Áo dài- di sản văn hóa trong lòng người Việt
Cập nhật: 24/11/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
(VOV5) - Các ngành chức năng đang tích cực xem xét, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.
Áo dài truyền thống của người Việt đã xuất hiện và được gìn giữ, phát triển trong nhiều giai đoạn lịch sử. Áo dài không chỉ là thương hiệu của người Việt mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Các ngành chức năng đang tích cực xem xét, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO. Cho dù chưa được công nhận chính thức, nhưng trong lòng mỗi người Việt, mỗi phụ nữ Việt, áo dài luôn là di sản văn hóa quý báu, cần được trân trọng và gìn giữ.
“Đặc trưng riêng của áo dài Việt Nam là cách tân từ áo tứ thân đến các họa sĩ Lê Phổ rồi Le Mour sáng tạo ra những chiếc áo đến bây giờ, trải qua rất nhiều thời kỳ thăng trầm của tà áo dài. Đến giờ, gọi là thời kỳ tiết giản, cơ bản đơn giản nhất, tạo cho người phụ nữ Việt Nam có hình dáng rất nhẹ nhàng, quyến rũ mà rất là kín đáo, mang đậm nét Á đông”.
“Từ những giá trị truyền thống, chúng ta phải đẩy được tinh thần của thời đại. Để làm sao giá trị truyền thống hữu hiệu với thời đại này. Áo dài có thể trở thành một cái gì đó gần gũi, thân thiện. Áo dài có thể mặc với những trang phục năng động hơn, thoải mái hơn trong đời sống tinh thần của người Việt, nhất là những người Việt trẻ, họ cần hiểu được giá trị truyền thống này, được tiếp biến cho thời đại này và những người trẻ tiếp nhận nó với một tinh thần mới, năng lượng mới”.
Diễu hành tại Lễ hội Áo dài "Hương sắc Tràng An", sáng 29/11/2020, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN |
Với việc trân trọng những giá trị của áo dài Việt, để tôn vinh những đặc trưng của áo dài gắn với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiều năm nay đã phát động hội viên phụ nữ, cán bộ công chức nữ trong nước và cả ở nước ngoài hưởng ứng tuần lễ áo dài trong tháng 3. Đặc biệt, vào thời điểm xảy ra dịch COVID-19, thì hoạt động này vẫn được phụ nữ hưởng ứng tích cực, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, phó chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội nói về ý nghĩa của hoạt động này trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của phụ nữ Việt như sau:“Chương trình tuần lễ áo dài do Trung ương Liên hiệp Hội phụ nữ Việt Nam phát động có ý nghĩa rất đặc biệt. Nếu mà được hưởng ứng đồng loạt trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước và sâu rộng trong cộng đồng sẽ góp phần khẳng định giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, góp phần khơi dậy niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, ý thức bảo vệ, giữ gìn những nét truyền thống văn hóa dân tộc và tham giao vào việc chúng ta vận động để áo dài trở thành di sản văn hóa của Việt Nam”.
Phụ nữ huyện Thạch Thất, Hà Nội, mặc áo dài và trang phục truyền thống của dân tộc thiểu số đi bầu cử sáng 23/5. Ảnh: phunuthudo.com.vn |
Mỗi phụ nữ Việt khi khoác lên mình tà áo dài, họ cảm thấy duyên dáng hơn, thanh lịch hơn, quyến rũ hơn. Đó cũng là lý do mà thương hiệu áo dài Việt được khẳng định trên thế giới, được định vị gắn liền với văn hóa và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội khẳng định về giá trị của áo dài gắn với mỗi người phụ nữ như sau:“Bản thân mỗi chị em khi mặc tà áo dài cảm thấy rất tự tin, bởi vì khi mặc áo dài phần nào điều chỉnh văn hóa giao tiếp, khi chị em mặc áo dài sẽ cảm thấy thanh lịch hơn và với mong muốn áo dài Việt Nam trở thành quốc phục của phụ nữ”.
Cán bộ cơ quan TW Hội HLPN Việt Nam trong trang phục Áo dài đồng phục của Hội. Ảnh; vwu.vn |
Giá trị của áo dài gắn với đời sống của phụ nữ Việt, là trang phục được mỗi người phụ nữ Viêt Nam luôn mong muốn được khoác lên, được mặc với thái độ trân trọng và thể hiện tình cảm yêu quý, trân trọng. Chính vì thế, áo dài của phụ nữ Việt đang được các ngành chức năng xem xét, hoàn thiện hồ sơ, đệ trình trở thành một di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Những tiêu chí để áo dài được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đang được xem xét trong đó phải thể hiện được tính cộng đồng. Bà Phạm Thị Thanh Hường, trưởng ban khoa học văn hóa, văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định:“Áo dài Việt Nam nếu như đó là một di sản văn hóa chúng ta mong muốn được gìn giữ, chúng ta phải thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng. Đối với di sản phi vật thể ghi danh trong danh sách của UNESCO, mỗi di sản đó không thể tách rời khỏi 1 cộng đồng, nhất định phải gắn với một cộng đồng đang thực hành nào đó”.
Đã đến lúc cần có những biện pháp bảo vệ áo dài Việt Nam với hướng đi phù hợp trên cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cho dù còn phải mất nhiều thời gian, nhưng trang phục áo dài vẫn luôn được người Việt nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trân trọng và coi như di sản văn hóa cần được bảo tồn giá trị truyền thống, đồng thời sáng tạo, phát huy phù hợp với thời đại.
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5