Xử lý nghiêm hành vi xuất, nhập cảnh trái phép

Cập nhật: 15/06/2024

VOV.VN - Tình trạng xuất cảnh, nhập cảnh trái phép tại Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và ngày càng diễn ra vô cùng phức tạp. Điều này có tác động tiêu cực, gây nhiều hệ lụy tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian qua, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép diễn biến khá phức tạp, không chỉ gây nguy hiểm cho người dân mà gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.

Trong năm 2023, Công an các địa phương phía Nam đã tiếp nhận từ phía Campuchia hơn 600 người làm việc trong các sòng bạc được phía Campuchia giải cứu, trao trả về nước. Phía Philipines cũng đã giải cứu 437 người Việt Nam bị cưỡng bức làm việc trong các sòng bạc tại nước này. Đa số đều thuộc diện xuất cảnh trái phép hoặc là nạn nhân của các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp tiếp nhận gần 500 trường hợp công dân xuất cảnh trái phép qua tuyến biên giới ở các địa phương khác trên cả nước. Trong đó, ở Thanh Hóa cũng có hơn 2.600 trường hợp thuộc diện đang cư trú, lao động trái phép tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Giữa tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép" đối với 2 bị cáo Q. và K. Trước đó, Q. được rủ tham gia đưa đón người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bằng đường biển từ thành phố Đông Hưng, Trung Quốc về thành phố Móng Cái, với tiền công là 6000 Nhân dân tệ/1 người (tương đương khoảng 20.000.000 đồng).

Đến giữa tháng 5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 đối tượng cầm đầu của đường dây tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép, xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố khác.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, một người được xem là xuất cảnh hay nhập cảnh hợp pháp cần có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, phải có đầy đủ giấy tờ xuất nhập cảnh, như hộ chiếu, giấy thông hành và một số giấy tờ khác có liên quan. Các giấy tờ này đều cần phải nguyên vẹn và còn thời hạn sử dụng.

Thứ hai, đối với công dân xuất cảnh, ngoài các giấy tờ trên, công dân phải có thị thực hoặc giấy tờ chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực và không thuộc các trường hợp bị cấm, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật. Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự ngoài các điều kiện nêu trên phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.

Do đó, nếu không đáp ứng được các điều kiện này, người có hành vi tự ý xuất cảnh ra nước ngoài sẽ bị xem là xuất cảnh trái phép.

Các cá nhân có hành vi xuất, nhập cảnh trái phép, tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở các mức khác nhau.

Cụ thể, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính nếu thuộc vào một trong các trường hợp như: Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định; Sử dụng các loại giấy tờ xuất nhập cảnh giả như hộ chiếu, giấy thông hành và một số loại giấy tờ khác; Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp các loại giấy tờ xuất nhập cảnh; Làm giả các loại giấy tờ xuất nhập cảnh.

Điều 18. Vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật;

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả;

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

c) Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;

7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;

Khi có hành vi thuộc vào một trong các trường hợp này, cá nhân ngoài bị phạt tiền còn có thể xử phạt theo hình thức bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, cá nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp đã thực hiện hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép trước đó và bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn tiếp tục thực hiện. Cụ thể, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vi phạm quy định về nhập cảnh, xuất cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép" theo Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015.

Thực tế cho thấy việc xuất nhập cảnh trái phép đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân những người xuất nhập cảnh trái phép, là nỗi đau cho gia đình, người thân, là hệ lụy của xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các quốc gia trên thế giới. Các cá nhân có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc thực hiện tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo xuất nhập cảnh trái phép, không chứa chấp người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép cũng như không tổ chức môi giới, đưa dẫn người khác xuất, nhập cảnh trái phép.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội:

Từ khóa: nhập cảnh trái phép, xuất nhập cảnh trái phép,nhập cảnh,an ninh quốc gia,trật tự,an toàn xã hội

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: thu hằng/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập