Xử lý quảng cáo “rác” xuất hiện trên thiết bị di động của người dùng
Cập nhật: 30/08/2020
VOV.VN - Gần đây, tình trạng tin nhắn quảng cáo, rao vặt vẫn diễn ra. Liệu các thông tin cá nhân có bị đánh cắp bằng cách nghe lén?
Chị Nguyễn Thanh Hằng có con nhỏ thường xuyên sử dụng điện thoại của chị để xem Youtube, các loại phim hoạt hình về khủng long và ô tô đồ chơi. Chị Hằng thắc mắc, không hiểu vì sao chỉ cần tìm kiếm một vài sản phẩm về khủng long hay ô tô đồ chơi là một lát sau các ứng dụng bán hàng trực tuyến đã được cài trên điện thoại, facebook cá nhân của chị. Thậm chí cả các ứng dụng đọc báo trên điện thoại của chị cũng xuất hiện ngay các quảng cáo về khủng long, ô tô đồ chơi.
“Điện thoại của tôi như bị theo dõi hay sao đó, cứ tìm kiếm cái gì hay xem cái gì là y như rằng, một lát sau có hàng loạt quảng cáo gợi ý cho tôi, chính xác đến cả mẫu mã, màu sắc của những chiếc ô tô hay các con khủng long mà tôi đã tìm kiếm”, chị Hằng chia sẻ.
Vấn đề mất an toàn thông tin cá nhân trên mạng thường xuất phát từ chính người sử dụng sơ hở trong việc cung cấp thông tin trên môi trường mạng, trong khi có nhiều đơn vị thu thập thông tin cá nhân, sau đó bị đánh cắp hoặc tự phát tán, mua bán bất hợp pháp. Các thiết bị “nghe lén” có thể lấy được hàng loạt thông tin cá nhân của người sử dụng, thậm chí có thể vẽ lại chân dung, thói quen, sở thích của chính cá nhân ấy. Đây là mối nguy hiểm ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân.
Tình trạngquảng cáo “rác” vẫn xuất hiện nhiều trên thiết bị di động của người dùng. (Ảnh minh họa) |
Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar cho rằng:“Đối với người sử dụng trên mạng xã hội hay đăng nhiều thông tin cá nhân riêng tư về nội thất nhà, sơ đồ nhà hoặc thông tin vé máy bay lộ lên thì có thể có một số thứ tưởng rất bình thường nhưng có thể sẽ bị lợi dụng. Đó chính là nơi thông tin cá nhân đã bị thu thập và người ta có thể dùng vào những mục đích khác, mà ảnh hưởng đến quyền riêng tư của mình”.
Tuy nhiên, có một vấn đề không thể đỗ lỗi hoàn toàn cho việc người sử dụng không có ý thức tự bảo mật thông tin cá nhân của mình, bởi chỉ cần nói chuyện hay xem một đoạn phim hoặc tìm kiếm một sản phẩm nào đó, người sử dụng đã bị “theo dõi” mà không hề hay biết. Điều này đang xuất hiện ngày một nhiều ứng dụng trên thiết bị di động của người sử dụng, có thể “nghe lén” hành vi của người dùng.
“Chúng ta khi tham gia các dịch vụ trên không gian mạng, ứng dụng hay qua các nền tảng cung cấp ứng dụng như Facebook, Google là đều cung cấp thông tin cá nhân mà chưa suy nghĩ về cái việc là thông tin đấy sẽ sử dụng vào những việc gì. Khi mà các bạn vào sử dụng các hệ thống Google hoặc Facebook thì nhận được hiển thị quảng cáo về những nội dung mà chúng ta đang muốn tìm kiểm. Những thông tin cá nhân đó đang được sử dụng một cách âm thầm mà chúng ta không hề biết”, Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Đây cũng là lý do vì sao khi xem Youtube, vào mạng xã hội Facebook, hay tìm kiếm các thông tin về một loại sản phẩm hàng hoá nào đó trên các ứng dụng, các website thương mại điện tử… thì ngay sau đó điện thoại di động của người sử dụng sẽ xuất hiện hàng loạt quảng cáo gợi ý về những sản phẩm mà họ đã tìm kiếm. Thậm chí việc mất an toàn thông tin cá nhân trên mạng, còn khiến người sử dụng điện thoại di động thường xuyên được nghe các cuộc gọi quảng cáo, nhận các loại tin nhắn quảng cáo.
Nghị định số 91 của Chính phủ vừa được ban hành ngày 14/8 vừa qua về “Chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác” sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10 tới đây quy định: Tổ chức, cá nhân gửi tin nhắn hoặc gọi điện quảng cáo tới các số điện thoại nằm trong “Danh sách không quảng cáo” sẽ bị phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng. Khi đăng ký vào “Danh sách không quảng cáo” thì các chủ thuê bao di động có thể được bảo vệ, không phải nghe các cuộc gọi quảng cáo, nhận tin nhắn quảng cáo, hoặc thư điện tử quảng cáo.
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC chia sẻ: “Số điện thoại của chúng ta cũng nằm trong dữ liệu cá nhân và thời công nghệ số như hiện nay, dữ liệu cá nhân chính là tài sản, là tiền bạc. Ở góc nhìn quốc gia thì dữ liệu chính là chủ quyền quốc gia về mặt thông tin. Vì vậy, việc có thêm những hành lang pháp lý tạo tiền đề cho việc bảo vệ nhân thân, trong đó có số điện thoại là rất quan trọng trong việc ngăn chặn tin nhắn rác tới điện thoại, ngăn chặn cuộc gọi rác, ngăn chặn cái thư điện tử rác”.
Tuy nhiên, để có thể xử lý được các loại quảng cáo “âm thầm” vẫn xuất hiện trên các nền tảng như Youtube, Facebook… người sử dụng phải hiểu một vấn đề khác, đó là hạn chế cài đặt các ứng dụng “miễn phí” lên thiết bị di động cá nhân.
Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo: “Với người dùng, thứ nhất, các phần mềm thì nên dùng phần mềm có bản quyền và chính hãng. Thứ hai, khi sử dụng các ứng dụng thì nên dùng những ứng dụng từ những nguồn chính thống, những kho dữ liệu của các kho ứng dụng thường đã được kiểm tra trước khi đưa ứng dụng lên. Thứ ba, nên sử dụng các phần mềm diệt virus, diệt mã độc chuyên dụng và cập nhật thường xuyên các phần mềm để bảo vệ thiết bị của mình”./.
Từ khóa: tin nhắn "rác", tinh nhắn quảng cáo, đánh cắp thông tin, nghe lén, ứng dụng bán hàng trực tuyến
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN