Xây dựng dự toán ngân sách 2021: Giảm quỹ lương, giảm chi cho bộ máy
Cập nhật: 13/07/2020
Ngân hàng UOB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7% năm 2025
Người trồng hoa ở "thủ phủ" hoa lay ơn của Quảng Ngãi lo mất Tết
VOV.VN - Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023.
Phấn đấu thu nội địa tăng 9-11% so với năm 2020
Đối với xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), dự thảo nêu rõ: Việc xây dựng dự toán thu năm 2021 phải bám sát dự báo khả năng phục hồi kinh tế và đón các dòng đầu tư mới (trong và ngoài nước); tính toán kỹ các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi cơ chế, chính sách và thay đổi bất thường do tác động của đại dịch Covid-19; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định thương mại EVFTA; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu...
Phấn đấu dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 (đã dự kiến các tác động chính sách thu theo các chủ trương hiện hành) bình quân chung cả nước tăng tối thiểu 9-11% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020 (các địa phương dự báo kinh tế phục hồi và tăng nhanh năng lực sản xuất kinh doanh, dịch chuyển cơ cấu kinh tế tích cực sẽ phấn đấu tăng thu NSNN ở mức cao hơn). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2020.
Xây dựng dự toán thu năm 2021 phải bám sát dự báo khả năng phục hồi kinh tế và đón các dòng đầu tư mới (Ảnh minh họa: KT) |
Trong việc xây dựng dự toán thu nội địa, Bộ Tài chính lưu tâm đến việc tiếp tục thực hiện phân cấp nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương như năm 2020. Trong đó, thực hiện điều tiết số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2020.
Xây dựng dự toán thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu phải xét đến các yếu tố tác động như dự kiến biến động giá trong nước và giá trên thị trường quốc tế của những mặt hàng có nguồn thu lớn; tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng tiền của các đối tác thương mại chiến lược; tác động giảm thu từ việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và thực thi cam kết trong năm 2021; mức độ thuận lợi hóa thương mại và ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật; quy mô, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trọng điểm có nhập khẩu nguyên vật liệu, trang thiết bị; kế hoạch sản xuất của các nhà máy lọc dầu trong nước...
Không bố trí vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân
Dự toán chi NSNN được xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, bám sát các chủ trương, định hướng, mục tiêu của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công, các Nghị quyết Hội nghị trung ương 6, 7 Khóa XII về sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đầu mối khu vực sự nghiệp công lập, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và các văn bản tổ chức triển khai, thực hiện.
Về xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển: Dự thảo Thông tư quy định xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách sẽ tiếp tục bố trí dự toán năm 2021 để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước còn lại đến hết năm 2020 (nếu có), bố trí vốn cho các dự án đã hoàn thành, quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được phân bổ đủ vốn theo giá trị quyết toán được duyệt; bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ quy hoạch theo quy định và các dự án đầu tư chuyển tiếp cần tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021-2025 (nếu có); không bố trí kế hoạch, vốn cho các dự án không có khả năng giải ngân.
Ngoài ra, thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước về tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hàng năm của ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Trung ương.
Về xây dựng dự toán chi thường xuyên: Thực hiện giảm quỹ lương, chi bộ máy năm 2021 gắn với giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2021 theo quyết định của cấp thẩm quyền hoặc theo Đề án tinh giản biên chế được duyệt (nếu có); giảm số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Trường hợp chưa có quyết định của cấp thẩm quyền hoặc Đề án được duyệt, thì tính giảm bình quân 2,5% so với biên chế hưởng lương từ ngân sách năm 2020.
Cùng với đó, giảm chi hỗ trợ từ ngân sách tối thiểu 2,5% gắn với mức giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách và giảm thêm tối thiểu 5% - 10% so với dự toán năm 2020./.
Từ khóa: ngân sách nhà nước, dự toán ngân sách 2021, chi thường xuyên, giảm quỹ lương, tinh giản biên chế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN