VOV.VN - Căn cứ không quân Dolgintsevo của Lực lượng không quân Ukraine là một trong những căn cứ dễ bị tổn thương nhất. Năm gần Kryvyi Rih, cách tiền tuyến miền Nam Ukraine chỉ 72km, căn cứ này nằm trong tầm bắn của UAV Lancet của Nga.
Kể từ khi phiên bản tầm xa của Lancet, còn được gọi là Product 53 ra mắt vào tháng 8/2023, các UAV này đã tấn công Dolgintsevo vài lần một tuần, nhằm vào bất kỳ máy bay chiến đấu nào đậu ngoài trời tại căn cứ không quân Dolgintsevo.
Trong 9 tháng, UAV Lancet đã tấn công ít nhất 4 chiến đấu cơ tại Dolgintsevo: 2 tiêm kích MiG-29 và 2 tiêm kích Su-25. Hai cuộc tấn công đầu tiên diễn ra vào mùa thu năm ngoái đã khiến không quân Ukraine bất ngờ và làm nổ tung một cặp tiêm kích MiG. Cuộc tấn công vào tháng 11/2023 dường như đã đánh trúng một chiếc Sukhoi mồi nhử không thể bay được.
Tuy nhiên, lực lượng Ukraine không thể đưa ra bằng chứng cho thấy chiếc Su-25 bị UAV Lancet tấn công là mồi nhử. Một đoạn video được quay lại bởi UAV trinh sát của Nga mô tả một trong những UAV Lancet nặng hơn 11kg lao về phía chiếc Su-25 đang đậu và làm nổ tung nó thành từng mảnh. Không có dấu hiệu nào cho thấy đây là tiêm kích Sukhoi mồi nhử.
Chính phủ Ukraine biết họ có vấn đề về phòng không. Mới đây, vào tháng trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này đang chứng kiến "sự thiếu hụt lớn nhất" các hệ thống phòng không. Các lữ đoàn không quân Ukraine giám sát các tiểu đoàn phòng thủ được trang bị súng nhưng những khẩu súng tầm ngắn này không thể thay thế các đơn vị tên lửa tầm xa.
Không phải vô cớ mà vào tháng trước, Hà Lan tiến hành một nỗ lực khẩn cấp nhằm cung cấp nhiều radar và hệ thống tên lửa hơn cho Ukraine - một nỗ lực cuối cùng đã được đền đáp bằng các đợt vận chuyển mới các tổ hợp phòng không Patriot do Mỹ sản xuất và IRIS-T của Đức.
Tùy thuộc vào các lực lượng không quân Ukraine triển khai các hệ thống mới này, Dolgintsevo có thể sẽ sớm được bảo vệ tốt hơn.
Trong khi đó, các phi hành đoàn Ukraine có thể sẽ muốn tránh căn cứ này. Đó là bởi vì một chiếc Su-25 có thể bay vài trăm km khi nạp đầy nhiên liệu. Chiến đấu cơ này không cần phải bay từ Dolgintsevo để tiếp cận tiền tuyến ở phía Nam Ukraine. Lực lượng Ukraine có thể tiếp cận khoảng 20 căn cứ không quân lớn cùng hàng chục sân bay nhỏ hơn, và thậm chí cả đường băng cao tốc rải rác khắp đất nước.
Hơn nữa, các lữ đoàn máy bay chiến đấu của Ukraine thường nhấn mạnh đến tính khó đoán - tất cả nhằm làm phức tạp thêm việc nhắm đến các mục tiêu của Nga. Tướng James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi, cho biết các phi công của họ "hầu như không bao giờ cất cánh và hạ cánh ở cùng một sân bay".
Ukraine sẽ không cạn kiệt tiêm kích Su-25 trong mùa hè này hoặc thậm chí trong năm nay. Lực lượng không quân đã tham chiến với khoảng 30 chiếc Su-25 đang hoạt động bình thường và 13 chiếc khác đang được đại tu. Bắc Macedonia đã cung cấp thêm 4 chiếc Su-25 và các kỹ sư Ukraine đã phục hồi cũng như sửa chữa một số trong số khoảng 30 chiếc Sukhoi cũ hơn đang được lưu giữ kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Sự bổ sung này đã bù đắp nhiều hơn cho 18 chiếc Su-25 mà Ukraine tổn thất trong chiến đấu, bao gồm cả chiếc bị bắn rơi tại Dolgintsevo tuần trước. Thậm chí, có khả năng Lữ đoàn Hàng không chiến thuật 299 - đơn vị Su-25 duy nhất của không quân Ukraine thực sự có nhiều chiến đấu cơ hoạt động hơn so với khi xung đột nổ ra cách đây 28 tháng.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lực lượng không quân nên vứt bỏ những chiến đấu cơ tấn công này bằng cách để chúng ở ngoài trời tại căn cứ không quân dễ bị tổn thương nhất của Ukraine.
VOV.VN - Từ vị trí ẩn nấp, xe tăng T-72 của Nga nã pháo theo tọa độ, vô hiệu hóa một nhóm bộ binh và xe thiết giáp của quân đội Ukraine ở trên hữu ngạn sông Dnipro ở tỉnh Kherson.
Từ khóa: ukraine, căn cứ không quân ukraine, xung đột ở ukraine, uav nga, uav cảm tử nga, không quân ukraine, căn cứ dễ tổn thương nhất, uav lancet, tiêm kích ukraine