Bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật: “Không ai đánh người chạy lại“?
Cập nhật: 27/10/2019
VOV.VN - "Có thể giai đoạn đầu sau khi bị vấp ngã cán bộ đó “đi khập khiểng” nhưng phải tạo điều kiện để người ta được “đi thẳng” về sau".
Kể từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 vị nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức đảng. Thật đau xót, nhưng không thể không làm!
"Cán bộ sau khi bị kỷ luật Đảng nếu chưa đến mức khai trừ hoặc xử lý hình sự, tính chất vi phạm không nghiêm trọng thì cần tạo điều kiện cho họ làm lại từ đầu, đừng để “một lần vấp ngã là cả đời đi khập khiễng”.(Ảnh minh họa) |
Tại đảng bộ các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, 9 tháng năm 2019 đã kỷ luật 1.570 đảng viên vi phạm, trong đó 53 trường hợp bị cách chức và 35 đảng viên bị khai trừ. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp sau khi bị kỷ luật đã nỗ lực vươn lên, sửa chữa sai lầm, tự khẳng định tài năng và tâm huyết của mình. Làm thế nào để giúp đỡ những con người mắc sai phạm có cơ hội khẳng định vị thế của họ trong xã hội?
Năm 2006, ông Nguyễn Đức Thọ là Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo về mặt Đảng và cách chức Trưởng phòng do để xảy ra những sai phạm về kinh tế. Sau khi đền bù thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước, ông Thọ trở lại công việc của một công chức bình thường.
Sau nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông Nguyễn Đức Thọ được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng, rồi Chánh Văn phòng UBND huyện Hiệp Đức, sau đó làm Trưởng phòng Nội vụ huyện. Đến năm 2010, ông Nguyễn Đức Thọ được Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức thống nhất giới thiệu bầu vào chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện. Thế nhưng, ông Thọ xin không giữ chức vụ này và từ chối những chức vụ khác có liên quan đến kinh tế.
Năm 2016, được Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Đức động viên và phân công nhiệm vụ, ông Thọ chấp hành sự phân công của tổ chức Đảng, giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện. Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, để cán bộ bị xử lý kỷ luật có tinh thần đi làm trở lại, trước hết tổ chức Đảng phải quan tâm theo dõi, giúp đỡ, bố trí công việc phù hợp, tạo điều kiện để họ cống hiến và có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, khắc phục khuyết điểm.
Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho rằng, điều quan trọng là mỗi cá nhân bị xử lý kỷ luật cũng phải tự vượt qua chính mình, nỗ lực vươn lên.
"Quan điểm chung của tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chấp hành luôn luôn quan tâm các trường hợp này với quan điểm đánh giá bản chất của cán bộ, tinh thần trách nhiệm năng lực của cán bộ để xem xét bố trí phân công nhiệm vụ nhưng mà không sai với quy định hiện nay, theo đúng quy trình các bước, đảm bảo dân chủ công khai minh bạch trong công tác cán bộ. Chính vì thế cho nên trong thời gian vừa qua, đối với Hiệp Đức có một vài trường hợp cũng bị hình thức kỷ luật nhưng sau thời gian kỷ luật bản thân cán bộ đó xác định tinh thần phấn đấu và cống hiến tốt thực hiện rõ năng lực của mình và sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ phân công và chất lượng hiệu quả công việc được phân công đạt cao", Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho biết.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Khu vực III phân tích, cán bộ bị vấp ngã do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Theo ông Nam, cán bộ sau khi bị kỷ luật Đảng nếu chưa đến mức khai trừ hoặc xử lý hình sự, tính chất vi phạm không nghiêm trọng thì cần tạo điều kiện cho họ làm lại từ đầu, đừng để “một lần vấp ngã là cả đời đi khập khiễng”.
"Có thể giai đoạn đầu sau khi bị vấp ngã cán bộ đó “đi khập khiễng” nhưng phải tạo điều kiện để người ta được “đi thẳng” về sau. Tổ chức Đảng phải theo dõi, bố trí công tác cho cán bộ bị kỷ luật có cơ hội rèn luyện, phấn đấu và tiếp tục cống hiến", ông Nam ví von.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Nam, dư luận xã hội bây giờ rất khắt khe đối với cán bộ đảng viên, khắt khe đến mức nghiệt ngã. Vì vậy, việc bố trí cán bộ sau khi bị xử lý kỷ luật cần công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, hợp ý Đảng lòng dân.
"Cố nhiên quá trình để người dân hiểu hay các dư luận xã hội không đơn giản. Cho nên theo tôi để giải thích thì bắt đầu từ chi bộ cơ sở, bởi vì chi bộ cơ sở sẽ làm nòng cốt nếu họ sát với quần chúng, sẽ giải thích trên cơ sở giải thích của cấp trên. Như vậy sẽ tạo ra sự đồng thuận còn chuyện trái chiều là chuyện đương nhiên. Mình làm khách quan thì mình không sợ", ông Nam nêu quan điểm.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, Tỉnh ủy Quảng Nam luôn quan tâm theo dõi, động viên và bố trí công tác phù hợp đối với những cán bộ bị xử lý kỷ luật. Các tổ chức Đảng chịu trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện cho người bị kỷ luật sửa chữa khuyết điểm, khắc phục sai phạm, nỗ lực vượt qua chính mình.
"Việc cấp ủy Đảng tổ chức tạo điều kiện để cho cán bộ tiếp tục có điều kiện phấn đấu rèn luyện, đó là trách nhiệm của Đảng. Tuy nhiên về nghị lực, về chí hướng phấu đấu thuộc về cá nhân của mỗi cán bộ sau khi bị kỷ luật. Nếu anh có chí hướng, có sự quyết tâm, tiếp tục khắc phục sửa chữa những khuyết điểm đó để rồi trưởng thành thì Tổ chức Đảng cũng sẳn sàng tạo điều kiện thuận lợi để anh tiếp tục phấn đấu trưởng thành", ông Dũng nói.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Tấn Sáng, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, việc bố trí công tác đối với những cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật mỗi nơi vận dụng mỗi kiểu. Tinh thần của Đảng ta khi xử lý kỷ luật phải có tính nhân văn chứ không đẩy ai vào ngõ cụt. Nhưng để hiện thực hóa tinh thần này như thế nào thì các địa phương, đơn vị còn nhiều lúng túng.
Cũng theo PGS- TS Hồ Tấn Sáng, do chưa có những hướng dẫn cụ thể nên mỗi địa phương, mỗi tổ chức bố trí cán bộ bị xử lý kỷ luật theo quan điểm của địa phương, đơn vị mình. Mà sự vận dụng của mỗi địa phương, tổ chức lại tùy thuộc vào yếu tố văn hóa của tổ chức đó, đặc biệt là quan điểm, tình cảm của người đứng đầu đối với đối tượng bị kỷ luật.
PGS-TS Hồ Tấn Sáng cũng cho rằng, do chưa được quy định đầy đủ, cụ thể nên rất dễ xảy ra tình trạng không thống nhất trong nhìn nhận, đánh giá một vấn đề."Việc khiển trách, phê bình, cảnh cáo chỉ có tính chất cảnh báo thôi chứ chưa phải gọi là vô hiệu hóa hay làm cho họ không còn gì nữa. Tuy nhiên, cần có một quy định cụ thể hơn nữa. Ví như trong 3 mức khiển trách, phê bình, cảnh cáo, thì cảnh cáo là cao nhất. Đã cảnh cáo thì nên có bước gì đó xử lý về mặt hành chính để giảm bớt quyền uy của họ. Thời gian qua, nhiều lãnh đạo bị xử lý ở mức cảnh cáo, nhưng người ta vẫn phải cứ tiếp tục làm. Trong khi ngoài xã hội, bị xử lý mức cảnh cáo là rất lớn rồi".
Các cấp ủy đang tập trung chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất! Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật đều phải được xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là tăng cường kỷ luật Đảng đảm bảo tính nghiêm minh nhưng cũng thể hiện tính nhân văn, mở đường cho những cán bộ mắc sai lầm có cơ hội sửa chữa, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chung.
Tháng 8/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng. Vi phạm của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương này đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa thay ông Lê Thanh Quang.
Mới đây, tại Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của tỉnh Khánh Hòa, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương mong muốn các vị lãnh đạo Khánh Hòa thế hệ trước đây với kinh nghiệm phong phú của mình tiếp tục quan tâm đóng góp cho sự phát triển của địa phương và giúp đỡ, góp ý, chỉ bảo ân cần, sâu sắc để góp phần giúp cho thế hệ lãnh đạo mới của Khánh Hòa hoàn thành tốt nhiệm vụ, công việc được giao; Tiếp tục công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đẩy mạnh hơn nữa về xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình hiện nay.
Không ai dám nói rằng mình không có những khuyết điểm, sai lầm. Đã không ít người vi phạm, nhẹ thì chịu kỷ luật phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ đảng…, nặng thì bị truy tố trước pháp luật. Dù là hình thức nào cũng đều giúp cho người vi phạm nhận ra sai lầm mà sửa chữa, khắc phục để tiến bộ trên tinh thần đúng pháp luật và nhân văn. Người xưa có câu “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Thực tế đã từng có người bị kỷ luật, sau đó tự vươn lên, khẳng định uy tín của mình, trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước và là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống./.
Phó Chủ nhiệm UBKTTW: Kỷ luật càng chặt, tổ chức sẽ càng mạnh
Đà Nẵng thi hành kỷ luật 110 đảng viên vi phạm
Từ khóa: kỷ luật cán bộ, cán bộ mắc sai phạm, cán bộ sửa sai
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN