Xuất khẩu thủy sản quay lại mốc 1 tỷ USD/tháng sau hơn 2 năm
Cập nhật: 05/11/2024
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
Cần thiết phải có cơ chế thúc đẩy “tài chính xanh” tại Việt Nam
VOV.VN - Sau hơn 2 năm, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lại đạt mốc 1 tỷ USD/tháng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm nay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tháng 10/2024 ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm (từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản quay lại mốc 1 tỷ USD/tháng, là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản mang về 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
VASEP cho biết, trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10. Đặc biệt, XK sang Trung Quốc và Hồng Kông bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động: XK sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%.
Tính đến cuối tháng 10, tổng giá trị XK thủy sản sang Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ đã chạm ngưỡng 1,5 tỷ USD. Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc và Hồng Kông có khả năng vượt Mỹ trong những tháng cuối năm, nếu đà tăng trưởng 20% của 10 tháng qua được duy trì. Nếu tiếp tục giữ vững mức tăng này, Trung Quốc và Hồng Kông có thể trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất thủy sản Việt Nam vào cuối năm 2024.
Dù nền kinh tế châu Âu hồi phục chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng tín hiệu tích cực từ mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, cho thấy triển vọng khả quan cho doanh nghiệp Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2024, XK sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngược lại, XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn từ 1,5% đến 2%. Những yếu tố như lạm phát kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường này. Nhật Bản, từng là một trong hai thị trường nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam, đã tụt xuống vị trí thứ ba vào năm 2024, với kim ngạch đạt 1,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, trong khi Hàn Quốc chỉ đạt 646 triệu USD.
Trong bối cảnh đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn trong năm 2024. Tính đến cuối tháng 10/2024, XK tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, XK tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%, vượt xa cá ngừ và mực bạch tuộc.
Một tin vui cho ngành tôm Việt Nam là vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Từ khóa: thủy sản, xuất khẩu thủy sản, thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản 1 tỷ USD, doanh nghiệp xuất khẩu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN