Xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng

Cập nhật: 24/11/2021

VOV.VN - Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng Hệ giá trị của văn học, nghệ thuật nước nhà theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

“Chúng ta đang thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực với con người”. Đây là nhiệm vụ mà Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đặt ra khi xây dựng Hệ giá trị của văn học, nghệ thuật nước nhà theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VHNT TW về nội dung này.

PV: Hướng tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng Hệ giá trị của văn học, nghệ thuật nước nhà theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vậy hệ giá trị đó cần những yêu tố cơ bản nào?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Nếu nói về hệ giá trị một cách đầy đủ, có tính hệ thống, tính khái quát, thì bao gồm các tầng nấc như sau. Đầu tiên là Hệ giá trị quốc gia, thứ hai là Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, thứ ba là Hệ giá trị con người Việt Nam, thứ tư là Hệ giá trị gia đình Việt Nam và còn có thể chia nhỏ thêm. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) xác định Hệ giá trị văn hóa Việt Nam là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) nhấn mạnh Hệ giá trị văn hóa Việt Nam là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Trong hệ giá trị văn hóa nói chung, có hệ giá trị văn hóa nghệ thuật với tư cách là một lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa được xây dựng từ nền văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc ta. Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị văn học, nghệ thuật giúp mọi người trong xã hội nhận thức, định hướng, điều tiết, cải biến sự phát triển của văn hóa, văn nghệ và các chủ thể tham gia trong trình đó. Với hệ giá trị tốt đẹp chung nhất là chân, thiện, mỹ, văn học, nghệ thuật luôn làm tròn chức năng điều tiết, tác động, hỗ trợ đối với sự vận hành của xã hội, nhất là việc xây dựng, bồi đắp nhân cách, tình cảm, lối sống và tâm hồn con người.

Trong mỗi thời kỳ, hệ giá trị văn hóa, văn nghệ có thêm những giá trị mới, những nội hàm mới. Nghị quyết số 23 NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã chỉ rõ:“Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam.

Văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người”. Khi nói đến văn học, nghệ thuật chúng ta thường nói đến các chức năng nhận thức, phản ánh, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí.... Yêu cầu lớn nhất của VHNT là phản ánh đời sống đất nước, nhân dân, con người. Qua phản ánh hiện thực, người nghệ sĩ bằng vốn sống, bằng tài năng và bút pháp xây dựng các hình tượng nghệ thuật có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Có những nhà văn viết về những thời kỳ nhà Lý, nhà Trần… chẳng hạn. Tác giả dựng lại bối cảnh lịch sự bằng hình tượng nhân vật và chi tiết lịch sử. Nhờ đó giúp người đọc hôm nay có thể hình dung được, cảm nhận được về hiện thực cách đây hàng trăm năm mà vẫn sinh động, tươi mới và có những giá trị lớn lao cho hôm nay. Khi có giặc giã, thiên tai, con người luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn, thử thách, bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Để xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật hôm nay, chúng ta có những giá trị đã kết tinh từ hàng trăn năm, thậm chí hàng ngàn năm. Đó là tính dân tộc, tính nhân văn sâu sắc và cả những giá trị của thời kỳ mới như tính khoa học, tính dân chủ, tính hiện đại.

Từ 2020, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TƯ đã tổ chức một hội thảo khoa học mang tầm quốc gia về xây dựng hệ giá trị văn học nghệ thuật VN thời kỳ mới. Hội thảo thu hút được trên 80 bản tham luận, có khoảng 200 đại biểu, đủ các lĩnh vực, địa bàn, loại hình. Năm 2021, Hội đồng chúng tôi cũng đã xây dựng bộ tài liệu tập huấn cho cán bộ văn hóa, văn nghệ ở các ban, bộ, ngành, địa phương trong cả nước, trước hết xác định hệ giá trị gồm những yếu tố nào, để xây dựng và thực hành hệ giá trị đó cần làm gì, từ cấp ủy đảng chính quyền, văn nghệ sĩ, cả người dân với tư cách sáng tạo ra lịch sử cũng tham gia vào hoạt động VHNT, mặc dù sáng tạo của người dân là mang tính đại chúng, còn văn nghệ sĩ đi vào hoạt động tinh tế

PV: Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng nhận xét: hiện chúng ta còn thiếu những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực với con người, ông có bình luận gì về nhận xét này?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đây là nhận xét đúng và nghiêm khắc nhưng tôi nghĩ thế này: thực ra thì dường như đề tài chiến tranh cách mạng, hay nói cụ thể hơn là thời kỳ mà chúng ta cầm súng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thì người nghệ sĩ phản ánh hiện thực máu lửa, hào hùng đó bằng chính ngọn lửa trong tim mình, ngọn lửa của tinh thần yêu nước, tất cả vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng, lợi ích, sự sống còn của cả dân tộc và mỗi con người đều gặp nhau, thống nhất với nhau.Tuy nhiên, khi bước vào thời kỳ hòa bình, mọi thành viên trong xã hội bị chi phối bởi những vấn đề trước đấy chưa có hoặc đang còn nhỏ bây giờ hình thành và lớn hơn.

Ví dụ như bước vào nền kinh tế thị trường, dù rằng chúng ta xác định là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng mà trong đó lợi ích của các nhóm người trong xã hội khác nhau, nó chi phối rất mạnh mẽ đến con người, đến từng người. Nếu như ở thời kỳ trước, là lý tưởng, khát vọng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”…thì sau naỳ người ta phải tính đến nhiều yếu tố mang tính đời thường, đến lợi ích thiết thân, như mong muốn “an cư, lạc nghiệp”, là mong muốn có một nếp nhà khang trang, môt chiếc xe máy hay xe hơi....

Xã hội ngày nay có phân cực lợi ích, khoảng cách giàu nghèo cũng lớn hơn, những bất công cũng rõ hơn. Những cái đó trước đây trong xã hội chưa có, hoặc nhỏ, hoặc được giấu đi, nay thì không dấu diếm. Thành ra, hiện thực đời sống xã hội có vẻ trần trụi hơn. Có những người sẵn sàng hy sinh, quên mình vì cái chung nhưng cũng có những người đề cao cái riêng, lợi ích của riêng mình. Điều đó tác động mạnh, sâu đến tất cả các tầng lớp trong xã hội, trong đó lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ - những người được cho là rất tinh tế, nhạy cảm hơn với đời sống. Trước đây chúng ta đã hình thành được một đội ngũ nhà văn lớn hùng hậu Tô Hoài, Nguyễn Tuân chuyên về đề tài Tây Bắc, Võ Huy Tâm chuyên viết về vùng mỏ, Nguyễn Minh Châu, Anh Đức, Nguyên Ngọc, Phan Tứ... chuyên về đề tài chiến tranh. Do đó, hôm nay, để phản ánh hiện thực thì phương pháp có lẽ cũng cần phải đổi mới.

Chúng ta có phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, trước năm 1945 là hiện thực phê phán. Bây giờ, các phương pháp đó có được sử dụng hay không ? Vẫn có đấy nhưng mà có những phương pháp mới, trường phái mới như hậu hiện đại, phân tâm học, liên văn bản, phê bình sinh thái, phương pháp liên ngành... Tức là nhiều phương pháp tác động đến người nghệ sĩ. Tóm lại để có được những tác phẩm mang tầm thời đại thì tôi nghĩ vẫn phải do tài năng, trí tuệ, trách nhiệm tâm huyết của người nghệ sĩ để tạo nên nhưng mà mặt khác, hiện thực đời sống cũng tác động không nhỏ đến chính người nghệ sỹ.

PV: Tinh thần dân tộc, tình yêu Tổ quốc có ý nghĩa như thế nào trong văn học nghệ thuật ngày hôm nay?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Một thực tế đang diễn ra là người nghệ sĩ bao giờ cũng sống với đất nước, dân tộc mình, nhân dân mình. Khi anh có suy nghĩ, hành động phù hợp với lợi ích chung, anh yêu đất nước thì đó là tình yêu tha thiết, cháy bỏng. Anh ghét cái xấu, cái ác thì cũng phải có thái độ rõ ràng, dứt khoát. Nhờ đó, tác phẩm của anh mới có được nhân vật, tình tiết, cảnh huống, hình tượng cuốn hút được công chúng. Ngược lại nếu anh chỉ viết những thứ nhờ nhờ như một số tác phẩm hiện nay, thiếu vắng những hình tượng nhân vật sống động, thì tác phẩm của anh khó có đời sống lâu dài.

Dường như bây giờ chúng ta chưa có được những nhân vật tầm cỡ, ấn tượng. Trong các tác phẩm trước đây, các nhà văn xây dựng được những nhân vật điển hình đúng nghĩa, chẳng hạn trong tác phẩm “Hòn đất” có nhân vật như chị Sứ đẹp người, đẹp nết, đáng khâm phục, thành nhân vật lý tưởng; còn thằng Xăm, mẫu hình của một loại tay sai, bán nước hết sức khốn nạn, đáng căm giận. Phải nói là bây giờ việc xây dựng được những mẫu nhân vật, những hình tượng như thế chưa nhiều, chưa ấn tượng. Tất nhiên, nói một cách công bằng thì chúng ta cũng có khá nhiều tác phẩm tốt chứ không phải ít lắm đâu. Chỉ có điều, đòi hỏi bây giờ cao hơn. Trước đây, chúng ta chỉ biết điện ảnh Việt Nam, rồi điện ảnh một số nước xã hội chủ nghĩa, nhưng bây giờ chúng ta tiếp cận rât nhiều nền điện ảnh lớn như của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... tức là những nền công nghiệp điện ảnh lớn trên thế giới với bút pháp mới mẻ, tân tiến, mạnh mẽ, dữ dội. Có những phim đến với thị trường hàng chục nước, doanh thu, lợi nuận hàng chục, hàng trăm triệu đô la. Đó là thách thức thực sự với văn hóa, văn nghệ của ta khi hội nhập với bên ngoài, phải nâng cao kiến thức, năng lực, tay nghề của mình lên.

PV: Văn học Nghệ thuật thì yêu cầu là phải có tính sáng tạo đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của công chúng nhưng mà vẫn phải lấy cái thị hiếu lành mạnh của số đông để sáng tạo chứ không chạy theo thị hiếu tầm thường,Và trong giai đoạn hiện nay khi mà chịu tác động của nhiều luồng văn hóa khác nhau thì theo ông người sáng tạo văn học nghệ thuật phải lưu ý điều gì?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đúng là sáng tạo của nghệ sĩ thì làm sao phải phục vụ cho số đông công chúng. Tôi nói là ngay vừa rồi có một số tác phẩm khi ra đời cũng có một số cơ quan quản lý nhắc nhở, trong dư luận xã hội cũng rộ lên những ý kiến khác nhau. Người thì tán thành người thì phản đối người thì cho rằng các cơ quan quản lý nhiều khi cũng cứng nhắc.

Tôi nghĩ thế này, người nghệ sĩ là phải đứng trên cái đúng, vì lợi ích số đông. Anh phản ánh đời sống thì đương nhiên là cả mặt tốt, mặt tích cực, mặt sáng; cũng có thể và có quyền phản ánh cái mặt tối, mặt tiêu cực, thậm chí phản ánh cả những con người, những số phận ở dưới đáy xã hội. Vấn đề là trong cái phản ánh đấy thì ngoài hiện thực, anh cần có lý tưởng thẩm mỹ, tức là xây dựng nhân vật dù ở trong hoàn cảnh có thể nói là bi đát, bi kịch thì vẫn có lối ra nhất định, vẫn phải le lói ánh sang hướng thiện, ánh sáng nhân văn. Nếu anh mô tả họ một cách thô thiển, tự nhiên chủ nghĩa thì điều đấy chắc là không mang lại giá trị gì cho cuộc sống và không thể có giá trị nhân văn. Nếu không làm được điều đó thì chắc là không đạt được các chức năng vốn có của văn học, nghệ thuật, kể cả chức năng giải trí.

Chúng ta có thể có những mặt còn góc khuất và những mặt tiêu cực yếu kém, nhưng rõ ràng là xu hướng đi lên của đời sống xã hội là rất rõ. Bây giờ phải nói xã hội phát triển hơn so với trước đây rất nhiều, thế thì anh phải nắm bắt được dòng chủ lưu. Còn nếu như anh đi kể cả các ngóc ngách mang tính cá biệt thì anh cũng phải làm sao mà không làm người ta nhìn vào cuộc sống thấy chán nản, người ta không còn một động lực để vươn lên thì lúc đó tôi nghĩ là tác phẩm văn học nghệ thuật đó cũng không đạt giá trị, những hệ giá trị yêu cầu đã và đang đặt ra.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.!.

Từ khóa: pgs ts nguyễn thế kỷ, hội nghị văn hóa toàn quốc, xây dựng văn hóa con người

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập