Xử lý nạn tranh giả- Cần một bàn tay mạnh mẽ của pháp luật
Cập nhật: 28/02/2020
VOV.VN - Một trong những nguyên nhân khiến nạn tranh giả, tranh chép vẫn hiển hiện một cách ngang nhiên chính là tâm lý thờ ơ, vô can, mặc nhiên.
"Tình hình vẫn rất tình hình, tệ nạn tranh nhái ngày phình càng to" là câu nói vui mà giới nghiên cứu, phê bình mỹ thuật vẫn thường chia sẻ trên các diễn đàn, mạng xã hội. Khi sự chú ý về dòng tranh Đông Dương nói riêng, tranh Việt nói chung ngày càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nạn tranh nhái, tranh chép. Cần có những động thái nào để đẩy lùi tình trạng này, nhất là khi xây dựng một thị trường tranh uy tín, minh bạch? Trước hết phải là khung pháp lý chặt chẽ và xa hơn nữa là sự thay đổi nhận thức của chính cộng đồng về hoạt động mỹ thuật.
Bước vào cửa hàng tranh theo chỉ dẫn “Tranh đẹp, rẻ”, tôi không khó để tìm thấy nhiều sự lựa chọn. Theo kích cỡ, tranh bé khoảng 2-3 triệu, tranh khổ lớn hơn khoảng 5 triệu, trong đó có những bức chép lại của các họa sĩ nổi tiếng như Bùi Xuân Phái, Đào Hải Phong, Phạm Lực.... Chị chủ cửa hàng tranh trên phố Thái Hà cho tôi biết: "Những cái này là bán giao lưu, để người tiêu dùng được biết đến hàng tốt, chất lượng. Kể cả tranh chép cũng phải chất lượng, không chép vớ vẩn đâu. Cho nên em mua bức chép này cũng đẹp tương đương bức gốc luôn. Bán 1 triệu coi như là thu vốn về thôi".
Ảnh minh họa (Ảnh:Quang Trung) |
Một trong những nguyên nhân khiến nạn tranh giả, tranh chép vẫn hiển hiện một cách ngang nhiên chính là tâm lý thờ ơ, vô can, mặc nhiên xem tranh chỉ là vật trang trí, có thể nhân bản như một cách để quảng bá. Trong nhiều thập kỉ qua và cho đến lúc này, câu chuyện thị trường tranh giả nước ta vẫn là điều đau lòng nhất của giới mỹ thuật mà không có cách gì để giải quyết tận gốc, gọi tên những kẻ làm hàng giả: "Bây giờ cơ chế thị trường, cả nước lao vào làm ăn, ai cũng muốn khởi nghiệp, ai cũng muốn doanh nghiệp, ai cũng muốn đồng vốn bỏ ra ít nhất mà mang lại hiệu quả cao nhất. Nhìn đi nhìn lại thì có một cái nghề, tại sao cái nghề này lại hay thế nhỉ? Bán được thì lãi khủng khiếp mà vốn bỏ ra có gì đâu, mà nếu bị phát hiện thì cười hề hề. Trong khi những ông làm kinh tế ngoài kia ăn gian thuế một tý là chết trong khi ông này (những người làm tranh giả) chả có khung hình gì"-. Họa sĩ Bùi Phan Trung Dũng bày tỏ sự quan ngại khi nhìn vào thực tế sôi nổi của thị trường tranh chép.
Đáng buồn hơn nữa là đã xuất hiện những vụ việc “tranh giả hồi hương”, lên sàn đấu giá một cách đàng hoàng hay vào thẳng bảo tàng, tự khẳng định là những tác phẩm nguyên tác của các danh họa. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: khuôn mặt đẹp đẽ của mỹ thuật nước nhà qua các thời kì đã bị mờ đi bởi thị trường tranh giả, làm mất đi cảm hứng của người yêu nghệ thuật và nhiệt huyết của những nhà sưu tập chân chính. Thiếu hành lang pháp lý cho hoạt động mỹ thuật là điều nhức nhối nhất, ảnh hưởng đến nhiệt huyết sáng tạo của các thế hệ họa sĩ hiện nay. " Hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam hiện nay chúng ta không có sự nương tựa vào một hành lang pháp lý- Tiếng nói của luật pháp để bảo vệ quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Cho nên người nghệ sĩ đơn phương sáng tạo và cũng đơn phương tự bảo vệ tác phẩm của mình, cũng không biết lúc nào tranh của mình bị biến thành hàng của kẻ làm hàng giả"- ông Đoàn nói.
Tranh được đưa lên sàn đấu giá chưa chắc là tranh thật và tranh thật chưa chắc đã xuất hiện tại các phiên đấu giá, luôn có sự mập mờ và khó kiểm chứng, thậm chí với những tác phẩm triệu đô.
Hành lang pháp lý của chúng ta cũng chưa đề cập yếu tố nước ngoài khi liên quan đến đường dây tranh giả từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại. Trong khi đó, việc cơ quan quản lý nhà nước thành lập Trung tâm giám định tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh dường như là giải pháp tình thế bởi hiện nay không có ai từ phía các tổ chức, cá nhân phi chính phủ đứng ra đảm nhận công việc này. Đúng như khẳng định của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm rằng: "Cục rất mong muốn có những đơn vị ngoài xã hội tham gia vào việc này. Cục sẽ cố gắng làm ngoài việc khẩn trương xây dựng cơ sở bộ dữ liệu, ngân hàng về tác giả tác phẩm và nếu cần thiết sau này sẽ chuyển giao cho một đơn vị nào đó để họ tiếp tục làm. Thứ hai là sẽ xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật để làm hành lang pháp lý cho hoạt động này. Hiện nay nó đang thiếu và không cụ thể nên khó áp dụng".
Vụ tranh lụa giả chữ ký của cố họa sĩ Vũ Giáng Hương từng gây ồn ào trong giới mỹ thuật. |
Một thị trường tranh minh bạch phải có sự kết nối với nước ngoài. Mặc dù giới quản lý và các nhà nghiên cứu trong nước hay gia đình họa sĩ đã có những lên tiếng phản biện, đăng thông tin kịp thời về các vụ việc tranh giả, tranh chép xảy ra ở nước ngoài nhưng dường như vẫn chỉ là tiếng nói một chiều. Theo nhà sưu tập Nguyễn Đức Tiến ở Hà Nội thì sự kết nối giữa thị trường mỹ thuật trong nước và thị trường mỹ thuật nước ngoài dường như còn quá lỏng lẻo. "Không có tiếng nói, không có mối liên hệ, nếu có chăng là mối liên hệ của cá nhân các nhà sưu tập Việt Nam với nhà đấu giá. Họ mua bán thì họ thanh toán với nhau, đối soát với nhau. Đâu phải cứ Hội hay Cục thì có được khả năng với nhà đấu giá Sotheby hay Christine. Thứ hai nữa là đâu phải họ hiểu được luật, được thị trường bên ngoài"- nhà sưu tập Nguyễn Đức Tiến cho biết một thực tế.
Hành lang pháp lý của chúng ta cũng chưa đề cập yếu tố nước ngoài khi liên quan đến đường dây tranh giả từ trong nước ra nước ngoài và ngược lại.
Bức tranh lụa “Vỡ mộng” của danh họa Tô Ngọc Vân (vẽ năm 1932) đã được bán với giá hơn 1,1 triệu đô la Mỹ nhưng vẫn có những hoài nghi vì kết cấu giống với tranh của danh họa Nguyễn Phan Chánh. Tranh được cho là của các danh họa Việt Nam liên tục xuất hiện trên sàn đấu giá quốc tế trong khi tác phẩm gốc vẫn đang ở quê nhà. Mới đây nhất là trường hợp tác phẩm "Bức thư" được cho là của danh họa Tô Ngọc Vân và tác phẩm "Hai cô gái trước bình phong" được cho là của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Còn bức tranh "Dân quê Việt" của họa sĩ Nguyễn Sáng chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy có sự cách biệt quá lớn so với tài năng và phong cách của danh họa nhưng vẫn nằm trên danh sách đấu giá... Sẽ còn rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh giả, tranh nhái và nếu không có luật cho hoạt động nghệ thuật thì chừng ấy vẫn còn nhiều lúng túng trong việc tiếp cận giải quyết cụ thể từng nghi vấn tranh giả được đấu giá thành công ở sàn nội địa hay quốc tế. Và người thua thiệt nhất chính là những người xem chứ không chỉ riêng các họa sĩ hay nhà sưu tập.
Tới đây chúng tôi xin kết thúc loạt phóng sự “Thị trường mỹ thuật Việt: Con đường minh bạch đã lộ sáng?”. Phải khẳng định rằng: Thị trường mỹ thuật Việt Nam sôi động trên bề mặt, còn trong lòng nó vẫn là những băn khoăn, day dứt bởi sự thiếu chuyên nghiệp. Nếu như không đẩy lùi nạn tranh giả, tranh nhái, không tạo ra mặt bằng thị trường trong việc công khai giá và thiếu sự đầu tư cho công tác giám định, phục chế thì những bất cập trong hoạt động nghệ thuật sẽ còn tiếp diễn. Xây dựng thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp không chỉ dừng lại ở việc mua bán mà ở đó, nghệ sĩ, người mua nghệ thuật, giám tuyển, đại diện nghệ thuật, chủ gallery... tương tác với nhau và tất cả đều được bảo vệ bằng luật pháp./.
Từ khóa: tranh giả, tranh chép, nạn tranh giả
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN