Xuất khẩu sang Anh: Có đối tác sắp phá sản mà doanh nghiệp không biết
Cập nhật: 31/10/2024
VOV.VN - Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin thị trường và đối tác, dẫn đến thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Vương quốc Anh.
Sau hơn 3 năm thực thi, những kết quả tích cực của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) mang lại đối với hoạt động thương mại, đầu tư giữa cộng đồng DN Việt Nam và Vương Quốc Anh đã được khẳng định rõ ràng. Trong bối cảnh trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm sụt giảm, do căng thẳng địa chính trị và những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh vẫn là một điểm sáng.
Mặc dù hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Anh đang tăng trưởng khả quan, tuy nhiên theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm rất ít, chỉ khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Một trong những nguyên nhân là do chưa xây dựng được thương hiệu riêng trên thị trường sở tại. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa tập trung vào chiến lược và cách tiếp cận thông tin thị trường hiệu quả.
Nhận xét về quá trình DN tiếp cận thị trường Vương quốc Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường, Cựu tham tán công sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, một số DN Việt Nam tuy có sản phẩm tốt nhưng không quen phương pháp tiếp cận, tìm kiếm thông tin trên thị trường. Khi đó, DN buộc phải gửi yêu cầu cho các công ty trung gian, các công ty môi giới. “Các công ty trung gian và môi giới tuy có kỹ năng tiếp thị nhưng lại có nhược điểm là hạn chế về thông tin sản phẩm. Khi đối tác hỏi khoảng 3 câu liên quan đến sản phẩm, họ không trả lời được hoặc trả lời không trúng như thế là mất luôn cơ hội”, ông Cường cho biết.
Ông Cường cũng cho hay, các DN Việt Nam hiện vẫn còn một số hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách có hệ thống từ các nguồn tin nước ngoài, ví dụ từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh; cơ sở dữ liệu của Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu từ các nước đang phát triển của Bộ Ngoại giao Hà Lan…
“Có DN Việt Nam vì không theo sát thay đổi của đối tác, xuyên suốt 10 năm hợp tác tương đối thuận buồm xuôi gió, nhưng không biết tình hình sức khỏe tài chính của bạn hàng đã có thay đổi. DN vẫn làm, vẫn tin tưởng và vẫn cho bạn hàng của mình trả chậm, thậm chí cho giao hàng trước trả tiền sau mà không biết rằng đối tác mấy năm qua sắp phá sản, từ đó đưa DN vào tình thế tổn thất rất lớn và rủi ro rất cao”, ông Cường cảnh báo.
Khuyến nghị cho các DN Việt Nam khi xuất khẩu và kinh doanh tại thị trường Anh, ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, quan trọng nhất là các DN cần phải tra cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về thị trường. Một số những nguồn thông tin hữu ích cho DN Việt Nam cần tận dụng như hệ thống dữ liệu về thương mại, hệ thống dữ liệu về DN đóng thuế của chính phủ Anh thông qua các nền tảng của Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh trên website gov.uk. Bên cạnh đó, các DN cũng có thể tìm kiếm thông tin về thị trường thông qua Cổng thông tin các Hiệp định thương mại tự do FTA của Bộ Công Thương.
Song song với đó, các DN cần kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường. Thêm nữa là cần tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất, chế biến sâu, tối ưu chu trình sản xuất để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường lớn hàng đầu trên thế giới.
“DN cần xác định rõ phân khúc thị trường của sản phẩm, cần có nghiên cứu chuyên sâu, có kế hoạch bài bản để nghiên cứu về thị hiếu, xu hướng thị trường. Cần đẩy mạnh công tác đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại khi Vương quốc Anh đang phát triển mạnh các hãng bán lẻ, nở rộ xu thế thương mại điện tử. Các DN của Anh có nhiều hệ thống siêu thị lớn, chuỗi cung ứng lớn họ trực tiếp họ mua hàng, họ tìm kiếm nhà đối tác tại Việt Nam nên các DN có thể tận dụng xu thế này”, ông Thành khuyến nghị.
Thông tin từ ông Thành cũng cho biết, trong thời gian tới, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ nâng cao nhận thức của cộng đồng DN về phát triển bền vững này, về sản xuất xanh, xây dựng thương hiệu…
“Vụ cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là thông qua các kênh phân phối, đưa hàng hóa Việt Nam vào các kênh phân phối, các tập đoàn thu mua lớn trên thế giới. Tiếp tục triển khai Đề án thúc đẩy đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào các kênh phân phối trên thế giới đến năm 2030, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cũng phối hợp với UBND TP.HCM trong 2 năm vừa qua cũng tổ chức chương trình kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế", ông Thành nói.
Đặc biệt, thông qua các cơ chế hợp tác, đặc biệt là các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tiếp tục vận động chính sách với các đối tác thương mại nhằm tháo gỡ các rào cản để DN tiếp cận thị trường, qua đó nhằm hạn chế tối đa gánh nặng và chi phí xuất khẩu cho DN. Đồng thời, Vụ tăng cường trao đổi với các quốc gia, các đối tác để làm rõ các quy định, đặc biệt là về các tiêu chuẩn, giúp cho DN Việt Nam làm rõ thêm về lộ trình triển khai thực hiện đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn cho cộng đồng DN thích ứng nhanh hơn, tốt hơn với các thay đổi.
Từ khóa: xuất khẩu, xuất khẩu,vương quốc anh, thị trường, thông tin, đối tác, thị hiếu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN