Cá linh về ĐBSCL ít hơn mọi năm, giá tăng hàng trăm nghìn đồng/kg

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Người dân tại thị xã Tân Châu (An Giang) đang hy vọng nước về sẽ mang nguồn lợi phù sa và cá tôm đặc biệt là loài cá nổi tiếng của vùng - cá linh.

Khoảng chục ngày nay, nguồn nước mang phù sa phía thượng nguồn đã đổ về các sông, rạch khu vực đầu nguồn các tỉnh ĐBSCL. Mặc dù nước vẫn ở mức thấp, nhưng người dân rất phấn khởi hy vọng mùa nước về sẽ mang nguồn lợi phù sa và cá tôm. Tại các địa phương đầu nguồn, nhiều hộ dân đã chuẩn bị ngư cụ để mưu sinh.

Những ngày này, tại thị xã Tân Châu, một địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, trên sông, rạch và một số cánh đồng trũng nước đã tràn bờ. Ngay khi nước tràn đồng, nhiều nông dân đã tất bật với việc chài lưới để khai thác nguồn lợi thủy sản. Do mực nước về còn thấp, nên lượng cá tôm không nhiều như mọi năm, nhất là cá linh một sản phẩm đặc trưng khi mùa nước về.

ca linh ve dbscl it hon moi nam, gia tang hang tram nghin dong/kg hinh 1
Một số vùng trũng nước đã tràn bờ, người dân đang tất bật với việc thác thủy sản.

Ông Phạm Văn Chi, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu quanh năm sống bằng nghề thả lưới chia sẻ, hơn hai tháng nay, người dân nơi đây ngóng mùa nước; có nước về bà con rất vui, nhưng hiện mực nước còn thấp hơn mọi năm. Theo kinh nghiệm của ông, với tình hình nước về muộn và thấp như hiện nay thì lượng cá tôm sẽ ít hơn so với các năm trước.

Ông Phạm Văn Chi hy vọng một vài ngày nữa nước sẽ lớn hơn:“Tôi sống bằng nghề lưới, đi giăng một đêm cũng khoảng 3 đến 4 kg, có khi chỉ 2 kg với đủ loại cá; Tuy không nhiều nhưng cũng đủ sống qua ngày. Năm nay nước lũ về người làm lưới mừng nắm, tôi lên đồng giăng lưới để kiếm sống, đánh cá bán kiếm tiền, còn nếu không có nước tràn đồng thì buồn nắm”.

ca linh ve dbscl it hon moi nam, gia tang hang tram nghin dong/kg hinh 2
Ông Phạm Văn Chi, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu quanh năm sông sống bằng nghề thả lưới.

Còn ông Thái Văn Phương, xã Phú Hội, huyện An Phú với hơn 20 năm làm nghề đan lợp tôm để phục vụ bà con trong vùng chia sẻ, năm nay nước về muộn, mực nước thấp nên ít người đặt mua dớn hơn mọi năm. Mong rằng có nước về người dân sẽ đặt mua nhiều hơn.

Ông Thái Văn Phương cho biết:“Thấy năm nay nước chấp chớn và về muộn hơn năm ngoái; năm ngoái nước về sớm, nên bán hết mùa cũng được gần 2.000 chiếc. Tôi làm sẵn, nhờ có mối nhiều có người mua là sống được. Thường đầu mùa này thì bán 80.000 đồng/chiếc, vào vụ rồi thì bán 100.000 - 120.000 đồng/chiếc”.

Ông Phạm Thanh Tâm, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện An Phú cho biết, mấy ngày nay mực nước vùng đầu nguồn có lên nhưng còn ở mức thấp. Còn ở những vùng trũng nước đã tràn đồng, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa có nước tràn đồng như những năm trước.Hiện nay người dân đã tranh thủ xả lũ vào đồng ruộng nhằm để đón phù sa và vệ sinh đồng ruộng.

ca linh ve dbscl it hon moi nam, gia tang hang tram nghin dong/kg hinh 3
Nông dân chuẩn bị ngư cụ để mưu sinh.

Ông Phạm Thanh Tâm chia sẻ, năm nay mùa nước nổi về trễ hơn 2 tháng, mực thấp hơn so với các năm trước, do đó ảnh hưởng đến nguồn phù sa bồi đắp cho ruộng đồng. Đồng thời, kéo theo cá, tôm giảm sút nghiêm trọng, trong đó có cá linh non, đặc sản chỉ có trong mùa nước lũ là nguồn lợi giúp ngư dân cải thiện kinh tế.

“Nước đang lên nhưng vẫn còn thấp, mới vào đồng mà ở chỗ vùng trũng nên năm nay cá linh không có nhiều. Hiện giá trung bình cá linh giao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg” - ông Tâm cho biết.

Theo Đài khí tượng thủy văn An Giang, hiện nay mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu đang lên; Tuy nhiên khu vực nội đồng vùng Tứ Giác Long Xuyên vẫn biến đổi chậm. Hi vọng một vài ngày tới, nước đầu về nhiều hơn sẽ mang lại nguồn lợi phù sa và cá tôm để người dân vùng ĐBSCL có thêm thu nhập trong mùa nước nổi./.

Từ khóa: Cá linh, mùa nước nổi, nông dân, nghề đánh lưới, đặc sản cá linh

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập