Vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu: Anh, Mỹ “nóng mặt”
Cập nhật: 25/09/2019
Giao thông công cộng - người bạn đồng hành của người dân Moscow
Giáo hoàng cầu nguyện cho các nạn nhân vụ tai nạn máy bay ở Hàn Quốc
VOV.VN - Dù Iran đã đưa ra các lỗi sai phạm của chiếc tàu này, song dường như đây là hành động “trả đũa” đối với việc Anh từng bắt giữ 1 tàu chở dầu của Iran.
Ngày 19/7, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã dừng 2 chiếc tàu chở dầu của Anh tại eo biển Hormuz. Tuy nhiên, 1 chiếc tàu đã được thả sau đó, còn 1 chiếc tàu khác, mang tên Stena Impero đã bị lực lượng chức năng Iran tạm giữ, với cáo buộc đã vi phạm luật hàng hải quốc tế. Dù Iran đã đưa ra các lỗi sai phạm của chiếc tàu này, song dường như đây cũng là hành động “trả đũa” của nước Cộng hòa Hồi giáo đối với việc Anh từng bắt giữ 1 tàu chở dầu khác của Iran trước đó. Căng thẳng tại vùng Vịnh tiếp tục leo thang.
Tàu chở dầu mang cờ Anh bị Iran bắt giữ. Ảnh: Getty |
Truyền hình Nhà nước Hồi giáo Iran đưa tin: “Bộ phận truyền thông của Lực lượng Vệ binh Cách mạng thông báo, chiều 19/7, lực lượng này đã dừng một tàu chở dầu mang cờ Anh, có tên là Stena Impero tại eo biển Hormuz do không tuân theo các quy định hàng hải quốc tế. Chiếc tàu bị chặn lại theo yêu cầu của giới chức hàng hải Iran. Sau đó, chiếc tàu đã được kéo đi và bàn giao cho cơ quan hàng hải và Cảng Iran để kiểm tra pháp lý và điều tra thêm”.
Hãng thông tấn Iran (IRNA) dẫn lời giới chức quân sự Iran cho biết, tàu chở dầu của Anh đã rời tuyến hàng hải quốc tế để đi vào tuyến đường hàng hải “không được cho phép” tại eo biển Hormuz, đồng thời chiếc tàu đã tắt tín hiệu theo dõi và phớt lờ cảnh báo từ lực lượng chức năng Iran.
Theo Người đứng đầu các cảng biển và tổ chức hàng hải của tỉnh Hormozgan, Iran, chiếc tàu chở dầu của Anh bị bắt giữ còn có dấu hiệu mắc 1 số sai phạm khác, đang được điều tra chi tiết. Ngay lập tức, công ty chủ quản chiếc tàu này là Stena Bulk xác nhận, thủy thủ đoàn trên con tàu này là 23 người, mang quốc tịch Nga, Ấn Độ, Latvia và Philippines; không có ai mang quốc tịch Anh.
Sau đó, vào tối cùng ngày, một tàu chở dầu khác mang tên Mesdar, treo cờ Liberia, thuộc sở hữu của 1 công ty Anh khác - đang trên đường tới cảng Ras Tanura của Saudi Arabia, cũng đã đột ngột phải thay đổi hướng đi và tiến về phía lục địa Iran. Theo giới truyền thông Iran, chiếc tàu đã bị lực lượng chức năng Iran giữ lại trong một thời gian ngắn tạieo biển Horrmuz, để cảnh báo về việc tuân thủ các quy định an toàn và các vấn đề môi trường, trước khi cho phép nó tiếp tục hải trình.
Phản ứng trước vụ việc, chính phủ Anh đã lên kế hoạch họp khẩn để đánh giá tình hình. Trong khi, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố, việc bắt giữ tàu của phía Iran là hành động “không thể chấp nhận”; đồng thời cảnh báo Iran có thể sẽ phải gánh hậu quả nặng nề vì động thái mới này. Tuy nhiên, Anh sẽ ưu tiên tìm kiếm 1 giải pháp ngoại giao cho vấn đề, thay vì phải sử dụng tới quân sự.
“Chúng tôi không cân nhắc các lựa chọn quân sự. Chúng tôi đang xem xét một giải pháp ngoại giao để giải quyết tình hình. Tuy nhiên, chúng tôi rất rõ ràng rằng, vấn đề phải được giải quyết. Tự do hàng hải trong vùng Vịnh là vô cùng cần thiết. Nếu quyền tự do hàng hải đó bị hạn chế, Iran là kẻ thua cuộc lớn nhất. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề ngày phải càng sớm càng tốt. Và chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để làm điều đó. Tôi cũng cảnh báo, sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu chúng tôi không thể giải quyết vấn đề này một cách nhanh gọn”, ông Jeremy Hunt nói.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cũng đã ngay lập tức thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và cũng có kế hoạch nói chuyện rõ ràng với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngay khi có thể.
Tổng thống Mỹ Donald Trump – 1 đồng minh của Anh cũng đang có căng thẳng leo thang với Iran cũng đã ngay lập tức chỉ trích Iran về hành động bắt giữ tàu chở dầu của Anh. Theo ông, Mỹ sẽ trao đổi và làm việc với phía Anh về vấn đề này.
“Có thể là một, mà cũng có thể là hai con tàu đã bị bắt giữ. Chúng tôi sẽ thảo luận với Anh và sẽ hợp tác với họ. Như các bạn biết, chúng tôi có một liên minh rất chặt chẽ với Anh. Mỹ không có nhiều tàu chở dầu đi qua khu vực này, nhưng chúng tôi có rất nhiều tàu chiến ở đó. Chúng tôi sẽ nói chuyện với Anh. Chúng tôi có một thỏa thuận, dù không phải là văn bản. Họ từng là một đồng minh rất lớn của chúng tôi”, Tỏng thống Trump cho biết.
Giới quan sát cho rằng, ngoài các sai phạm của tàu chở dầu Anh được Iran nêu, việc bắt giữ còn là hành động “ăn miếng, trả miếng” của Iran trước việc Anh hồi đầu tháng 7 đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran tại Gibraltar. Đây là 1 bước leo thang căng thẳng tiếp theo tại vùng Vịnh khi Mỹ trước đó 1 ngày tuyên bố bắn hạ 1 máy bay không người lái của Iran tại Hormuz, bất chấp việc Iran đã bác bỏ thông tin về vụ việc khi cho rằng Mỹ đã bắn hạ máy bay của chính Mỹ, do nhầm lẫn./.
Từ khóa: Iran bắt giữ tàu chở dầu Anh, eo biển Hormuz, tàu chở dầu, IRGC,
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN