Xung đột biên giới Trung-Ấn: Liệu có khả năng Pakistan vào cuộc?

Cập nhật: 06/07/2020

VOV.VN -Theo các chuyên gia, những tranh chấp ở Himalaya có thể dấy lên xung đột giữa 3 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Điểm nóng Nam Á trong Chiến tranh Lạnh

Các chuyên gia cho rằng, đụng độ quân sự giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ ở Kashmir, vùng lãnh thổ tranh chấp trong dãy Himalaya đã khiến khu vực Nam Á trở thành một trong những điểm nóng nguy hiểm trong cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc với các đối thủ do Mỹ dẫn đầu ở “đấu trường” Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bằng việc triển khai các binh sỹ nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền đối với Thung lũng Galwan ở Ladakh, khu vực cực Bắc Kashmir do Ấn Độ quản lý, Trung Quốc còn châm ngòi cho những bất đồng hiện hữu giữa Ấn Độ và Pakistan.

xung dot bien gioi trung-an: lieu co kha nang pakistan vao cuoc? hinh 1
Một máy bay chiến đấu của Ấn Độ bay trên khu vực Leh, Ladakh. Ảnh: AFP

Kể từ sau khi Ấn Độ tiến hành cuộc không kích nhằm vào một trại huấn luyện phiến quân ở Pakistan hồi tháng 2/2019 cũng như hủy bỏ quy chế tự trị của vùng Kashmir (do Ấn Độ quản lý) hồi tháng 8/2018, các mối quan hệ giữa New Delhi và Islamabad - các bên vốn đối địch lâu năm ở Nam Á, trở nên căng thẳng nhất kể từ cuộc chiến năm 1999.

Năm ngoái, cả 2 bên triệu hồi Đại sứ và đình chỉ các liên lạc song phương. Tuần trước, các bên trục xuất các nhân viên đại sứ quán ở Islambad và New Delhi về vấn đề gián điệp.

Với sự trở lại của Trung Quốc trong các tranh chấp liên quan đến Kashmir lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962, các chuyên gia cho rằng, sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi xảy ra một cuộc xung đột lớn khác – thậm chí có thể là cuộc chiến 2 mặt trận liên quan tới những tuyên bố chủ quyền của cả 3 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đối với Kashmir.

“Tôi nghĩ một cuộc xung đột hoàn toàn có khả năng xảy ra. Đối với Trung Quốc, họ không có động cơ để khơi mào cuộc chiến với Ấn Độ về Kahmir. Bắc Kinh có những vấn đề lớn hơn cần phải giải quyết và những vấn đề về thay đổi cán cân dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) có thể là ‘nút bấm’”, Harsh V. Pant, giáo sư về quan hệ quốc tế tại King College có trụ sở ở London cho biết.

LAC là đường biên giới tranh chấp không được xác định rõ ràng kéo dài 4.000 km giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trải dài từ Ladakh ở phía Tây tới khu vực giao cắt với Bhutan ở phía Đông – khu vực từng xảy ra cuộc xung đột kéo dài 3 tháng hồi mùa hè năm 2017.

Đường biên giới tranh chấp của Ấn Độ với Pakistan ở Kashmir, được gọi là Đường kiểm soát (LOC), do Liên Hợp Quốc phân định năm 1949.

Khó xảy ra cuộc chiến 2 mặt trận về quân sự?

“Chúng ta không thể tách cuộc khủng hoảng Ladakh với những tranh chấp ở Kashmir. LAC lâu nay vốn căng thẳng và nó sẽ vẫn tiếp tục căng thẳng trong tương lai. LOC dự kiến sẽ còn nóng hơn”, Michael Kugelman, một nhà nghiên cứu cấp cao về Nam Á tại Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington cho biết.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào về sự liên kết quân sự giữa Trung Quốc và Pakistan nhằm chống lại Ấn Độ ở Kashmir, theo Rabia Akhtar, Giám đốc trung tâm an nghiên cứu an ninh, chiến lược và chính sách tại Đại học Lahore (Pakistan).

“Về lý thuyết, Ấn Độ có thể đang chuẩn bị cho một cuộc chiến 2 mặt trận, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Pakistan và Trung Quốc đang chuẩn bị hoặc đang lên kế hoạch để tiến hành một cuộc chiến như vậy với Ấn Độ”, ông Akhtar nói. Ông Akhtar từng là thành viên hội đồng cố vấn các vấn đề đối ngoại của Thủ tướng Pakistan Imran Khan.

Trong một hội nghị trực tuyến tuần trước, Tướng nghỉ hưu Athar Abbas, cựu phát ngôn viên quân đội cho biết, Pakistan không quan tâm tới việc phối hợp với Trung Quốc để tạo nên một cuộc chiến 2 mặt trận nhằm vào Ấn Độ, vì một cuộc xung đột giữa 3 nước sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ làm leo thang thành một cuộc chiến rộng hơn liên quan tới cả Mỹ và các nước khác.

Yếu tố chủ chốt cho những xung đột tương lai

Khu vực Himalaya tranh chấp cũng là “nhà” của các dòng sông băng cung cấp lưu lượng nước lớn cho sông Ấn và các con sông nhánh, cũng như hệ thống tưới tiêu lớn nhất thế giới của 270 triệu dân Ấn Độ và Pakistan.

Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho rằng, hầu hết các sông băng đang tan chảy ở mức báo động và có thể đạt “mức nước kỷ lục” từ năm 2050 trở đi rồi sau đó bắt đầu suy giảm.

Trong khi đó, sự phát triển dân số cả ở Ấn Độ và Pakistan đang làm gia tăng nhu cầu và cả sự cạnh tranh về các nguồn tài nguyên thiên nhiên chung vốn ngày càng khan hiếm.

“Nguồn nước Himalaya sẽ là một yếu tố chủ chốt. Trong những năm tới khi nhu cầu ngày càng cao và nguồn cung ngày càng hạn hẹp, nguồn nước từ các sông bằng ở Himalaya sẽ trở thành một trong những lý do chủ chốt cho các cuộc xung đột”, theo nhà phân tích Harsh Pant tại King College, đồng thời là người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi.

Hiệp ước Nguồn nước sông Ấn (ITW) năm 1960 do Ngân hàng Thế giới đứng ra làm trung gian, quy định về việc chia sẻ nguồn nước giữa Ấn Độ và Pakistan, vốn luôn “chịu sức ép từ cả 2 phía rằng hiệp ước này không công bằng và đã lỗi thời”, Kugelman nói.

Đáp trả việc Ấn Độ xây dựng một con đập trên Sông Jhelum, một nhánh phụ phân chia cho Pakistan theo IWT, vốn được coi như một ranh giới LOC ở phía Tây Kashmir, Pakistan đã nhờ tới sự trợ giúp của Trung Quốc để đòi lại quyền lợi của mình.

Tháng 6/2020, Pakistan giao 3 dự án thủy điện lớn trên sông Jhelum – mà Ấn Độ gọi là Kashanganga - cho các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Giáo sư Akhtar tại Đại học Lahore nói rằng, quyết định của Ấn Độ hồi tháng 8/2019 về việc bãi bỏ quy chế tự trị của khu vực Kashmir mà nước này quản lý có thể là sự mở đầu cho việt rút khỏi IWT.

“Nếu ngày mai, Ấn Độ rút khỏi cam kết, sẽ rất bất lợi cho Pakistan và Pakistan cần lên kế hoạch ngay từ hôm nay. Vì thế, xung đột liên quan đến cạnh tranh các nguồn tài nguyên, thay đổi quy chế hiệp ước [IWT] và cả việc xây dựng các con đập từ cả 2 phía là hoàn toàn có thể xảy ra”, bà nói.

Trung Quốc vốn đã can thiệp vào tranh chấp nguồn nước giữa Ấn Độ và Pakistan vì sông Ấn bắt nguồn từ Tây Tạng.

Những căng thẳng chồng chéo

Theo các nhà quan sát, sự can dự của Trung Quốc sẽ là một yếu tố khiến căng thẳng ở Nam Á sẽ tiếp tục leo thang trong những năm tới.

“Đây không chỉ là một kịch bản trong ngắn hạn. Việc Ấn Độ sa lầy vào xung đột đường biên giới phía Bắc với Trung Quốc và việc mối quan hệ Trung-Ấn bước vào giai đoạn ngày càng “lạnh nhạt”, sẽ là cơ hội để Pakistan gia tăng sức ép lên đường biên giới phía Tây của Ấn Độ bằng các cuộc đọ súng qua biên giới hay thậm chí là xúi giục các phiến quân Kashmir tấn công nhằm vào lực lượng an ninh Ấn Độ”, theo ông Kugelman.

Pakistan đổ lỗi cho Ấn Độ về vụ tấn công khủng bố hôm 29/6 ở Sàn giao dịch chứng khoán Karachi, nơi các tập đoàn Trung Quốc sở hữu tới 40% cổ phần. Quân đội giải phóng Baloch đã lên tiếng thừa nhận vụ tấn công. Đây cũng là nhóm đã từng tiến hành cuộc tấn công tương tự nhằm vào lãnh sự quán Trung Quốc ở Karachi tháng 11/2018.

Trong khi đó, theo giáo sư Pant “các phản ứng gần đây của Trung Quốc đối với Ấn Độ sẽ khiến New Delhi lại gần QUAD (nhóm Bộ tứ kim cương) hơn”. Ông đề cập Bộ tứ do Mỹ dẫn đầu cùng với Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Mỹ đang tìm cách xây dựng QUADnhư một thành bức tường thành chống Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Giáo sư Akhtar tin rằng Ấn Độ “sẽ thận trọng hơn về việc chuyển hướng sang Mỹ và các nước khác, để không làm mất lòng Trung Quốc hoặc bị coi là đang xây dựng một liên minh chống Trung Quốc”.

Tuy nhiên, nếu Ấn Độ đưa ra quyết định quan trọng là tham gia vào cuộc chiến tranh lạnh mới như một đồng minh của Mỹ, thì điều này sẽ khiến quan hệ với Pakistan ngày càng căng thẳng hơn, theo ông Kugelman./.

Từ khóa: xung đột biên giới Trung Ấn, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Kashmir

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập