VOV.VN - Chiến tranh đã đi qua nhưng cuộc chiến trong lòng đất để khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ khác vẫn âm thầm diễn ra. Để rồi, 50 năm sau, những đồi trọc cháy khét vì thuốc súng, những mảnh đất “chết” vì ô nhiễm bom mìn đã hồi sinh với màu xanh hy vọng.
Vùng đất Hải Thái, huyện Gio Linh (nay là xã Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị) bạt ngàn rừng cao su xanh, rừng tràm tươi tốt.
Con đường nhựa thẳng tắp dẫn vào xã Cồn Tiên băng qua những cánh rừng cao su xanh tốt trải dài làm dịu đi cái nắng lửa Quảng Trị và những cơn gió Lào mùa hè. Để có màu xanh hôm nay, mỗi nhát cuốc khai hoang của người dân trên vùng đất đầy rẫy đạn bom này có thể đổi bằng máu. Vùng đất này từng được nhắc đến với những cái tên đầy ám ảnh như xóm tử thần, xóa góa bụa bởi là điểm nóng nhất về bom mìn sót lại sau chiến tranh.
Con đường thẳng tắp chạy giữa rừng cao su dẫn vào các thôn của xã Hải Thái, nay là xã Cồn Tiên
Ông Nguyễn Diễn, 67 tuổi, ở thôn 6, xã Hải Thái, huyện Gio Linh, nay là xã Cồn Tiên từng 2 lần suýt chết vì tai nạn bom mìn.
Năm 1977, ông Diễn là 1 trong những thanh niên xung phong lên vùng đất Hải Thái làm nhiệm vụ tìm kiếm bom mìn sót lại sau chiến tranh để làm sạch đất. Ông kể về lần đầu đối mặt với “tử thần”. Buổi chiều hôm đó, ông Diễn cùng nhiều thanh niên trong xã đang làm nhiệm vụ dò tìm, rà phá bom mìn theo kế hoạch tại căn cứ Cồn Tiên. Như một thói quen, ông cắm chiếc xẻng công binh, que sắt dò tìm ngập xuống đất chỉ chưa đầy hai tấc. Một tiếng “cạch”, bên dưới là quả mìn M14 chỉ bé bằng chiếc nắp bi đông bộ đội vang lên tiếng nổ khô khốc. Ông Diễn xòe bàn tay phải đã co rút lại vì mất nhiều mảnh xương, mắt trái mờ đục đã mất hoàn toàn thị lực sau vụ nổ hôm đó. Trong 1 lần đi canh tác nông nghiệp, ông Diễn lại dẫm phải mìn, mất đi chân phải.
Ông Nguyễn Diễn, người may mắn sống sót sau 2 lần bị tai nạn bom mìn bị mất 1 chân, tay bị thương và 1 mắt bị mù
Hai lần dính mìn mà vẫn sống sót, ông Diễn là một nạn nhân may mắn tới khó tin tại Hải Thái. Ông kể:
“Lúc đó lên vùng đất này toàn rừng và tranh nứa, chúng tôi đi khai hoang nhưng đầy rẫy bom đạn, chỗ nào cũng có. Cả làng này lúc đó sau khi làm mùa màng xong thì họ bắt đầu đi rà tìm phế liệu chiến tranh để có tiền mua mắm muối. Sau này có các chương trình của dự án MAG và Renew rà phá bom mìn thì đất mới sạch được. Lúc đó cũng khó khăn lắm, công việc làm ăn cũng không ổn định. Tôi lên đây năm 1977 thì bị thương do mìn và đến năm 1982 thì bị dẫm mìn cụt chân nên không có sức lao động”.
Xã Hải Thái (nay là xã Cồn Tiên) bạt ngàn màu xanh của rừng cao su, rừng keo tràm
Ông Phan Tấn Hoàng ở thôn 2, xã Hải Thái, huyện Gio Linh (nay là xã Cồn Tiên) từng có hàng chục năm làm nghề tìm kiếm, thu mua phế liệu. Nay đã “giải nghệ” nhưng luôn ám ảnh về ký ức những ngày tháng xách máy rà đi theo cha tìm kiếm phế liệu, tháo gỡ bom mìn để lấy kim loại, thuốc nổ. Giọng ông Hoàng run run, ngày đó cũng rất sợ nhưng phải liều vì không đi làm nghề đó thì lấy gì nuôi mấy miệng ăn. Hễ hôm nào nghe thấy tiếng bom, đạn nổ là y rằng hôm sau trong làng sẽ có đám ma. Một tiếng bom nổ không chỉ là 1 mạng người ra đi, nhiều khi có đến 4, 5 người thiệt mạng cùng một lúc.
Ông Phan Tấn Hoàng sưu tầm những kỷ vật chiến tranh
Ngày nay, gia đình ông Phan Tấn Hoàng đã có điều kiện hơn, cuộc sống khấm khá với hàng chục héc ta rừng trồng tràm, rừng cao su. Cũng từ đây, ông bắt đầu sưu tầm những kỷ vật chiến tranh. Ngôi nhà của ông cất giữ bộ sưu tập hơn 1.000 hiện vật chiến tranh, trong đó chủ yếu là vỏ bom, mìn... Ông lưu giữ chúng như một ký ức khôn nguôi về quá khứ.
Ông Phan Tấn Hoàng tâm sự, mỗi trái bom, mảnh mìn đều chứa đựng ký ức đau thương một thời của dân Quảng Trị nói chung và người Hải Thái nói riêng, ông muốn lưu giữ và trưng bày tất cả để mọi người, đặc biệt là các thế hệ sau hiểu hơn về nỗi đau mà thế hệ trước đã trải qua. “Mảnh đất này gánh chịu bom đạn quá nhiều rồi, những điều đó trở thành sự ám ảnh. Thực ra mà nói, đến bây giờ, thế hệ chúng tôi còn tồn tại trên mảnh đất này là điều quá quý giá rồi. Hiện nay, kinh tế cũng đỡ hơn, bà con cũng có rừng, nhà ít thì có vài ba héc ta, người nhiều vài chục héc ta rừng”.
Những ngôi nhà mới mọc lên trên mảnh đất từng ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn
Xã Hải Thái thuộc huyện Gio Linh trước đây nhưng lại toàn dân từ Hải Lăng lên lập nghiệp. Họ mang theo chữ “Hải” của quê nhà ghép cùng chữ “Thái” như một khát vọng bình an, song để có ngày hôm nay, quá nhiều máu người dân đã đổ xuống. Những mạng người ngày ấy và cuộc hồi sinh nhọc nhằn để có những ngày thái hòa hôm nay thật quá dài.
Những hàng cao su thẳng tắp mọc lên trên mảnh đất đã từng dày đặc bom mìn sót lại sau chiến tranh
Ngày đó, vài ba cân sắt vụn có thể đắp đổi cho những bữa cơm đạm bạc, một vài cân thuốc nổ sau khi tháo từ bom mìn bán kiếm tiền có thể mua cho con bộ quần áo mới. Người dân nhiều thôn ở Hải Thái lúc đó làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh, cưa bom lấy thuốc nổ và lấy kim loại quý. Hàng loạt cái chết thương tâm cũng bắt nguồn từ đây. Những ngôi nhà trong thôn cứ dần mất đi trụ cột là người đàn ông, để lại cảnh mẹ góa con côi. Người dân xã Hải Thái lúc bấy giờ chủ yếu là những người từ nơi khác chuyển về sinh sống sau ngày đất nước thống nhất. Họ đều giống nhau ở chỗ không nghề nghiệp, không ruộng vườn để cày cấy mưu sinh. Đó cũng chính là lý do khiến họ phải “đánh cược” mạng sống của mình để kiếm cơm bằng nghề rà phá bom mìn.
Ông Nguyễn Thái Hoàng bị mất 1 chân do dẫm phải mìn trong lúc rà phá bom mìn để làm sạch đất
Ngày đó, ông Nguyễn Thái Hoàng ở thôn 6 xã Hải Thái, nay là xã Cồn Tiên đi dò tìm bom mìn để làm sạch đất, giúp bà con khai hoang trồng trọt. Ông cũng dẫm phải mìn, mất đi chân trái. Bây giờ đến Hải Thái, màu xanh của rừng trồng, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả trong vườn nhà, vườn đồi đã bao phủ đất đồi cằn cỗi. Nhiều mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, mô hình trồng cây ăn quả áp dụng công nghệ hiện đại lấp đầy những ngọn đồi trọc, hoang hóa năm xưa. Ông Nguyễn Thái Hoàng tâm sự: “Lúc đó lên đây là đồi hoang, cây dại tranh tre, cảnh hoang sơ, bom mìn thì nhiều, lúc đó phải nói là dày đặc. So với bây giờ thì đất nước đã phát triển, gia đình cũng khá hơn, xã nhà cũng phát triển, đời sống được nâng cao. Hải Thái hôm nay giàu lên cũng nhờ 1 phần là người dân cần cù, nhờ có thế hệ đi trước làm tiền đề, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích sản xuất để rồi có được thành quả hôm nay”.
Đội nữ rà phá bom mìn của dự án Renew/NPA dò tìm, rà phá bom, mìn để làm sạch đất
Hơn 50 năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, người dân Quảng Trị vẫn đối mặt với một cuộc chiến khác là khắc phục được hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Để không còn tiếng bom, để những mảnh đất trở nên sạch, có những con người đã và đang lặng thầm cống hiến cho quê hương bằng chính mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của mình. Máu đỏ đổ xuống để màu xanh trở lại.
VOV.VN - Xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ giúp bà con có mái ấm vững chắc mà còn xây dựng niềm tin của đồng bào với Đảng, nhà nước luôn chăm lo đời sống nhân dân, phụng sự vì nhân dân.
Từ khóa: xanh, Rừng xanh,rừng,Quảng Trị,bom mìn,tai nạn bom mìn,tử thần,rừng cao su,Hải Thái,vật liệu nổ,rà phá bom mìn,chiến tranh,hòa bình,Cồn Tiên