Xuất khẩu gia tăng, ứng phó với phòng vệ thương mại càng lớn

Cập nhật: 16/12/2022

VOV.VN - Chỉ tính riêng trong 11 tháng của năm 2022, nhiều quốc gia đã tiến hành điều tra 16 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sáng 16/12, tại TP.HCM, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) thông tin về tình hình xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) trong năm 2022.

Theo Cục PVTM, trên thực tế, các nền kinh tế xuất khẩu càng lớn thì càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới nên số lượng các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng gia tăng nhanh chóng.

Cụ thể, trong giai đoạn 2005-2010 chỉ có 25 vụ, nhưng giai đoạn 2011-2015 đã có 52 vụ, giai đoạn 2016-2021 có 109 vụ và chỉ tính riêng trong 10 tháng của năm 2022, đã có đến 224 vụ việc PVTM của các quốc gia đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong đó, riêng 11 tháng của năm 2022, các nước đã tiến hành điều tra 16 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng. Nhờ đó cho tới nay, Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều DN, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế PVTM hoặc được hưởng mức thuế thấp (với các mặt hàng như tôm, cá tra - basa, một số sản phẩm thép, mật ong...), góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada…

Song song đó, Cục PVTM thực hiệu quả công tác PVTM đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Trong năm 2022, Cục này không tiến hành các cuộc điều tra mới nhưng đã dựa trên các kết luận điều tra đã hoàn tất để kiến nghị với Bộ Công Thương ban hành 3 biện pháp PVTM, chấm dứt áp dụng 2 biện pháp phòng vệ và đang tiến hành rà soát đối với 7 biện pháp PVTM khác.

Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của các biện pháp PVTM như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, tất cả các hoạt động này đều được tiến hành trên nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, có lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, tuân thủ đúng quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia./.

Từ khóa: phòng vệ thương mại, phòng vệ thương mại thích ứng trong tình hình mới, biện pháp ứng phó với phòng vệ thương mại

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập