Xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Sáng nay (25/10), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội, kết nối với 63 điểm cầu tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu tại hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2013, cả nước có hơn 41 nghìn 300 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, với tổng số hơn 553 nghìn phòng học. Trong đó, chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non với tỷ lệ rất thấp chỉ đạt 47,7%, trong khi ở cấp học tiểu học và trung học cơ sở tỷ lệ này lần lượt là 61,6% và 80,5%.

Tính đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể. Tổng số phòng học của cả nước tăng lên trên 628.500 phòng, trong đó 86,6% phòng học đã được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013. 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kết quả này thể hiện sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa. Việc xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương, cũng là điều kiện cần thiết để ngành Giáo dục tập trung nâng chất lượng giáo dục: "Chính sách xã hội hóa giáo dục đã trở thành động lực to lớn, khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự tham gia đóng góp từ các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Trong giai đoạn 2013-2023, nhờ vào sự hỗ trợ từ xã hội hóa, cả nước đã xây dựng hơn 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên, với tổng kinh phí huy động đạt khoảng 33.000 tỷ đồng. Đó là sự quan tâm hết sức thiết thực của toàn xã hội đối với GD-ĐT".

Mặc dù vậy, các vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ kiên cố hóa thấp hơn bình quân của cả nước. Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn trên 10 nghìn 700 phòng.

Chia sẻ về kết quả triển khai xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, toàn tỉnh đã huy động được 35 dự án, với tổng kinh phí hơn 220 tỷ đồng, góp phần xây dựng được 337 phòng học và 5 nhà công vụ cho giáo viên. Với sự quan tâm đầu tư từ nguồn lực Nhà nước và xã hội hoá, trường lớp trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu huy động học sinh ra lớp:  "Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp đã từng bước được nâng lên mà đến nay đạt được 58%, số phòng công vụ của giáo viên là 847 phòng học, với tỷ lệ kiên cố hóa đáp ứng được khoảng 38,4%. Toàn tỉnh có 189/344 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 54,9% và tăng 32,5% so với năm 2013".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc cho tương lai của các thế hệ học sinh. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cùng các địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp huy động thêm các nguồn lực xã hội hoá, để hoàn thành mục tiêu kiên cố hoá toàn bộ hệ thống trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.

Từ khóa: giáo dục, xã hội hóa, xây dựng, cơ sở, vật chất, động lực, nâng cao, chất lượng, giáo dục

Thể loại: Xã hội

Tác giả: minh hường/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập