Vụ khu đất 8 -12 Lê Duẩn: Ai chuyển dịch từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân?

Cập nhật: 18/09/2020

VOV.VN - Khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1 có diện tích gần 5.000m2 thuộc sở hữu nhà nước do Công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM quản lý.

Sáng nay (18/9), tại phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm, liên quan đến sai phạm chuyển dịch sở hữu khu nhà đất 8 -12 Lê Duẩn, từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch - bào chữa cho bị cáo Lê Thị Thanh Thúy – Chủ tịch HĐQT Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Lavenue nhận định không có căn cứ chứng minh bị cáo Thúy tác động đến sự chuyển dịch này. 

Khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1 có diện tích gần 5.000m2 thuộc sở hữu nhà nước do Công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM quản lý. Trước đây do 4 công ty thuộc Bộ Công thương: Công ty cổ phần Kim khí TPHCM; Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn; Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện TPHCM thuê sử dụng làm trụ sở. Năm 2007, UBND TPHCM chủ trương thu hồi "khu đất vàng" này để đấu thầu chọn nhà đầu tư uy tín, kinh nghiệm xây dựng khách sạn 5 sao theo Quyết định 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

4 công ty này thuộc đối tượng có thể được mua nhà công sản tại thời điểm Nhà nước xem xét bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức chỉ định theo quy định tại khoản 4 Điều 1, Quyết định số 140/2008 của Thủ tướng.

Theo cáo trạng, trên cơ sở chấp thuận của ông Nguyễn Thành Tài về đề xuất của Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác đầu tư 30% vốn của dự án, ngày 10/9/2010, Công ty CP Đầu tư Lavenue được thành lập với vốn điều lệ là 100 tỷ đồng do bị cáo Thúy làm Chủ tịch HĐQT. Ngoài công ty quản lý kinh doanh nhà TPHCM góp 20% vốn, các cổ đông của Lavenue gồm 4 doanh nghiệp nhà nước đang thuê khu đất 8-12 Lê Duẩn, góp 50% vốn. Trong đó, mỗi công ty góp 12,5%.

Thế nhưng, ngày 29/10/2010, 4 doanh nghiệp này đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Lavenue cho công ty Kido (nổi tiếng với thương hiệu Kinh đô) với giá 250 tỷ đồng. Điều đáng nói là trước đó 4 công ty này đã vay 50 tỷ đồng của công ty Kido để góp vốn thành lập công ty Lavenue, mặc dù đủ năng lực tài chính để góp vào. Như vậy, chỉ sau 1 tháng, mỗi công ty đã thu lợi 50 tỷ đồng sau khi trừ khoản vay.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, lời khai của ông Nguyễn Đình Hiển đại diện của 1 trong 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương tại bút lục 8672 và 8673 ghi: Trước khi công ty Lavenue được thành lập, 4 công ty đã đạt được sự thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn góp vào Lavenue cho công ty Kido. Ngoài ra, lời khai của ông Trần Kim Thành - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Kido, việc thương thảo trên bắt đầu từ tháng 3/2010 tại bút lục 8812.

Luật sư Trạch cho rằng, tại thời điểm đó, Công ty Lavenue vẫn chưa thành lập, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TPHCM lúc đó cũng chưa chấp thuận chủ trương giao đất cho công ty Hoa Tháng Năm của bị cáo Thúy để thực hiện dự án. Bị cáo Thúy cũng không hề quen biết gì với các lãnh đạo 4 công ty thuộc Bộ Công Thương và công ty Kido. Điều này thể hiện rõ việc toan tính, sắp đặt kế hoạch trước của 4 công ty này trong việc dịch chuyển sở hữu từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân đối với khu đất 8 – 12 Lê Duẩn.  

Chỉ cần bán quyền được tham gia vào các dự án tài sản công, sau hơn 1 tháng tính từ thời điểm góp cổ phần thành lập Lavenue, mỗi công ty thuộc Bộ Công Thương đã thu lợi 50 tỉ đồng. Vậy câu hỏi đặt ra là: Ai là người tác động, chuyển dịch khu đất 8 -12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1 từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tư nhân?/.

Từ khóa:

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập