự báo đến 7h ngày 22/7, vị trí bão sẽ ở vào khoảng 20,7 vĩ độ Bắc - 107,3 độ kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh đến Ninh Bình; sức gió mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14. Đến 19h ngày 22/7, vị trí tâm bão ở 20,4 vĩ độ Bắc - 106,1 độ kinh Đông, trên đất liền Hải Phòng đến Thanh Hóa; sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Đến 19h ngày 23/7, vị trí bão số 3 sẽ ở 19,9 vĩ độ Bắc – 103,5 độ kinh đông, trên vùng Thượng Lào và suy yếu thành vùng áp thấp.

20:51

Bão số 3 có thể gây ra thời tiết đặc biệt nguy hiểm ở Hà Nội

Phóng viên Văn Ngân/VOV.VN dẫn lời ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Bộ nhận định: "Bão số 3 sẽ gây ra cấp độ gió ở Hà Nội có thể lên tới cấp 7 - 8. Tuy nhiên, bên cạnh gió bão, có thời điểm gió rất mạnh từ dông, lốc đột biến. Có hiệu ứng gió tăng cường cạnh các nhà cao tầng mạnh hơn khu vực dự báo rất nhiều. Vì vậy người dân cần đặc biệt chú ý".

Theo Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Bộ, trong 3 ngày tới ở Hà Nội khả năng có mưa từ 100-200mm, có nơi trên 300mm. Vì vậy cần đặc biệt lưu ý ngập úng đô thị, ngập úng ở vùng trũng thấp. Trong khu vực nội đô có thể ngập từ 20cm-50cm.

Từ 21/7 đến ngày 25/7, trên các sông ở khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1,5-3,5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Đà, sông Hồng, sông Đuống có khả năng ở mức dưới BĐ1; sông Đáy, các sông suối nhỏ, sông nội tỉnh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ… có khả năng ở mức BĐ1 đến trên BĐ2. Mực nước sông lên cao có thể gây ngập úng, sạt lở tại các vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập từ 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m; thời gian duy trì ngập từ 30-60 phút, có nơi thời gian ngập lâu hơn.

21:29

Bộ Xây dựng vừa có công điện khẩn đối phó với bão số 3

Nhằm chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (bão WIPHA), Bộ Xây dựng vừa có công điện khẩn gửi các cơ quan đơn vị của ngành và có các đoàn kiểm tra, phối hợp với các địa phương chủ động ứng phó với bão số 3.

Cụ thể, để ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (Bão WIPHA) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025, Bộ Xây dựng thành lập Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn (tham gia đoàn gồm lãnh đạo các đơn vị: Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng, Vụ Vận tải và ATGT) đến tỉnh Hưng Yên (mới) để phối hợp với địa phương chỉ đạo công tác ứng phó bão số 3 trên biển đông.

Cục Đường bộ Việt Nam - Chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ phối hợp với các Sở Xây dựng, các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức trực, phân luồng giao thông, cử người canh gác, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí bị ngập nước, ngầm tràn, đoạn đường bị đứt, đoạn đường bị sạt lở; kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông; cấm đường tại các vị trí nguy hiểm (ngầm tràn, cầu, 2 phà…) trên các tuyến quốc lộ trong vùng chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ, kiên quyết không cho người và phương tiện đi vào những vị trí này nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người, phương tiện. - Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, bố trí máy móc, thiết bị và nhân lực ở những vị trí trọng yếu thường xuyên bị sụt trượt để chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước; các đoạn đường đèo dốc, khu vực hay xảy ra lũ quét, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước... sẵn sàng, chủ động ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện. - Chỉ đạo các đơn vị tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt trong thời gian nhanh nhất. - Có kế hoạch dừng tàu, giãn tàu, tăng bo, chuyển tải hành khách khi tình hình mưa lũ gây ngập úng, sụt trượt tại các khu gian phải dừng tàu.

21:36

Tâm bão cách Quảng Ninh khoảng 70 km về phía Đông Đông Nam

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 21h ngày 21/7, vị trí tâm bão vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 108.3 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 70 km về phía Đông Đông Nam, cách Hải Phòng khoảng 190 km về phía Đông, cách Hưng Yên khoảng 210 km, cách Ninh Bình khoảng 240 km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 10 (89-102 km/h), giật cấp 13. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 10 km/h.

 

22:02

Hà Nội chủ động ứng phó với bão và mưa lớn bảo đảm an toàn tính mạng và tải sản của Nhân dân và Nhà nước

Phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN cho biết, bắt đầu từ chiều tối nay (21/7), Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão số 3 với gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8, mưa to đến rất to với nguy cơ ngập úng, sạt lở trên diện rộng. Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3 trên địa bàn Thành phố; đồng thời chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tải sản của Nhân dân và Nhà nước.

22:05

Hà Nội sẵn sàng xử lý tình huống cây đổ hàng loạt

Cũng theo phóng viên Đỗ Hưng/VOV.VN, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) thông tin lên phương án huy động hơn 1.200 người thuộc các đơn cùng các trang thiết bị máy móc sẵn sàng ứng trực 24/24h, tiếp nhận thông tin cây đổ, gãy qua số điện thoại phân theo địa bàn.

Cán bộ giám sát thông báo tổ, đội trực giải tỏa hiện trường. Trường hợp cần thiết sẽ phối hợp với điện lực, giao thông, công an, chính quyền để giải toả hiện trường, ưu tiên xử lý các vị trí nguy hiểm, giao thông chính, trung tâm.

Trong tình huống cây đổ hàng loạt, quy mô lớn, Trung tâm phân công cán bộ trực 24/24 giờ tại vị trí trọng yếu; thiết lập thông tin liên lạc thông suốt; huy động toàn bộ lực lượng của đơn vị và 4 tại chỗ, phối hợp công an, ban duy tu, các xã, phường để xử lý nhanh, đặc biệt tại bệnh viện, trường học, khu dân cư.

Đề xuất Sở Xây dựng xin ý kiến chỉ đạo và huy động lực lượng bổ sung (quân đội, công an, đoàn thể, hỗ trợ từ các tỉnh khác). Ngoài ra, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND phường, xã và các đơn vị duy trì vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển cành lá cây về các khu vực xử lý tập trung của thành phố.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội là lực lượng chủ lực tham gia khắc phục hậu quả. Trung tâm đã huy động 2.479 nhân sự, 370 phương tiện, 144 máy móc trực sẵn sàng ứng phó mưa lớn, úng ngập. Trong tình huống mưa rất lớn (trên 100 mm/h), các đơn vị sẽ huy động toàn bộ lực lượng vệ sinh, dọn vật cản trên miệng thu, hàm ếch…; phối hợp các lực lượng chức năng phân luồng giao thông, căng dây cảnh báo khu vực ngập.

22:07

Kích hoạt ứng phó bảo đảm an toàn giao thông

Cùng ngày, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội yêu cầu Công an thành phố chỉ đạo lực lượng sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ giao thông khi bão đổ bộ.

Sở Xây dựng khẩn trương cắt tỉa cây xanh, phòng ngừa cây đổ, đèn tín hiệu hỏng. Ngành Giao thông lên phương án xử lý sự cố úng ngập, sạt lở, hạ tầng hư hỏng tại các điểm xung yếu.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 3 để có phương án ứng phó, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và đường sắt đô thị.

UBND các phường, xã trên địa bàn Hà Nội được yêu cầu cập nhật kịp thời thông tin bão, thiên tai tới người dân, đồng thời tuyên truyền kỹ năng ứng phó với các tình huống, như gió mạnh, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất...

Thông tin cảnh báo tăng cường trên loa phát thanh, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong điều kiện thời tiết nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn giao thông.

Lực lượng canh gác sẽ được bố trí tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, tràn, ngầm, điểm có nguy cơ sạt lở, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội yêu cầu các xã, phường có bến khách ngang sông hoặc khu vui chơi mặt nước phải dừng xuất bến, ngưng toàn bộ hoạt động khi thời tiết xấu, nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân. Lực lượng cứu hộ, phương tiện ứng phó thiên tai phải luôn sẵn sàng triển khai ngay khi có yêu cầu.

22:11

Các cơ sở du lịch phải thông tin về tình hình mưa bão cho khách du khách

Sở Du lịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn Thành phố khẩn trương, nghiêm túc thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của mưa, bão để sẵn sàng, chủ động có phương án triển khai ứng phó. Đồng thời thông tin về tình hình, diễn biến của mưa, bão đến khách du lịch.

Các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú do đơn vị quản lý. Chủ động quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo tạm dừng các hoạt động tham quan, vui chơi, giải trí, lưu trú tại các khu, điểm du lịch, đơn vị lưu trú do đơn vị quản lý. Các doanh nghiệp lữ hành không tổ chức đưa khách du lịch đến vùng đang có bão để đảm bảo an toàn cho du khách. Trong trường hợp đang tổ chức các đoàn khách tham quan, lưu trú tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão, yêu cầu tập trung xây dựng ngay phương đảm bảo an toàn cho khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.

22:21

Phóng viên An Kiên/VOV-Tây Bắc cho biết, trước dự báo ảnh hưởng của bão số 3 sẽ gây mưa lớn diện rộng kéo dài, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ sạt lở, lũ quét tại các khu vực xung yếu, ngay trong đêm 21/7, lực lượng chức năng tại phường Sa Pa, tỉnh Lào Cai, thuộc vùng lõi Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa đã tổ chức di dời 6 hộ dân với 28 nhân khẩu ra nơi an toàn; đồng thời, sơ tán 71 công nhân thuộc dự án Bản Mòng đang ở lán tạm ra khỏi lán tạm ở chân taluy đề phòng nguy hiểm.

Trước đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã ra thông báo về 40 vị trí xung yếu trên địa bàn để người dân nêu cao ý thức cảnh giác; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, dự phòng các biện pháp ứng phó với mưa lũ cho nhân dân và du khách

22:23

Hải Phòng khẩn trương di dời nhân dân khỏi các chung cư cũ

PV Thanh Nga/VOV Đông Bắc đưa tin: Trong đợt bão số 3 này, thành phố Hải Phòng có 78 chung cư cũ, xuống cấp, có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mưa to, gió lớn. Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho bà con, trong chiều và tối nay (21/7), các địa phương trên địa bàn TP Hải Phòng đã khẩn trương di dời nhân dân khỏi các chung cư cũ, các khu vực nguy hiểm, đến nơi tránh trú an toàn.

Với các hộ dân không có nơi tạm trú, các địa phương đã vận động và hỗ trợ di dời bà con đến các địa điểm, như: Nhà văn hoá, trường học. Đến 21h tối nay, công tác di dời bà con khỏi các chung cư cũ, nguy hiểm trên địa bàn Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành.

Các nơi tạm trú của bà con đều đảm bảo an toàn, sạch sẽ, đầy đủ điện, nước, nhu yếu phẩm thiết yếu. Các địa điểm này đều có lực lượng chức năng, tổ công tác cơ sở ứng trực 24/24, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong mọi tình huống phát sinh. Trong tối 21/7, lãnh đạo các địa phương, ban ngành thành phố Hải Phòng đã đi thăm, động viên bà con tại một số điểm tránh trú bão số 3; đồng thời khẳng định, thành phố sẽ cố gắng cao nhất, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân

22:28

Các xã ven biển ở Hưng Yên bắt đầu có mưa lớn kèm gió mạnh

Phóng viên Ngọc Hoà - Lê Thanh/VOV.VN tại Hưng Yên cho biết, các xã ven biển đang mưa lớn. Từ tối nay, các xã ven biển Hưng Yên bắt đầu có mưa lớn kèm gió mạnh từng đợt do ảnh hưởng của hoàn lưu phía trước bão số 3.

Tại khu vực các xã ven biển như: Thái Thuỵ, Tiền Hải, Nam Cường, Đồng Châu... hiện đang mưa lớn và gió giật mạnh. Đến chiều nay, hàng trăm tàu bè đã về nơi tránh trú an toàn. Các nhà hàng, khu du lịch được tháo dỡ toàn bộ mái tôn, lán tạm để hạn chế thiệt hại trước nguy cơ gió lớn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hưng Yên, tất cả tàu bè hoạt động trên biển đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh có 980 chòi canh ngao với 969 lao động canh coi trên các bãi ngao; 2.769 đầm với 3.341 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ở các xã ven biển.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, Hưng Yên nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Từ ngày 21/7, vùng biển ngoài khơi dự báo có gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau đó tăng lên cấp 10-11, giật cấp 12-14; biển động dữ dội, sóng cao từ 3-5m.

Tại khu vực ven biển và các xã phía nam, từ đêm 21/7 có khả năng xuất hiện gió bão cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 11-13. Các xã phía bắc có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10-11. Từ trưa 21/7 đến ngày 23/7, toàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200-300mm, kèm theo lốc, sét và gió giật mạnh.

22:57

Tạm đóng cửa sân bay Vân Đồn và Cát Bi

Phóng viên Phi Long/VOV.VN thông tin: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (bão Wipha), chiều  nay (21/7), Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tiếp và trực tuyến kết nối từ trụ sở chính đến các đầu cầu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung. 

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng, Phó Cục trưởng Hồ Minh Tấn chủ trì cuộc họp. Cùng dự có các đơn vị trong ngành hàng không: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines, các cảng hàng không quốc tế và nội địa nằm trong vùng ảnh hưởng dự kiến như Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Vinh, Thọ Xuân... cùng các Cảng vụ hàng không khu vực.

Sau khi nghe báo cáo từ các đơn vị liên quan, lãnh đạo Cục Hàng không đã thống nhất quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác máy bay tại các cảng hàng không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão trong ngày 21-7 và 22-7 (giờ địa phương).

Cục Hàng không Việt Nam vừa họp và thống nhất, quyết định tạm ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay tại các cảng hàng không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Wipha trong ngày 21/7/2025 và 22/7/2025 (giờ địa phương).

Cụ thể, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn từ 23h00 ngày 21/7 đến 12h00 ngày 22/7/2025.

Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi từ 23h00 ngày 21/7 đến 12h00 ngày 22/7/2025.

Cục Hàng không yêu cầu Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không Thọ Xuân tiếp tục theo dõi các bản tin khí tượng, đề xuất điều chỉnh kế hoạch khai thác phù hợp.

 

IMG_3544.png

Hà Nội sắp có mưa dông, lốc, sét diện rộng

VOV.VN - Dự báo, chiều tối nay (21/7) khả năng xuất hiện mưa dông, lốc, sét và gió giật mạnh tại nhiều phường nội thành Hà Nội. Người dân cần chú ý theo dõi diễn biến thời tiết, hạn chế các hoạt động ngoài trời khi có mưa dông xảy ra.

Từ khóa: bão số 3, bão số 3, Wipha, bão, dự báo bão, bão Wipha, hoàn lưu sau bão, dự báo thời tiết, ảnh hưởng của bão, mưa giông,Cập nhật bão số 3,đảo Bạch Long Vĩ

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nhóm phóng viên/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập