Yên Bái: Đặt nhiều mục tiêu tăng trưởng mới cho kinh tế số vào năm 2025

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GRDP vào năm 2025, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Kinh tế số nhiều ấn tượng

Tại Hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2023, tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế số.

Tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,2%, tỷ trọng kinh tế số trong ngành lĩnh vực đạt 5,73%, và tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9,3%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử và nền tảng số lần lượt đạt 50%, và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt 16%. Những con số này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và đồng bộ của nền kinh tế số trong tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, những chỉ số này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 14,06%, tỷ trọng kinh tế số trong ngành lĩnh vực đạt 8,6%, và tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 12,7%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử và nền tảng số lần lượt đạt 55% và 58%, trong khi tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số đạt 18%. Điều này cho thấy, Yên Bái không chỉ duy trì mà còn tiếp tục phát huy các thành tựu đạt được từ năm 2023.

Tỉnh đang xây dựng 1 mô hình điểm về xã phát triển kinh tế số, xã hội số tại xã Suối Giàng huyện Văn Chấn; bước đầu xây dựng 1 mô hình hợp tác xã chuyển đổi số; xây dựng 1 mô hình hộ kinh doanh du lịch chuyển đổi số; triển khai thí điểm giải pháp truy xuất nguồn gốc thông minh cho sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng,  bưởi Đại Minh; triển khai mô hình chợ 4.0 tại 15 chợ trên địa bàn tỉnh; thí điểm thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực du lịch ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình...

Trong 3 năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các hoạt động học tập, quán triệt và tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhờ đó, đã tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, xây dựng được cơ sở vững chắc để thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trên toàn tỉnh. Việc này đã góp phần thay đổi căn bản tư duy và nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như người dân, giúp chuyển đổi số được triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả hơn.

Tính đến hết năm 2023, Yên Bái đã xóa được 34 vùng lõm sóng di động 4G, nâng tỷ lệ thôn/bản/tổ dân phố phủ sóng băng rộng di động lên 98% và tỷ lệ có Internet băng rộng cố định đạt 95%. Chất lượng dịch vụ Internet tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và khu dân cư được nâng cao, đảm bảo tốc độ tối thiểu 40 Mbps. Tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng băng rộng di động đã đạt trên 98%, tỷ lệ có Internet băng rộng cố định đạt 97% tính đến giữa năm 2024.

Theo ông Lê Trí Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để công tác chuyển đổi số trên địa bàn theo đúng lộ trình, Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ phát triển số, kinh tế số. Trong đó, phát triển kinh tế số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, phải chủ động triển khai quyết liệt, thường xuyên và liên tục.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số, Yên Bái đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ hành chính một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đến năm 2023, 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính. 80% thủ tục hành chính đã được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến và 30% hồ sơ thủ tục hành chính đã được thanh toán trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

Hầu hết các lĩnh vực đều đạt được những điểm nhấn trong chuyển đổi số. Cụ thể, ngành Y tế đã thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VNeID tại 198 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh. Việc triển khai bệnh án điện tử đã giúp 4 cơ sở y tế chính giảm thiểu chi phí, minh bạch trong quản lý tài chính và nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 50 sản phẩm nông sản đặc thù như gạo Mường Lò, mật ong Mù Cang Chải, ba ba gai Văn Chấn, chè Shan tuyết Suối Giàng… Việc quản lý và cấp mã số vùng trồng cũng được thực hiện bài bản, đến nay, tỉnh đã cấp được 89 mã số vùng trồng, đảm bảo tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GRDP

Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20,05% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); tỷ trọng kinh tế số trong ngành, lĩnh vực đạt bình quân 15%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 15%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 85%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 65%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

UBND tỉnh cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và phát triển hạ tầng số. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh tế số, đặc biệt trong doanh nghiệp...

Yên Bái cũng xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số.

Tỉnh đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 16,5% trong GRDP vào cuối năm 2024 và xây dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách.

Với những thành tựu đã đạt được, Yên Bái tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn cho giai đoạn tới, trong đó, ưu tiên hàng đầu là xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm hiện đại hóa và số hóa các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, y tế, giáo dục và du lịch, đảm bảo tất cả các dịch vụ công trực tuyến được người dân và doanh nghiệp sử dụng một cách dễ dàng và hiệu quả.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Nhận thức và tính chủ động của một số ngành cấp chính quyền và doanh nghiệp về chuyển đổi số chưa cao. Việc triển khai các nền tảng số phục vụ quản trị doanh nghiệp chưa đồng đều và chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp. Tỉnh cũng chưa có nhiều hoạt động đột phá để tăng tỷ trọng giá trị kinh tế số trong các ngành lĩnh vực, và kinh tế số ICT còn phụ thuộc nhiều vào giá trị sản phẩm dịch vụ viễn thông và bán thiết bị công nghệ thông tin.

Khó khăn cũng đến từ việc các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô sản xuất nông nghiệp chưa lớn. Việc thu ngân sách thấp cũng hạn chế nguồn vốn cho phát triển kinh tế số, và các quy định về sử dụng ngân sách nhà nước còn mất nhiều thời gian để triển khai.

Để khắc phục những hạn chế và thúc đẩy phát triển kinh tế số trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục nâng cao nhận thức và tính chủ động của các ngành cấp chính quyền và doanh nghiệp về chuyển đổi số; Đẩy mạnh triển khai các nền tảng số phục vụ quản trị doanh nghiệp và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp; Tăng cường các hoạt động đột phá để phát triển kinh tế số trong các ngành lĩnh vực, đặc biệt là nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và trong nước về phát triển kinh tế số, và cuối cùng là cải thiện cơ chế tài chính, đảm bảo nguồn vốn và tối ưu hóa việc sử dụng ngân sách cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế số.

Từ khóa: Yên bái, Yên bái, mục tiêu tăng trưởng, mới cho kinh tế số vào năm 2025

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: yến an/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập