Xuất khẩu gạo giá cao: Tín hiệu lạc quan trong năm 2021

Cập nhật: 26/02/2021

VOV.VN - Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay giảm về khối lượng và kim ngạch nhưng lại tăng về giá cho thấy những tín hiệu lạc quan về xuất khẩu gạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 608.768 tấn gạo các loại trong gần 2 tháng đầu năm, đạt hơn 336,18 triệu USD, giảm khoảng 34% về khối lượng và 22% về kim ngạch. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay lại tăng về giá, đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, điều này cho thấy những tín hiệu lạc quan về xuất khẩu gạo trong năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực được kỳ vọng vẫn ở mức cao. Dự báo trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trong đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Bờ Biển Ngà (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và EU (tăng 2,1%). Đây là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. PV VOV có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương dưới góc độ quản lý Nhà nước về vấn đề này.

PV: Thưa ông, có thể thấy mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục được giá trong thời gian gần đây, đặc biệt là nửa cuối năm 2020 và 2 tháng đầu năm nay, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đã giảm đáng kể. Các DN cho rằng, đó là do nhiều nước đã tăng lượng dự trữ trong năm qua do lo ngại tác động của đại dịch Covid-19. Bộ Công Thương nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Quốc Toản: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2021 đạt 348.000 tấn (giảm 12,4% về lượng và 0,6% về trị giá), tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 552 USD/tấn (tăng 13,5%, tương đương mức tăng 66 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2020). Như trong tháng 1, chúng ta vẫn chịu các tác động, các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan của năm 2020, do đó, trong năm 2021 chúng ta vẫn chịu tác động của các ảnh hưởng chung đó, làm cho giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sự thay đổi.

Đồng thời, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu, trong năm 2021, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực vẫn được kỳ vọng vẫn ở mức cao, tăng khoảng 1% so với năm 2020 (dự báo trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020). Và đến nay, vụ Đông Xuân của chúng ta cũng chưa vào vụ thu hoạch, cho nên đây là những yếu tố rất khó đoán định trong thời gian tới khi nói về tác động của giá gạo.

Với vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thị trường lúa gạo tại các quốc gia sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu chính trên thế giới, để kịp thời phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng phương án điều hành hoạt động xuất khẩu gạo một các hợp lý, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mang lại thu nhập tốt nhất cho bà con nông dân.

PV: Vậy theo ông, điều gì đã giúp cho mặt hàng gạo của chúng ta “được giá” trên thị trường thế giới thời gian qua?

Ông Trần Quốc Toản: Trong năm 2020 cũng như tháng đầu năm 2021 thì giá gạo không chỉ của Việt Nam mà cả của Thái Lan, Ấn Độ cũng đều có sự gia tăng cao. Ở đây 3 nước đều là những nước xuất khẩu gạo cao nhất thế giới. Về phía Việt Nam, trong thời gian qua cũng đã có sự chủ động sản xuất các loại gạo có chất lượng, cho giá trị gia tăng cao. Ví dụ như: gạo thơm của Việt Nam đã chiếm 26,3% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2020 (hay gạo japonica chiếm 3,4%, gạo nếp chiếm 8,8%, gạo lứt 1,7%, gạo trắng cao cấp 3,7%.v.v)… Điều này đã góp phần nâng cao giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời gina qua.

Bên cạnh đó, các yếu tố nội lực của các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có sự thay đổi, thích ứng trong thời gian vừa qua. Các DN cũng đã có sự liên kết với nhau để tạo ra chuỗi liên kết để sản xuất ra các sản phẩm gạo theo các tín hiệu của thị trường, và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nước nhập khẩu.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sức cạnh tranh của mặt hàng gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới trong thời gian tới, đặc biệt, trong việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết?

Ông Trần Quốc Toản: Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới chúng ta có đủ sức để cạnh tranh với gạo của các nước trên thị trường thế giới. Bởi vì như đã phân tích, chúng ta đã có sự chủ động trong việc nâng cao giá trị hạt gạo; chúng ta cũng đã có sự thay đổi kịp thời các chủng loại gạo để sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tín hiệu thị trường.

Chúng ta cũng đã xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Ví dụ như: gạo ST25 trong thời gian vừa qua liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới. Và chúng ta cũng đã áp dụng được khoa học kỹ thuật vào trong quá trình từ nghiên cứu giống cho đến sản xuất, chế biến, bảo quản để xuất khẩu.

Đồng thời, trong thời gian qua các hiệp hội, DN xuất khẩu gạo cũng đã có sự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường cũng như trong việc thay đổi chủng loại gạo xuất khẩu phù hợp với nhu cầu và đáp ứng các nhu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, đồng thời thông tin cho người nông dân để có sự điều chỉnh trong quá trình sản xuất. Và người nông dân cũng đã có sự thay đổi rất tích cực trong thời gian qua khi đã chủ động tìm hiểu và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật cao vào trong sản xuất; cũng đã nắm được các thông tin cơ bản về các hiệp định thương mại tự do có thể đem lại để tận dụng được các cơ hội từ hiệp định để sản xuất ra các loại gạo có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu.

Trong năm 2020, chúng ta cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và có hiệu lực như: EVFTA, UKVFTA… với những ưu đãi về mặt thuế quan đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, Việt Nam đang dần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán cao hơn so với gạo trắng, góp phần đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nông dân… Đây là bước tiền đề để cho các sản phẩm gạo của chúng ta có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực trong việc hỗ trợ các hiệp hội, DN cũng như các hộ sản xuất lúa gạo trong công tác thông tin định hướng tình hình thị trường, trong công tác quy hoạch sản xuất, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu quả DN. Và một yếu tố quan trọng nữa là sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành trong điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua. Những yếu tố đó đã tác động và tạo nên vị thế, giá trị gia tăng gạo của chúng ta.

PV: Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông, các DN xuất khẩu gạo cần làm gì để có thể khai thác tốt hơn các thị trường, thưa ông?

Ông Trần Quốc Toản: Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như người nông dân, cần chủ động tìm hiểu về các FTAs; chủ động nghiên cứu và thực hiện tốt văn bản hướng dẫn thực thi FTAs của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP...; chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngay trên “sân nhà”. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có gạo hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường; cần chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Từ khóa: xuẩt khẩu gạo, Tổng cục Hải quan, xuất khẩu, gạo

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập