Phòng chống thiên tai bão lũ, Hà Nội dự trữ hàng hóa gần 123 tỷ đồng
Cập nhật: 4 giờ trước
Đồng Tháp nỗ lực “giải cứu” tình trạng vật liệu đá khan hàng, sốt giá
Chứng chỉ lưu ký – Cơ hội và công cụ đầu tư mới cho nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam
VOV.VN - Sở Công Thương Hà Nội ban hành phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025, đồng thời tổ chức cung ứng hàng hóa kịp thời đến các địa điểm do thành phố chỉ đạo khi xảy ra tình huống thiên tai.
Đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng cứu trợ khẩn cấp cũng như các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân các vùng bị ảnh hưởng khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành phương án dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025
Theo đó, Sở Công Thương đặt ra yêu cầu tạo nguồn hàng, dự trữ đủ số lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Đồng thời tổ chức cung ứng hàng hóa kịp thời đến các địa điểm do thành phố chỉ đạo khi xảy ra tình huống thiên tai. Sở Công Thương đề nghị các doanh nghiệp có khả năng thực hiện dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, lụt, bão trên địa bàn thành phố.
Sở Công Thương đề nghị các xã, phường trên cơ sở phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do đơn vị xây dựng, theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động tổ chức khắc phục hậu quả và tổ chức cung cấp hàng hóa cứu trợ kịp thời cho nhân dân trên địa bàn khi xảy ra tình huống thiên tai.
Đồng thời xác định nhu cầu dự trữ hàng hóa, dự kiến nhu cầu sử dụng một số mặt hàng cứu trợ khẩn cấp của nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống bao gồm: Gạo ăn, đồ khô ăn liền (mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…), sữa uống (hộp giấy), nước sạch đóng chai hoặc bình, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến từ thịt và cá, thịt gia súc gia cầm thủy hải sản tươi sống, dầu ăn, rau củ quả và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như, ủng cao su, áo mưa, bạt che mưa các loại, đèn pin, pin đèn, đèn bão, phèn chua, chất đốt, vật liệu xây dựng…
Với phương châm “Hậu cần tại chỗ” các xã, phường chủ động dự trữ các mặt hàng thiết yếu, thành phố dự trữ hàng hỗ trợ ứng cứu khẩn cấp, cấp phát phục vụ nhân dân khi xảy ra tình huống thiên tai xảy ra vượt khả năng dự trữ của các địa phương. Sở Công Thương kêu gọi, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp như mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô, nước uống, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến, sữa uống (hộp giấy) gạo dự kiến cho khoảng 250.000 người trong thời gian 7 ngày.
Tổng mức vốn thực hiện dự trữ được dự toán là 122,725 tỷ đồng, với mức giá tạm tính tại thời điểm xây dựng phương án, tùy theo từng thời điểm thực hiện cứu trợ, giá hàng hóa được tính theo giá thị trường tại thời điểm cứu trợ. Nguồn vốn được tạo lập từ việc kêu gọi các doanh nghiệp tự chủ nguồn vốn thực hiện dự trữ. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố căn cứ phương án sản xuất, kinh doanh và kế hoạch dự trữ của đơn vị chủ động nguồn vốn thực hiện dự trữ, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Cùng với kế hoạch trên, Sở Công Thương Hà Nội cũng dự kiến triển khai thực hiện bình ổn 13 nhóm hàng, bao gồm lương thực; thịt lợn; thịt gà, vịt; thủy hải sản tươi, đông lạnh; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm; dầu ăn; rau, củ; trứng gia cầm; sữa trẻ em dưới 6 tuổi; gia vị; đường; bánh, kẹo; rượu, bia, nước giải khát (số lượng dự kiến thực hiện chi tiết theo quyết định của thành phố về Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2025). Thời gian thực hiện chương trình bình ổn thị trường từ khi Kế hoạch được ban hành đến hết tháng 5/2026.
Đối với một số mặt hàng tiêu dùng khác có nhu cầu tiêu dùng cao khi xảy ra tình huống mưa, bão như xăng dầu, thuốc y tế, ủng cao su, áo mưa, bạt che mưa các loại, đèn pin, pin đèn, đèn bão, phèn chua, chất đốt, vật liệu xây dựng,… Sở Công Thương đề nghị các Tổng công ty, các doanh nghiệp xác định nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, khả năng thực hiện của doanh nghiệp, xây dựng phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, chủ động nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố trong mùa mưa bão. UBND các xã, phường chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện dự trữ, nắm chắc nguồn hàng, sẵn sàng phục vụ nhân dân khi xảy ra thiên tai.
Từ khóa: thiên tai bão lũ, thiên tai bão lũ,dự trữ hàng hóa, phương án ứng phó,hàng hóa cứu trợ, cung ứng hàng hóa, tình huống thiên tai,cứu trợ khẩn cấp,mặt hàng thiết yếu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN