11 điểm cầu trực tuyến góp ý Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII tại Australia:
Cập nhật: 09/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - "Báo cáo cần đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi Việt Nam là một trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới".
Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đã tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến đóng góp của công dân Việt Nam và kiều bào đối với Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tọa đàm diễn ra tại thủ đô Canberra và có sự tham gia của 11 điểm cầu trực tuyến từ khắp các bang và vùng lãnh thổ khác của Australia.
Tại buổi tọa đàm, các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Perth cùng đại diện các hội trí thức, doanh nhân, sinh viên Việt Nam tại Canberra và tại các bang New South Wales, Victoria, Tây Australia, Queensland và Tasmania đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào 4 dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Giáo sư Chu Hoàng Long thuộc trường Đại học Quốc gia Australia cho rằng, các dự thảo văn kiện được đánh giá chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng, nghiêm túc; kết cấu chặt chẽ, khoa học, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển. Các văn kiện đã có những đánh giá khách quan, toàn diện và cụ thể các kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời có những đánh giá, dự báo sát thực về tình hình, bối cảnh thế giới cũng như trong nước.
Tuy vậy, chị Nguyễn Thị Minh Hòa, giảng viên trường Đại học Quốc gia Australia nhận xét: Báo cáo chính trị cần nêu rõ nguồn lực để đạt được GDP bình quân đầu người từ khoảng 4500 đến 5000 USD. Trong khi đó, giáo sư Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để tránh tư duy nhiệm kỳ, cần bổ sung các chỉ tiêu định lượng tới năm 2030 do các chỉ tiêu này đã được xác định trong Dự thảo tổng kết và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2030.
Ngoài ra, nhiều kiều bào tại Australia đều cho rằng, Báo cáo cần đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp của cộng đồng người Việt ở nước ngoài khi Việt Nam là một trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới với khoảng 16,7 tỷ USD, chiếm khoảng 6,4% GDP.
Về các vấn đề liên quan đến môi trường, tiến sỹ Đỗ Nam Thắng, Đại học Quốc gia Australia khẳng định, Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển nên bổ sung nội dung đánh giá cao công tác hội nhập quốc tế về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường của Việt Nam khi chúng ta tích cực tham gia các công ước quốc tế trong hai lĩnh vực này, tổ chức nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu và khởi xướng sáng kiến kiểm soát rác thải đại dương được cộng đồng quốc tế đánh giá cao…
Bên cạnh đó, tiến sỹ Đỗ Nam Thắng cho rằng, báo cáo cũng cần bổ sung vấn đề ô nhiễm khí hậu đạt ngưỡng đáng báo động như là một hạn chế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, một số kiều bào cho rằng, bên cạnh tiêu chí về môi trường thì cần bổ sung tiêu chí không khí sạch, năng lượng tái tạo và bổ sung giải pháp thành lập thị trường phát thải carbon và thuế carbon vì đây là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm phát thải với chi phí thấp nhất.
Tầng lớp thanh niên, sinh viên và nguồn nhân lực cũng là những chủ đề được các kiều bào quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, các văn kiện cần chú trọng vào đối tượng này cũng như việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Về Báo cáo Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, giáo sư Chu Hoàng Long cho rằng, Báo cáo cần có đánh giá sâu sắc hơn về những khó khăn, thách thức và mục tiêu, giải pháp đối với công tác xây dựng Đảng, sinh hoạt đảng và thi hành Điều lệ Đảng của các Đảng ủy ngoài nước và Đảng viên sinh hoạt Đảng ngoài nước.
Australia là nơi có đông đảo bà con người Việt sinh sống với cộng đồng lên tới hơn 300 nghìn người, trong đó có rất nhiều người bằng nhiều cách khác nhau luôn hướng về quê hương, đất nước. Việc bà con kiều bào tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho thấy sự quan tâm và muốn đóng góp của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Nhiều ý kiến đưa ra tại hội thảo được nghiên cứu kỹ lưỡng, là các góp ý chân thành, mang tinh thần xây dựng và trách nhiệm của một người con đất Việt. Không ít ý kiến được trình bày tại cuộc tọa đàm rất sâu sắc, chi tiết và nhiều ý kiến được đóng góp dựa trên sự hiểu biết chuyên sâu trong một số lĩnh vực.
Giáo sư Chu Hoàng Long khẳng định: “Việc tổ chức lấy ý kiến của đông đảo nhân dân thể hiện được sự cởi mở, tinh thần phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045".
Theo Giáo sư Chu Hoàng Long, qua việc lấy ý kiến đã góp phần nâng cao chất lượng dự thảo văn kiện của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân. Điều này tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân.
Bà Phạm Thị Thúy Nga – Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Australia rất vui khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bà con kiều bào về dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Bà Phạm Thị Thúy Nga khẳng định, các ý kiến đóng góp mang tính thực tế, chuyên sâu, dựa trên chuyên môn của từng cá nhân và thể hiện lòng nhiệt huyết của bà con kiều bào muốn đóng góp vào những văn kiện quan trọng đối với đất nước trong nhiều năm tới. Đại sứ quán Việt Nam tại Australia ghi nhận những ý kiến này và sẽ truyền trải đầy đủ về trong nước để góp phần làm cho Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp.
Bà Phạm Thị Thúy Nga cũng khẳng định, việc tổ chức lấy ý kiến của bà con ở nước ngoài đối với dự thảo văn kiện cho thấy Đảng và Nhà nước rất coi trọng đóng góp và ý kiến của cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài, một bộ phận máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Bà Phạm Thúy Nga mong muốn cộng đồng bà con người Việt tại Australia ổn định cuộc sống giai đoạn hậu Covid-19 và tiếp tục có những đóng góp đối với sự phát triển đất nước./.
Từ khóa: Covid-19, báo cáo chính trị, dự thảo, Đại hội Đảng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN