Yên Bái hướng tới một nhiệm kỳ “hạnh phúc”

Cập nhật: 04/02/2021

VOV.VN - Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 – 2025 là “đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2020 -2025 cho biết, mọi hành động, mọi chương trình, mục tiêu đều xuất phát từ nhu cầu của người dân, vì sự hài lòng, hạnh phúc của nhân dân.

Việt Thành là một trong những xã tiêu biểu của huyện Trấn Yên cũng như tỉnh Yên Bái về xây dựng nông thôn mới. Trong câu chuyện của những người dân nơi đây, luôn nhắc tới Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lê Thị Lụa, một người phụ nữ dám nghĩ, dám làm. Theo ông Lưu Văn Luận, Trưởng thôn Phúc Đình, người dân nơi đây yêu quý nữ Bí thư Đảng ủy, thường gọi chị là “Bí thư nông dân”, “Bí thư của dân” bởi sự gần gũi của chị. “Thực sự mà nói chị ấy rất là sâu sát với dân, lo cho dân, công việc gì cũng vậy, chị về tân nơi để lo. Khi về mà thấy bà con ở ruộng, hay trên đồi trên gò, ngoài bãi dâu, thường thường là chị ra tận nơi với bà con”, ông Luận cho biết.

Để có được sự tin yêu từ những người dân địa phương, Bí thư xã Việt Thành Lê Thị Lụa đã dành hết mọi tâm huyết của mình, lo cho xã nhà phát triển, lo cho từng nếp nhà ấm no, hạnh phúc. Nếu biết rằng, ở xã miền núi này chỉ còn duy nhất một hộ nghèo, thì càng thấy được những nỗ lực của nữ Bí thư ấy đáng trân trọng biết bao.

Xuất thân từ nông thôn, từng là một nông dân nên chị Luận am hiểu đồng đất quê mình, để người dân thoát nghèo từ chính ruộng nương của mình, chỉ chẳng ngại ngần lội ruộng cùng bà con áp dụng những cách thức sản xuất mới, từ đó gây nên những triền nương rợp quế, những dải đất ven sông Hồng xanh mướt cây dâu...

“Tại sao tôi lại phải xuống lội ruộng với dân, làm với dân, bởi vì tôi chỉ mong muốn người dân có một cuộc sống thật sự ấm no hạnh phúc. Người ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc thì cán bộ mới sướng được. Nếu làm cán bộ như chúng tôi mà để cho dân nghèo dân đói thì đấy là lỗi của chúng tôi”. Cởi mở và vô cùng gần gũi, nữ bí thư Đảng ủy Lê Thị Lụa chia sẻ.

Nói về xây dựng nông thôn mới, chị Lụa khẳng đinh: “Nông thôn mới nâng cao hay kiểu mẫu thì đều là làm sao để nâng cao đời sống của người dân, điều kiện kinh tế tốt văn hóa tinh thần tốt và ý thức người dân tốt”.

Gần dân, chăm lo cuộc sống cho nhân dân, hai năm qua, tỉnh Yên Bái đã tổ chức phong trào “Ngày thứ 7 cùng dân”. Những ngày cuối tuần ý nghĩa ấy, những cán bộ, đảng viên từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, cấp thôn có thời gian không chỉ cùng làm với nhân dân mà còn lắng nghe “lòng” dân, từ đó có những quyết sách phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Các lãnh đạo, quản lý, cán bộ công chức từ tỉnh đến cơ sở mỗi tháng dành ít nhất hai ngày cuối tuần xuống địa bàn được phân công phụ trách, nắm bắt tư tưởng nhân dân, những khó khăn, bức xúc của địa phương để kịp thời giải quyết hoặc báo cáo lên cấp trên giải quyết; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo…Theo đó, đã có hàng trăm nghìn lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia chương trình; hàng nghìn công trình, phần việc cụ thể ở cơ sở đã được giải quyết.

"Các đồng chí cán bộ xuống với dân vào ngày thứ 7 phải giúp đỡ dân xây dựng các mô hình kinh tế, các tổ hợp tác, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, các sản phẩm du lịch để góp phần tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Đối với vùng cao, cán bộ xuống với bà con nhân dân còn phải thực hiện thêm nhiệm vụ tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhân dân lao động những công việc thường ngày, tạo không khí đoàn kết, phấn khởi tại địa phương. Qua triển khai đã góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát huy được khối đại đoàn kết dân tộc. Hoạt động này chúng tôi xác định sẽ duy trì đều đặn hằng năm", ông Tuấn thông tin thêm.

Tại một tỉnh miền núi còn khó khăn như Yên Bái, hạnh phúc của nhân dân không gì ý nghĩa hơn là người dân thoát đói nghèo, vươn lên khá giả. Thực hiện được điều này, các huyện, thị xã đã không ngừng đưa cây mới, con mới vào để thay đổi vùng cao, miền núi. Huyện vùng cao Mù Cang Chải là một ví dụ, trên đất núi gần đây, xuất hiện những cánh đồng hoa hồng giống Pháp ngút ngàn tầm mắt, những nương lê, nương hồng giống mới trĩu quả...

Ông Nông Việt Yên, Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: Thực hiện 3 đột phá chiến lược của tỉnh và 4 chương trình trọng điểm cho giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện phải chuyển mình tích cực, không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn đạt mục tiêu trở thành huyện du lịch ngay trong nhiệm kỳ này. Đạt được những điều này, cũng là thay đổi toàn diện đời sống nhân dân, theo hướng hạnh phúc hơn. "Nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ huyện xác định thực hiện mục tiêu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện phát triển xanh và giảm nghèo bền vững.

Trong các giải pháp để thực hiện được các mục tiêu này thì giải pháp về phát triển nông lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó, chủ trương của huyện là sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương và phải sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiệm vụ thứ 2 nữa trong phát triển nông nghiệp đó là ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống mới vào để sản xuất…", ông Yên chia sẻ.

Đến hết 2020, tỉnh Yên Bái có 80 /150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao gấp 1,35 lần bình quân chung của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2 lần so với năm 2015… Trong nhiệm kỳ này 2020 -2025, xây dựng nông thôn mới vẫn là một trong những nhiệm vụ chính của  địa phương. Nâng cao thu nhập, củng cố cơ sở vật chất hoàn thiện với hệ thống giao thông được bê tông hóa đến từng thôn bản, trường học khang trang, cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu của người dân… chính là cơ sở để nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, mọi chương trình, mục tiêu đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, vì sự hài lòng của người dân. "Mọi chủ trương, chính sách, giải pháp thì đều phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, quyết tâm để xây dựng hình ảnh con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập. Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cơ sở phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng động gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, thì Yên Bái xác định đây là một trong bẩy nhiệm vụ trọng tâm", ông Duy chia sẻ.

Nói mộc mạc như Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy khi chia sẻ về việc đưa chỉ số “hạnh phúc” của Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020- 2025, với người dân vùng cao vốn không cần chi tiêu gì lớn, các gia đình chỉ cần một cuộc sống an toàn trước thiên tai bão lũ, sống được nhờ rừng, ốm đau được chăm sóc, trẻ em được học tập... Hay đơn giản nhất, có được một con đường đi được xe máy đã là hạnh phúc với bà con…. Với những quyết sách cụ thể, tỉnh Yên Bái sẽ bắt đầu từ những việc cụ thể nhất để hướng tới sự hài lòng, hạnh phúc của người dân.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ góp phần cùng cả nước, sớm đưa Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, hướng tới một nhiệm kỳ nhiều thành tựu, ấm no, hạnh phúc./.

Từ khóa: Yên Bái, Mù Cang Chải, Bí thư, vùng núi, phát triển kinh tế, 3 đột phá

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập