"Bình dân hóa" trí tuệ nhân tạo và những kiến nghị giúp doanh nghiệp "sống khỏe"

Cập nhật: 12 giờ trước

VOV.VN - Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN, giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ, "bình dân hóa" trí tuệ nhân tạo, cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm...

Hỗ trợ từ Nhà nước tạo động lực lớn

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp sáng nay 10/2, đại diện các doanh nghiệp nêu loạt kiến nghị, trong đó có đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: Để phát triển bền vững, kích cầu tiêu dùng nội địa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vinfast đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang sử dụng xe điện. Sự hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là động lực lớn thúc đẩy nhanh quá trình này.

"Ví dụ như việc gia hạn chính sách lệ phí trước bạ với xe điện hoặc áp dụng giá điện ưu đãi cho người sử dụng xe điện như các nước tiên tiến đã làm sẽ góp phần khuyến khích người dân lựa chọn các phương tiện thân thiện với môi trường. Chúng tôi tin rằng có cơ chế khuyến khích hợp lý, làn sóng tiêu dùng xanh sẽ lan tỏa nhanh chóng góp phần hiện thực cam kết phát thải của quốc gia", ông Quang nói.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup cho hay: Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ và năng lượng xanh, Vingroup cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được chúng tôi triển khai để tối ưu hóa sản xuất, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới và VinRobotics, Vin Ocean để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.

"Trong hành trình phát triển, Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Chúng tôi tin rằng, với sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có cơ hội vươn xa, góp phần xây dựng một nền kinh tế thịnh vượng xanh và bền vững", ông Quang bày tỏ.

"Bình dân hóa" trí tuệ nhân tạo

Với tư cách là Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhấn mạnh: Vào thời điểm này cả nước hào hứng, có niềm hy vọng to lớn là Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, Việt Nam sẽ là một quốc gia hùng mạnh, phồn thịnh, đứng trong hàng ngũ các nước tiên tiến nhất trên thế giới.

"Chính thời điểm này khi vận nước đến chúng ta phải làm mọi cách để mà phát triển, không thể bỏ lỡ. Trong bối cảnh đó, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) viết một báo cáo gọi là 2-3-4-5 tức là: 2 mục tiêu lớn, 3 điểm tắc nghẽn, 4 mũi giáp công và 5 hành động chính", ông Bình nói.

Chủ tịch FPT đề nghị phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ: "Mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parabol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên và khi tất cả thế giới trên một đường chung thì Việt Nam đứng thẳng, tức là với mức GDP của chúng ta thì tiềm năng khoa học tăng gấp đôi".

Ông Trương Gia Bình cho rằng cơ chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, trong đó điểm nghẽn của KHCN mới là quan trọng nhất: "Tôi đề nghị bình dân hóa trí tuệ nhân tạo (AI). Ngày trước, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ". Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được", ông Bình nói.

Chủ tịch FPT đề nghị nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục và FPT sẽ trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục. "Chúng tôi đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của Nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo", ông Bình nêu quan điểm.

Đề cập chiến lược chuyển đổi AI, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC kiến nghị với Chính phủ: Cần tận dụng AI như 1 tiềm năng, năng lực công nghệ mà người Việt có để xây dựng đất nước.

"Chúng tôi nhận 2 nhiệm vụ quốc gia, trong đó có nhiệm vụ xây dựng hạ tầng điện toán đám mây không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn cả khu vực. Quy mô đầu tư đến 80 MW, gấp gần 2 lần tổng công suất Việt Nam hiện nay đang có (khoảng 50 MW). Đến 2030 sẽ xây dựng hạ tầng như vậy. Chúng ta phải vươn lên bằng chính công nghệ AI của mình. Còn nhiệm vụ thứ hai là xây dựng C.OpenAI. C.Open chúng tôi công bố từ năm 2017 và đến nay chúng tôi chuyển thành C.OpenAI và xây dựng Core AI của người Việt, trí tuệ của người Việt và sử dụng cho người Việt, ông Chính thông tin.

Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, Chủ tịch CMC kiến nghị cần có quỹ hỗ trợ phát triển, song ông băn khoăn liệu vốn lớn tới 700 triệu USD có được vay hay không. "Chúng tôi muốn có chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 10 năm", ông Chính nói. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng mong muốn mở các phân hiệu tại các địa phương để đào tạo sinh viên về trí tuệ nhân tạo.

Mong hỗ trợ cho các dự án trung hòa carbon

Bày tỏ mong muốn có chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án trung hòa carbon, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cam kết xây dựng thành phố thông minh Bắc Hà Nội thành một thành phố có nhiều tính năng thông minh, từ năng lượng, di chuyển, quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế và sẽ có tiện ích tốt nhất cho người dân.

"Có một điểm đặc biệt của thành phố này, đó là thành phố trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới. Vào tháng 8/2024, tôi cũng đến Indonesia để ký kết trong hội nghị EZVIZ toàn cầu. Cam kết này tiêu biểu cho một thành phố trung hòa carbon thực sự và có thể chúng tôi sẽ nhập một số cây từ nước ngoài để giải quyết ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sẽ có các giải pháp để giảm 50% chi phí cho năng lượng cho các hộ gia đình", bà Nga nói.

Chủ tịch BRG đề nghị Thủ tướng và các Phó Thủ tướng xem xét tiếp tục giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và năm 2025, không chỉ trong 6 tháng mà cho cả năm. "Doanh nghiệp nào được giảm thì cần xét rất kỹ, nếu không xứng đáng thì cũng không được hỗ trợ. Đây thực sự là một điều khích lệ rất thiết thực cho các doanh nghiệp", bà Nga mong muốn.

Cùng với đó, Chủ tịch BRG cũng đề nghị có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các dự án xây dựng và trung hòa carbon, bao gồm cả thuế và thủ tục hành chính. Có các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo để khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà Thủ tướng đã cam kết với quốc tế, với mục tiêu đến năm 2050 Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu Net Zero.

"Đặt hàng" tham gia các dự án trọng điểm

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nêu ý kiến về một số mô hình phát triển doanh nghiệp như: Mô hình quản trị doanh nghiệp, mô hình tài chính liên kết, kết nối với các doanh nghiệp khác cùng đầu tư, thi công theo nguyên tắc "lợi ích hài hoà rủi ro chia sẻ" để cùng tham gia các dự án đầu tư PPP, mô hình xây dựng văn hoá và ứng dụng công nghệ.

Từ đó, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị: Cần giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách đã tồn tại nhiều năm không được giải quyết, xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí. Cần đánh giá nghiêm túc các dự án của tư nhân đầu tư về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí… so với các dự án của khối Nhà nước và để chọn lọc các doanh nghiệp làm tốt, tạo điều kiện để trở thành các con chim đầu đàn của ngành nhằm tạo điều kiện để dìu dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Cùng với đó là tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân xây dựng văn hóa trở thành "doanh nghiệp dân tộc". Một doanh nghiệp dân tộc không chỉ đơn thuần là các tổ chức kinh doanh trong nước mà còn mang sứ mệnh lớn hơn là phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế..., ông Hồ Minh Hoàng bày tỏ.

Từ khóa: doanh nghiệp, kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, cổ phần hóa DNNN, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Open AI, trí tuệ nhân tạo

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: pv/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập