Xuất hiện tình tiết mới vụ bồi thường 1m2 đất giá bằng “tô phở”
Cập nhật: 28/05/2024
VOV.VN - Chiều nay (27/5), theo như dự kiến, Toà án nhân dân TP.HCM sẽ tuyên án vụ án hành chính liên quan đến thu hồi, bồi thường 25.000 đồng/m2 đất. Tuy nhiên, tại phiên toà, Hội đồng xét xử bất ngờ trở lại phần xét hỏi, nhiều tình tiết mới được phát hiện.
Trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, Chủ tịch UBND TP.HCM - người bị kiện, tiếp tục khẳng định, diện tích 3.000 m2 đất của bà Nguyễn Thị Sáu - người khởi kiện, bị thu hồi thuộc 2 dự án nhưng cùng 1 phương án thực hiện. Cụ thể là, dự án đầu tư xây dựng đường nối từ đường Bình Thuận đến Khu công nghiệp Hiệp Phước và dự án tạo quỹ đất đô thị cho thành phố.
Phương án bồi thường cho bà Nguyễn Thị Sáu và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án trên được xử lý, thực hiện duy nhất theo Nghị định số 22 năm 1998 của Chính phủ.
Thực tế, bà Nguyễn Thị Sáu không đồng ý với đơn giá bồi thường 25.000 đồng/m2 đất, sau nhiều lần hiệp thương không thành và chủ đất không ký nhận tiền đền bù. Tuy nhiên, phía người bị kiện khẳng định, về mặt hồ sơ thủ tục thu hồi đất, bồi thường cho bà Nguyễn Thị Sáu đã hoàn tất từ năm 2003, khi Ban bồi thường gửi số tiền bồi thường đất của bà Sáu được vào ngân hàng. Khi đó, dù người dân không đồng ý nhận tiền đền bù nhưng vẫn được xem là đã quyết toán xong.
Khi được Chủ toạ phiên toà hỏi, quy định việc được phép gửi tiền đền bù của dân vào ngân hàng, phía người bị kiện trả lời về quy định của pháp luật thì không có, nhưng có chỉ đạo về hành chính. Mục đích gửi ngân hàng là để phát sinh lãi, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Chủ toạ tiếp tục hỏi, nghĩa vụ chi trả bồi thường cho dự án đã kết thúc từ năm 2003, tại sao đến năm 2008 lại ban hành phương án hỗ trợ bổ sung cho người dân được mua căn hộ chung cư với giá thành xây dựng hoặc giá không kinh doanh? Đại diện của người bị kiện nói đây là chính sách hỗ trợ riêng của dự án.
Mặt khác, phương án đền bù được phê duyệt vào năm 1999 và thời điểm có quyết định thu hồi đất là năm 2003 nhưng đến năm 2008 (tức là sau gần 10 năm kể từ thời điểm phương án đền bù) phía người bị kiện cho biết giá đất vẫn không thay đổi, nên nghĩa vụ chi trả bồi thường cho bà Sáu được xem là đã hoàn tất từ năm 2003.
Lý giải về biên bản kê khai tài sản để bồi thường năm 1999 cùng các biên bản hiệp thương đền bù đều không có chữ ký của bà Nguyễn Thị Sáu, đại diện người bị kiện nói do bà Sáu không đồng ý với nội dung kiểm kê và hiệp thương nên không ký.
Trong khi đó, phía bà Nguyễn Thị Sáu nói không biết và không nhận được thông báo về việc tiền bồi thường đã được gửi vào tài khoản ngân hàng, cho đến khi toà đưa vụ án ra xét xử.
Ngoài ra, nguyên đơn cũng khẳng định không nhận được quyết định thu hồi đối với 3.000m2 đất của gia đình. Bà Sáu cho biết có từng được mời lên nhận tiền bồi thường đất nhưng do biên bản kê khai tài sản trên đất của bà không ghi nhận có đất gò, có chòi lá nên bà không đồng ý nhận tiền đền bù và chưa từng ký tên vào biên bản hiệp thương nào với UBND huyện Nhà Bè.
Tuy nhiên, Chủ toạ phiên toà cho biết, trong biên bản hiệp thương đền bù năm 2002, lại có ghi nhận ý kiến được cho là của bà Nguyễn Thị Sáu với nội dung đề nghị nhà nước nâng giá bồi thường, rất phù hợp nguyện vọng của bà thể hiện trong hồ sợ vụ án.
Từ đó, phía bà Nguyễn Thị Sáu đề nghị toà cho trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết trên văn bản hiệp thương trên mà phía UBND huyện Nhà Bè đưa ra. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định dừng phiên xử để thực hiện yêu cầu này của nguyên đơn.
Theo nội dung vụ kiện, năm 1999, bà Nguyễn Thị Sáu bị thu hồi thửa đất số 650, diện tích 3.000 m² tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM, loại đất mùa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số C284062 vào năm 1994.
Sau nhiều lần hiệp thương đền bù, bà Nguyễn Thị Sáu không đồng ý với đơn giá bồi thường 25.000 đồng/m2 nên đã nhiều lần khiếu nại yêu cầu nâng giá bồi thường nhưng không được cấp có thẩm quyền chấp nhận.
Mặt khác, phía nguyên đơn cho rằng quy trình, trình tự thủ tục thu hồi, bồi thường của UBND huyện Nhà Bè, TP.HCM không đúng pháp luật, như: thành lập Hội đồng bồi thường sau khi kiểm kê tài sản trên đất của dân để bồi thường; thời điểm có quyết định thu hồi đất là năm 2003, tức là sau 5 năm kể từ thời điểm phương án đền bù (được phê duyệt vào năm 1999); ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất khi chưa có quyết định thu hồi đất và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Sáu,…
Đến nay, dù gia đình bà Sáu chưa nhận tiền bồi thường nhưng trên chính khu đất của bà lại mọc lên hàng loạt biệt thự, công viên của một doanh nghiệp bất động sản.
Năm 2003, số tiền đền bù cho trường hợp bà Nguyễn Thị Sáu là 75 triệu đồng cho 3.000m2 đất và tiền thưởng 1 triệu đồng được Ban Bồi thường gửi vào ngân hàng do một cán bộ đứng tên sổ tiết kiệm. Đến năm 2008, khoản tiết kiệm được tất toán và chuyển sang tên bà Nguyễn Thị Sáu (bao gồm cả gốc lẫn lãi phát sinh).
Từ khóa: bồi thường, bồi thường, vụ 1m2 đất giá bằng "tô phở", TPHCM,bồi thường đất
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: tỷ huỳnh/vov-tp hcm
Nguồn tin: VOVVN