Cần có cơ chế bảo hộ cho doanh nghiệp dầu khí, hoá dầu

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà hôm nay (14/11), các doanh nghiệp ngành dầu khí, hoá dầu đã kiến nghị những khó khăn về thị trường, nguyên liệu đầu vào cần tháo gỡ, đồng thời đề xuất một số cơ chế để tiếp tục hoạt động.


Hoá dầu cần cơ chế

Ông Thammasak Sethaudom, Chủ tịch Tập đoàn Siam Cement - Thái Lan (SCG) cho biết, Dự án Hoá dầu Long Sơn (LSP) là khoản đầu tư chiến lược của SCG với hơn 5 tỉ USD cho dự án trọng điểm, tổ hợp sản xuất tạo ra khoảng 1,4 triệu tấn nhựa PE và PP hàng năm. 

Khi đi vào vận hành, LSP không chỉ hướng đến mục đích giúp giảm nhập khẩu mà còn thúc đẩy năng lực xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến tạo ra 1,5 tỉ USD doanh thu hàng năm và đóng góp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hoá dầu toàn cầu đang trải qua giai đoạn đầy thách thức, với biên lợi nhuận ở mức thấp kỷ lục do tác động kéo dài từ hậu đại dịch, nguồn cung dư thừa do Trung Quốc mở rộng công suất và quy mô sản xuất, chi phí nguyên liệu đầu vào cao. 

Tại Việt Nam, giá sản phẩm hoá dầu đã giảm từ 1.300USD/1 tấn vào năm 2018 giảm xuống còn khoảng 900USD năm 2024, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao (khoảng 700USD/tấn).  

Theo đại diện LSP, sự mất cần bằng này dẫn đến biên lợi nhuận gộp bị âm và không trang trải được chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp hoá dầu tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu giá rẻ mà Việt Nam hiện chưa có chính sách thuế bảo hộ để hỗ trợ ngành công nghiệp trong nước.

Trước khó khăn này, LSP đang áp dụng một số biện pháp như: tạm ngưng vận hành thương mại để giảm thiểu tổn thất, tái cấu trúc khoản vay ngân hàng bằng khoản vay thành viên để giảm thiếu chi phí. 

Còn ông Lê Mạnh Cường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, những năm qua ngành dầu khí bị thua lỗ. Thêm vào đó, giá sản phẩm đầu ra giảm, giá đầu vào tăng. Khác với các doanh nghiệp hoá dầu, doanh nghiệp dầu khí tuy lỗ nhưng vẫn phải hoạt động.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ có những cơ chế rất tốt để nhập nguyên liệu từ Nga với giá rẻ để sản xuất. Chính vì nguyên liệu đầu vào thấp nên các doanh nghiệp này đưa sản phẩm ra thị trường với giá cạnh tranh.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp lọc hoá dầu kể của Hàn Quốc, Thái Lan hay của Việt Nam điều bị thiệt thòi. Cho nên mình phải có cơ chế, chính sách tuỳ từng giai đoạn, từng thời điểm để bảo vệ ngành hoá dầu của mình. Phải có cơ chế linh hoạt về thuế cho các sản phẩm, nguyên liệu thô đầu vào, có hàng rào để ngăn cản sản phẩm đầu ra ở nước ngoài nhập về mà lại cạnh tranh quá lớn so với doanh nghiệp trong nước. Ông Cường nói.

Xem xét cơ chế bảo hộ

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có báo cáo đầy đủ hơn về các kiến nghị để có phương án đề xuất lên các Bộ, ngành.

Đối với từng kiến nghị như về thuế, giấy phép đầu tư, công nghệ sản xuất, thị trường... Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo từng Bộ, ngành liên quan giải quyết cụ thể từng kiến nghị, đặc biệt yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, có báo cáo đánh giá tác động.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, các vấn đề trên phải được trực hiện trong tháng 12/2024.

Giao Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, doanh nghiệp cũng phải có báo cáo cụ thể hơn gửi Bộ Công thương tập hợp trình Chính phủ, cần thiết thì báo cáo cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để địa phương báo cáo TW để xem xét, nghiên cứu giải quyết phương án của một số nước trong mối quan hệ với Việt Nam mà có quan hiệp định thương mại liên quan. Vấn đề này cũng để xem xét cơ chế bảo hộ sản xuất. Phải hoàn thành trong tháng 12/2024 để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Từ khóa: cơ , cần có cơ chế, kinh tế toàn cầu, giá dầu giảm, phó thủ tướng, Trần Hồng Hà, nhập khẩu nguyên liệu,hoá dầu

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: lưu sơn/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan