Xung đột thương mại Mỹ - Trung và cơ hội thách thức cho Việt Nam

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Xác định trước những cơ hội và thách thức từ xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ đảm bảo nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đã và sẽ tác động sâu sắc tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt đây là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.Các chuyên gia cho rằng, việc xác định trước những cơ hội và thách thức từ xung đột thương mại này sẽ giúp Việt Nam có cơ chế tận dụng và phòng ngừa, đảm bảo nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định và bền vững.

5 rủi ro lớn

Tại lễhọpbáosự kiện "Diễn đàn Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung” ngày 11/7, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, cơ hội đầu tiên và rõ ràng nhất là kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng đáng kể khi Việt Nam cũng sản xuất những mặt hàng tương tự của Trung Quốc như dệt may, da giày, thiết bị phụ tùng và sản phẩm gỗ.

Thậm chí hàng hóa của Việt Nam cũng có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc nhiều hơn khi có lợi thế về mức thuế suất thấp hơn. Cơ hội tiếp theo đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, góp phần vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

nhan thuc nhung thach thuc tu xung dot thuong mai my - trung quoc hinh 1
Các chuyên gia nhận định trước những cơ hội và thách thức của Việt Nam từ xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Mặc dù xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới mở ra những cơ hội nhất định cho nền kinh tế Việt Nam, song ông Phong cũng cho rằng xung đột này đồng thời cũng tiềm tàng những rủi ro.

Rủi ro đầu tiên đó là sự gia tăng đột biến của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong khi cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn lao động trong nước chưa được đảm bảo. Sự quá tải này sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong dài hạn nếu như chính phủ không có những cải thiện và điều chỉnh phù hợp.

Rủi ro thứ hai đó là sự gia tăng nguy cơ gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa từ các công ty Trung Quốc tại Việt Nam, làm tăng chênh lệch trong thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ. Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành địa điểm chuyển tải của hàng hóa Trung Quốc dưới hình thức tạm nhập tái xuất hoặc chế biến giả thông qua công ty nội địa hay FDI ở Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt.

Một khi cơ quan thương mại Mỹ phát hiện thì công ty bị trừng phạt sẽ là phía Việt Nam, bên cạnh đó không chỉ một nhóm sản phẩm mà là cả một ngành hàng sẽ bị ảnh hưởng. Điều này còn ảnh hưởng đến uy tín của các công ty Việt Nam, và dễ dàng để đưa Việt Nam vào tầm kiểm soát của Mỹ, từ đó dẫn đến hàng hóa do Việt Nam sản xuất sẽ bị Mỹ đánh thuế cao hơn.

Rủi ro thứ ba là việc di dời các cơ sở sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc sang Việt Nam có thể tác động tiêu cực tới môi trường và an ninh xã hội của Việt Nam, mặc dù sự dịch chuyển này mang lại sự gia tăng ngắn hạn cho xuất khẩu và FDI, nhưng cũng làm tăng thêm rủi ro cho Việt Nam trở thành một trung tâm ô nhiễm.

Rủi ro thứ tư liên quan đến sự gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, đặc biệt từ Trung Quốc làm gia tăng chi phí sản xuất của các công ty Việt Nam. Khi xung đột xảy ra, USD có xu hướng tăng giá và nhân dân tệ có xu hướng giảm giá, điều này kéo theo tỷ giá USD/VND tăng cao gây bất lợi cho các nhà nhập khẩu Việt Nam. Tác động này sẽ đáng kể đến kinh tế Việt Nam khi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ cho xuất khẩu bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, hóa chất, chất dẻo.

Rủi ro cuối cùng đó là chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều mặt hàng sẽ bị xáo trộn và ngưng trệ bởi những xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng như sự gia tăng của chính sách bảo hộ của một số quốc gia. Các công ty Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào những chuỗi cung ứng toàn cầu ở những vai trò khác nhau nên sẽ chịu sự tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, và vì vậy sẽ hạn chế sự đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Sớm có tiêu chuẩn “Made in Vietnam”

Để tận dụng cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực từ sự xung đột thương mại này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định chính trị vì đây là những yếu tố then chốt để các nhà đầu tư yên tâm “chọn mặt gửi vàng” cho các dự án đầu tư của mình.

Cùng với đó, cần tăng cường đàm phán quốc tế, nhất là đối với các đối tác lớn như Mỹ và Nhật Bản để sớm ký kết các hiệp định thương mại tự do và được cá nước trên công nhận là nền kinh tế thị trường, điều này sẽ giúp các công ty Việt Nam tránh được các vụ kiện thương mại không đáng có, giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, cần siết chặt quản lý và tăng cường kiểm tra, rà soát xuất xứ hàng hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty xuất khẩu để ngăn ngừa những hành vi gian lận thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, sớm ban hành tiêu chuẩn “Made in Vietnam”, tránh việc các dự án và các công ty trong nước và FDI nhập toàn bộ từ Trung Quốc và gắn nhãn hàng Việt Nam, điều này vừa mất uy tín cho nền sản xuất vừa dễ bị các nước, trong đó có Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu cao./.

Từ khóa: xung đột thương mại, thương mại mỹ trung, cơ hội thách thức, môi trường đầu tư, tránh né thuế,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập