Xu hướng đưa nghệ thuật dân tộc vào MV nhạc trẻ Việt
Cập nhật: 13/06/2020
Cao Bang on Lonely Planet list of best places to visit in Southeast Asia
Snake-shaped figurines created for Lunar New Year celebration
VOV.VN - Giới Vpop trẻ lựa chọn những chất liệu dân gian, văn học, lịch sử để đưa vào MV của mình.
Ba năm trở lại đây, giới Vpop trẻ lựa chọn những chất liệu dân gian, văn học, lịch sử để đưa vào MV của mình, và gây được sức hút, thậm chí tạo thành một trào lưu trong giới trẻ. Có thể xem đây là tín hiệu tích cực, giúp âm nhạc Việt Nam giữ gìn bản sắc và khẳng định được tầm quan trọng của những nét đẹp văn hóa dân tộc, đặc biệt với giới trẻ.
Thời gian gần đây, âm nhạc trẻ Việt Nam có sự đổi chiều đáng chú ý. Nhiều MV lấy cảm hứng từ chất liệu lịch sử, văn học, nghệ thuật dân gian truyền thống, và thổi vào đó hơi thở đương đại, tạo sự sáng tạo mới mẻ được công chúng, nhất là giới trẻ thích thú đón nhận, cổ vũ. Đây chính là tín hiệu tích cực, nếu biết cách để tạo những đột phá cho âm nhạc Việt vừa dân tộc vừa hiện đại, mang bản sắc Việt mà vẫn có thể hòa nhập cùng âm nhạc thế giới.
Gần nhất, các fan âm nhạc Việt đón nhận MV “Mời anh về Tây Bắc” của Sèn Hoàng Mỹ Lam, ca sĩ người dân tộc Nùng, đoạt quán quân giải Sao Mai 2017 phong cách dân gian. Với 8 ca khúc mới do những nhạc sĩ trẻ khai thác âm hưởng dân gian miền núi, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Bắc, MV đã được đón nhận và nhanh chóng lan tỏa rộng rãi.
Ca sĩ người dân tộc NùngSèn Hoàng Mỹ Lam |
Hơn một năm sau MV “Anh ơi ở lại” lấy cảm hứng từ truyện cổ tích “Tấm Cám” tạo hiệu ứng tích cực, tối 3/6 Chi Pu ra mắt MV mang tên "Cung đàn vỡ đôi", do tác giả trẻ Kiên chắp bút với giai điệu ballad kết hợp khéo léo chất liệu cải lương và đờn ca tài tử Nam bộ, kết hợp nhiều loại nhạc cụ dân tộc, chuyển tải những thông điệp ý nghĩa cuộc sống trong kịch bản thông qua câu chuyện hư cấu tình tay ba ở miền Tây Nam bộ thời trước.
Chi Pu ra mắt MV mang tên "Cung đàn vỡ đôi". |
Chỉ sau một ngày ra mắt, MV đã đạt hơn 1,6 triệu lượt xem, nằm vị trí thứ 4 trong top thịnh hành của YouTube Việt Nam, và nhanh chóng đạt Top 1 trending Youtube cùng nhiều thành tích như: #20 Trending trên toàn cầu, #34 Trending Hàn Quốc, #2 iTunes Vietnam Songs, Top 2 search trên app NhacCuaTui và Top 3 search trên web NhacCuaTui.
Tương tự, trước đó, MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy ra mắt hồi tháng 5/2020, khai thác câu chuyện lịch sử về mối tình giữa Nam Phương Hoàng hậu với nhà vua Bảo Đại của Triều Nguyễn, đã được khán giả trẻ đón nhận nhiệt tình. Từ khi hé lộ teaser, MV đã thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là tạo hình cổ trang xuất sắc của Hòa Minzy dưới sự hỗ trợ của Ỷ Vân Hiên, một công ty sản xuất cổ trang tại Việt Nam.
MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của ca sĩ Hòa Minzy |
MV được ngợi khen vì đầu tư, nghiên cứu lịch sử kỹ lưỡng làm nổi bật vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, hiện đã đạt hơn 24 triệu lượt xem, từng đứng đầu tốp thịnh hành của YouTube Việt Nam. Đặc biệt, một sự hiếm có, MV đã được lãnh đạo TP Huế khen ngợi, như một cách quảng bá hình ảnh cho di sản cố đô Huế.
MV “Kẻ cắp gặp bà già” của Hoàng Thùy Linh, được lấy cảm hứng từ các tranh dân gian như: Đám cưới chuột, Ngưu Lang - Chức Nữ, Thúy Kiều - Kim Trọng, Mẫu Thượng Ngàn… Chỉ sau chưa đầy 24 giờ ra mắt, đã có gần 2 triệu lượt view, leo thẳng lên vị trí thứ 8 của YouTube top Trending (tính tới 19h ngày 5/4).
Hoàng Thùy Linh |
Không kể MV thứ tư từ album “Hoàng” gồm 9 ca khúc, kể về cuộc đấu cờ giữa một hoàng hậu và nhà vua, ra mắt tháng 10/2019, nữ ca sĩ đã lồng ghép vào MV hình ảnh phóng tác các dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống… để đưa vào kịch bản MV. Sau MV “Bánh trôi nước”, “Duyên âm”, đặc biệt với “Để Mị nói cho mà nghe”, ca khúc mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, pha chút R&B, cùng nhạc rap, nhạc điện tử sôi động, cộng với phần MV khai thác các tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Lão Hạc”, “Tắt đèn”, “Số đỏ”… đã “chạm” được cảm xúc của khán, thính giả, “làm mưa, làm gió” hơn một năm qua với cả một “vũ trụ văn học”.
Với các sản phẩm này, Hoàng Thùy Linh lập kỷ lục khi thắng 4 hạng mục của giải âm nhạc “Cống hiến” 2019, “ẵm” 7/10 giải âm nhạc “Làn sóng xanh” 2019 và gây ấn tượng với người yêu nhạc quốc tế tại Lễ hội âm nhạc “Gió mùa”.
Ngoài ra, giới Vpop trẻ cũng theo xu hướng này và gặt hái thành công, như Đức Phúc với MV “Hết thương cạn nhớ”, Thu Hằng với MV “Nhà em ở lưng đồi”, Bích Phương với ba MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Bắc, “Bùa yêu” nói về vẻ đẹp phụ nữ Việt và cuối cùng là “Chị ngã em nâng” - câu thành ngữ của Việt Nam, là nét đẹp văn hóa trong gia đình mà ai cũng được nhắc nhở giáo dục.…
Sau những thành công theo phong cách phả hồn dân gian, tạo cuộc giao duyên giữa văn học dân gian - nghệ thật dân gian - Vpop trong làn sóng tìm về chất liệu truyền thống, câu chuyện lịch sử, các nhân vật văn học kinh điển trong văn chương Việt, ca dao, tục ngữ, lời ru, của Vpop thời gian qua cho thấy các chất liệu này là kho “trầm tích” vô cùng quý giá, vừa tạo nên bản sắc của nhạc Việt, vừa dễ được công chúng, và được các fan trẻ đón nhận.
Điểm chung của các ca khúc theo xu hướng mang nghệ thuật dân tộc truyền thống đều tiếp cận được đông đảo khán giả thuộc giới trẻ, bởi không đơn thuần đưa nguyên chất liệu truyền thống, lịch sử vào tác phẩm, mà thổi vào đó không khí cùng những trend đương đại, một sự kết hợp khéo léo giữa dân tộc và hiện đại. Đây cũng là cách thể hiện tình yêu dân tộc của những người làm nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, và là một kênh truyền bá văn hóa truyền thống, di sản văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ.
Để tạo nên một xu hướng tích cực và trở thành một “dòng”, một thể loại trong âm nhạc Việt đương đại, về phía các nghệ sĩ, nên tiếp tục có sự tìm tòi và sáng tạo để có những sản phẩm âm nhạc mang giá trị chân - thiện - mỹ, tạo được dấu ấn trong lòng khán giả, cần chuyên nghiệp hơn trong làm nghề, tìm hiểu và đầu tư công sức, kỹ năng biểu diễn, vốn sống, sự trải nghiệm để chuyển tải chất liệu văn hóa nghệ thuật dân gian, “vũ trụ văn học Việt” vào sản phẩm MV.
Với những MV của giới Vpop trẻ mang xu hướng khai thác nhiều chiều vốn quý của dân tộc, đột phá để vươn lên tầm cao mới, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, thu hút công chúng khán giả đến với âm nhạc thuần Việt, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mà còn giúp âm nhạc Việt Nam hòa nhập không hòa tan, đến được với khán, thính giả quốc tế./.
Từ khóa: Giới trẻ Việt, nghệ thuật dân tộc, Vpop
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN