Cần chính sách trợ cấp ra sao đối với lao động nghỉ hưu trước tuổi?

Cập nhật: 3 ngày trước

VOV.VN - Lao động nếu đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 20 năm trở lên, nếu nghỉ hưu sớm sẽ được hưởng nguyên lương hưu; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương bình quân cho tổng số 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội...

Đó là một số chính sách hỗ trợ được Bộ Nội vụ đưa ra tại dự thảo Nghị định quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không tái cử, tái cử bổ nhiệm trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, lao động nghỉ hưu trước tuổi, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Những đề xuất này có phù hợp để khuyến khích lao động nghỉ hưu trước tuổi? Nếu được ban hành, những đề xuất mới của dự thảo nghị định sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Vũ Quang Thọ, nguyên giảng viên Đại học Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn về nội dung này.

PV: Thưa ông, tại dự thảo nghị định đang được lấy ý kiến, Bộ Nội vụ đã đề xuất cán bộ công chức không đủ điều kiện tái cử, tái bổ nhiệm, nếu đã đóng đủ bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mà tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi thì sẽ được hưởng nguyên lương hưu. Ông có ý kiến như thế nào về đề xuất này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Đây là chính sách rất nhân văn, rất đúng và để thỏa mãn cho cả người lao động cũng như biên chế nhà nước, vì nếu không làm như thế thì chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề thừa biên chế, vấn đề phình to bộ máy, tinh giản bộ máy.

Vì vậy, vòng luẩn quẩn về tinh giản biên chế cũng như vấn đề tăng biên chế sẽ khó có khả năng giải quyết được. Bởi vậy, tôi cho rằng, đây chính là cách giải quyết bước đầu, nút thắt để cho biên chế thừa sẵn sàng nghỉ hưu.

PV: Một trong những đề xuất tại dự thảo nghị định lần này là quy định cách tính tiền lương để tính trợ cấp được xác định bằng bình quân tiền lương hàng tháng của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Theo ông, đề xuất này đã phù hợp hay chưa?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Theo tôi, trước mắt nguồn ngân sách của chúng ta chưa phải đã dồi dào thì đây cũng là chính sách phù hợp với nền kinh tế Việt Nam và khả năng của ngân sách nhà nước, vì phần lớn nguồn tiền lương để giải quyết số lao động thừa biên chế này chủ yếu là từ ngân sách ra.

Cho nên đây cũng là chính sách phù hợp trong điều kiện nền kinh tế cả nước.

PV: Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn tài chính để thực hiện chính sách hỗ trợ cho lao động nghỉ hưu trước tuổi. Theo ông, cần tháo gỡ những vướng mắc này như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Đây chính là mấu chốt, mấu chốt là tìm ra nguồn chi phí để nhà nước có thể sẵn sàng sử dụng nguồn kinh phí này để hỗ trợ cho những người lao động có thể cho người ta nghỉ nếu thấy rằng thực sự thừa so với yêu cầu của Nhà nước và không đủ năng lực khi làm việc thì tôi nghĩ rằng, nguồn ngân sách mà nhà nước sử dụng cần thiết là yêu cầu rất lớn.

Vì thế, đề xuất của chúng tôi là Nhà nước có thể tìm ra nguồn ngân sách để chúng ta có thể dự phòng, để có thể giải quyết được ngay số biên chế thừa, để sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng về lực lượng lao động.

PV: Ông có đề xuất gì thêm trong việc xây dựng dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện để tái cử, nghỉ hưu trước tuổi?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước có khả năng mở rộng được thì cần có một nguồn để chúng ta có thể mở rộng hỗ trợ biên chế dư thừa mà chúng ta sẽ cho nghỉ hưu.

Để giải quyết được vấn đề này, đầu tiên người lao động phải coi như đây là chính sách mở rộng của Nhà nước, để giúp người lao động có thể nhanh chóng hòa nhập được với nền kinh tế, hòa nhập được với chủ trương chung của Nhà nước và sẵn sàng nghỉ hưu, tạo điều kiện để Nhà nước có thêm lực lượng lao động mới và tinh lọc được bộ máy nhà nước gọn nhẹ hơn.

PV: Theo ông, với những chính sách hỗ trợ cho lao động không đủ điều kiện tái cử, tự nguyện nghỉ hưu sớm, nếu được ban hành sẽ có những tác động xã hội như thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Đối với một bộ phận lao động, nếu chúng ta làm giảm được, thì đầu tiên sẽ làm cho bộ máy của nhà nước giảm nhẹ hơn, tinh gọn hơn. Thứ 2, những lực lượng đang làm việc sẽ thấy có trách nhiệm làm việc tốt hơn, bởi vì tấm gương trước mắt, nếu anh không làm việc tử tế, hết sức thì sẵn sàng rơi vào tình trạng thừa biên chế, sẵn sàng bị sa thải.

Thứ ba nữa, nếu làm được điều này sẽ là một trong những biện pháp để chúng ta có được lực lượng tinh nhuệ và giảm được gánh nặng ngân sách và giúp cho nhà nước có thể có được lực lượng lao động tốt, và làm cho bộ máy gọn nhẹ hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Từ khóa: nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi, chính sách trợ cấp, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trợ cấp tiền lương

Thể loại: Xã hội

Tác giả: quách đồng/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập