Xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán Việt trong tuần tới

Cập nhật: 25/04/2021

VOV.VN - Theo các chuyên gia, trong tuần giao dịch tiếp theo, xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán Việt. Do đó, nhà đầu tư nên giữ vị thế cân bằng và hạn chế mở vị thế mua đuổi giá cao nhằm tránh rủi ro bất ngờ từ thị trường.

Đà tăng của chỉ số phụ thuộc chủ yếu vào nhóm cổ phiếu trụ

Thị trường tiếp tục trải qua một tuần giao dịch cực kỳ biến động với những phiên giao dịch trong biên độ lớn. Đóng cửa tuần giao dịch từ ngày 19/4 đến ngày 23/4, VN-Index tăng 9,82 điểm (+0,79%) lên mốc 1.248,53 điểm với thanh khoản đạt 83.494 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số HN-Index giảm 9,48 điểm (-3,23%) xuống mức 283,63 điểm với thanh khoản đạt 11.981 tỷ đồng.

Dù VN-Index kết tuần tăng điểm, xong sắc đỏ lại bao trùm lên phần lớn các nhóm ngành. Chỉ có 5/18 nhóm ngành tuần này đóng cửa trong sắc xanh.

Đứng đầu là ngành Bán lẻ (+5,84%) với các mã tiêu biểu như: VPG (+24,90%), T12 (+21,51%), ABS (+18,24%) và MWG (+10,07%). Tiếp theo là ngành Truyền thông (+2,89%) nhờ sự hồi phục tích cực của YEG (+13,64%). Mức tăng mạnh thứ ba trong tuần qua là ngành Công nghệ thông tin (2,89%) dưới sự dẫn dắt của FPT (+4,14%) và ST8 (+2,56%).

Xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài giảm dần qua từng phiên giao dịch. Trong phiên cuối tuần, họ thậm chí còn quay ngược mua ròng 344,56 tỷ trên cả 2 sàn. Lũy kế cả tuần, khối ngoại mua bán ròng 1.085,27 tỷ, trong đó tập trung nhiều nhất ở các mã...

Theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (VNCSI), phiên hồi phục ấn tượng vào cuối tuần đã đem lại hi vọng cho nhà đầu tư dù chưa đủ giúp thị trường lấy lại trạng thái cân bằng trước phiên giảm điểm ngày 22/4.

“Chúng tôi cho rằng đà tăng của chỉ số vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào nhóm cổ phiếu trụ. Nếu ròng tiền trong tuần tới không luân chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, kịch bản một phiên giảm điểm mạnh như ngày 22/4 là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc thị trường đã chấm dứt sự điều chỉnh, hay phiên cuối tuần chỉ là một cú hồi về mặt kỹ thuật là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ”, chuyên gia của VNCSI nhận định.

Chuyên gia của VNCSI cho rằng, các dấu hiệu xấu và rủi ro ở thời điểm hiện tại là vẫn còn và chưa hoàn toàn chấm dứt. Giai đoạn hiện tại có thể nói là một giai đoạn không phải dễ dàng kiếm lợi nhuận cho nhà đầu tư. Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang chia làm hai thái cực, chỉ báo MACD và Stochastic cho tín hiệu tiêu cực trong khi RSI và MA20 vẫn đang là tích cực.

“Chúng tôi đang nghiên về kịch bản thị trường sẽ quay lại kiểm định mốc hỗ trợ tâm lý 1.200 trong tuần tới. Ngược lại ở kịch bản tích cực, VN-Index một lần nữa phải chinh phục được mốc 1.260 trước khi tiến đến các mốc cao hơn. Nhà đầu tư nên tạm thời ngưng mở các vị thế mua mới, quan sát và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo của thị trường”, chuyên gia VNCSI nêu ý kiến.

Áp lực điều chỉnh vẫn hiện hữu

Còn theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), khối lượng giao dịch suy giảm xuống dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền có phần thận trọng. Không những vậy, chỉ số vẫn chịu sức ép từ MA5 cùng với MACD cắt xuống Signal cho thấy áp lực điều chỉnh vẫn hiện hữu.

“Trong trường hợp, chỉ số không sớm lấy lại được mức đóng cửa trên MA5 thì chỉ số có thể sẽ đối diện với một đợt chốt lời mới. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đóng cửa trên MA20, cùng với +DI nằm trên –DI, cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn vẫn còn. Do đó, áp lực điều chỉnh hiện tại mới dừng ở nhịp rung lắc kỹ thuật cho tới khi ngưỡng hỗ trợ quanh MA20 bị phá vỡ thì xu hướng tăng mới bị thay đổi”, PHS phân tích.

Đối với sàn Hà Nội, HNX Index có diễn biến tiêu cực hơn. Chỉ số có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp và nằm dưới MA20, cho thấy áp lực giảm ngắn hạn đang tăng lên, chỉ số có thể chịu sức ép về vùng đỉnh cũ quanh 280 điểm.

“Thị trường có thể vẫn chưa thực sự rũ bỏ hết áp lực điều chỉnh. Do đó, nhà đầu tư nên giữ vị thế cân bằng và hạn chế mở vị thế mua đuổi giá cao nhằm tránh rủi ro bất ngờ từ thị trường”, chuyên gia của PHS nêu quan điểm.

Xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế

Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, do thị trường đóng cửa dưới ngưỡng 1.250 điểm trong tuần này nên có khả năng thị trường nới rộng sóng tăng 5 được đánh giá thấp hơn khả năng bước sang sóng điều chỉnh 4. Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo, thị trường có thể bước vào sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5) và thời gian dự kiến hoàn thành là vào tháng 5/2021. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.230 điểm (MA20) sẽ là ngưỡng để các nhà đầu tư kỳ vọng sóng tăng 5 tiếp tục trailing stop trong giai đoạn này.

“Trong tuần giao dịch tiếp theo, xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế. Nhà đầu tư trung hạn mua vào trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời nên đứng ngoài quan sát thị trường, chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại. Những nhà đầu tư vẫn còn nắm giữ cổ phiếu và kỳ vọng sóng tăng 5 có thể tiếp tục trong thời gian tới có thể áp dụng chiến lược trailing stop theo đường trung bình 20 ngày hiện quanh ngưỡng 1.230 điểm, nếu đóng cửa dưới ngưỡng này thì nên bán ra”, chuyên gia của SHS khuyến cáo.

Theo ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index có phiên hồi phục tăng điểm trở lại sau phiên sụt giảm mạnh trước đó. Độ rộng thị trường khá tích cực tuy nhiên thanh khoản lại sụt giảm mạnh. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng và lo ngại đối với xu hướng thị trường ở thời điểm hiện tại. Với việc giữ được vùng hỗ trợ quanh 1.225 điểm trong phiên 23/4 có thể giúp cho tương quan cung cầu ở nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường trở lại trạng thái cân bằng hơn trong những phiên đầu tuần tới.

“Trên đồ thị tuần, mẫu hình nến dạng “Doji” được hình thành cho thấy tầm quan trọng của diễn biến thị trường trong tuần kế tiếp. Chỉ số nhiều khả năng sẽ có dao động trong vùng 1.217-1.285 điểm. Nếu xuyên thủng vùng hỗ trợ quanh 1.217 điểm, thị trường sẽ bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn với vùng hỗ trợ gần nằm tại 1.185-1.200 điểm”, ông Trần Xuân Bách cho biết.

Chuyên gia của BVSC dự báo, tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 1.217-1.225 điểm. Nếu để mất vùng hỗ trợ này, chỉ số có thể bước vào nhịp giảm điểm về các vùng hỗ trợ sâu hơn trong ngắn hạn. Với đà tăng điểm của phiên 23/4, thị trường có thể tiếp tục hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.255-1.268 điểm trong những phiên đầu tuần tới. Tuy nhiên, chỉ số nhiều khả năng sẽ quay đầu giảm điểm trở lại khi tiếp cận vùng cản này.

“Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 20-35% cổ phiếu. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung hạn. Các nhà đầu tư tiếp tục tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế tiền mặt lớn, có thể xem xét mở vị thế mua trading với các vị thế có sẵn nếu thị trường kiểm định lại vùng 1.200-1.220 điểm trong tuần tới”, ông Trần Xuân Bách khuyến nghị./.

Từ khóa: chứng khoán, nhận định chứng khoán, đầu tư chứng khoán, VN-INdex, thị trường chứng khoán

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập