Y án sơ thẩm vụ lão nông 79 tuổi quỳ ở toà xin được xét xử
Cập nhật: 28/09/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Toà án cấp phúc thẩm bác một phần kháng cáo của nguyên đơn, bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau thời gian nghị án kéo dài, ngày 28/9, TAND tỉnh Đồng Nai đưa ra phán quyết cấp phúc thẩm đối với vụ án tranh chấp “hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm” giữa nguyên đơn là ông Trần Hữu Sỹ (79 tuổi, ngụ tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) với bị đơn là Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai.
TAND tỉnh Đồng Nai cho rằng, không triệu tập đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai theo yêu cầu của phía nguyên đơn do không liên quan đến vụ án, vì Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai hiện nay do UBND tỉnh Đồng Nai quản lý; không triệu tập kỹ sư Trần Lương – người bán cá, thả cá cho ông Trần Hữu Sỹ vì cấp sơ thẩm đã lấy lời khai.
Về hợp đồng nhận thuê khoán vườn ươm, theo toà, giữa Lâm trường Mã Đà (nay là Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hoá Đồng Nai) và ông Trần Hữu Sỹ có sự bàn bạc về hợp đồng vào ngày 10/2/1998, nhưng không thống nhất giá thuê; sau đó ông Sỹ cũng không có động thái phản đối; cho nên việc chấm dứt hợp đồng vào tháng 6/2000, lâm trường không có lỗi ….
Từ căn cứ trên, toà án cấp phúc thẩm bác một phần kháng cáo của nguyên đơn, bác kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm, yêu cầu Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hoá Đồng Nai hoàn trả cho ông Trần Hữu Sỹ số tiền 1,231 tỷ đồng.
Sau khi nghe tuyên án, ông Trần Hữu Sỹ cho rằng, bản án cấp phúc thẩm vẫn chưa khách quan, chưa đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia hợp tác với Nhà nước.
Theo nội dung vụ việc, năm 1992, ông Trần Hữu Sỹ ký hợp đồng thuê diện tích để cải tạo hồ rộng 27 ha của Trung tâm Du lịch. Đến năm 1995, Trung tâm Du lịch giải thể, Lâm trường Mã Đà (nay là Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai) là pháp nhân quản lý khu vực cho thuê.
Hai bên ký hợp đồng mới; tiếp tục nội dung của hợp đồng năm 1992 với thời hạn 20 năm; 5 năm hai bên sẽ ngồi lại bàn bạc về hợp đồng. Mức giá cho thuê là 5 triệu đồng/năm.
Sau thời gian cải tạo vùng trũng thành hồ nuôi cá 27ha, tháng 10/1997, ông Sỹ thả cá xuống hồ nuôi. Đến tháng 2/1998, lâm trường yêu cầu ông Sỹ không được thả cá thêm để thanh lý hợp đồng nhưng không Sỹ không chấp nhận.
Đến tháng 6/2000, lâm trường đơn phương chấm dứt hợp đồng; đồng thời tổ chức đấu giá cho đơn vị khác thuê với giá 75 triệu đồng/năm. Cùng thời gian này, ông Sỹ nộp đơn kiện lâm trường, yêu cầu bồi thường tiền đầu tư xây dựng và số tiền mua cá.
Từ giai đoạn năm 2003 đến 2007, trải qua 4 phiên toà đều buộc Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hoá Đồng Nai bồi thường cho ông Sỹ số tiền hơn 600 triệu đồng, chưa tính có lãi suất.
Ông Sỹ chống án lên cơ quan tố tụng Trung ương. Năm 2010, TAND Tối cao xem xét giám đốc thẩm tuyên huỷ hai bản án sơ thẩm. Phải đến năm 2019, TAND huyện Vĩnh Cửu mới mở phiên toà, tuyên bị đơn bồi thường số tiền 1,231 tỷ đồng.
Sau phiên toà, bị đơn và nguyên đơn cùng kháng cáo. Ngày 8/9, ông Trần Hữu Sỹ quỳ gối, đội đơn mong được toà xét xử sớm vì ông quá mệt mỏi theo đuổi vụ việc gần 20 năm. Hôm nay, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên y án sơ thẩm./.
Từ khóa:
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN