Vụ Công ty Đường Nông Cống nợ tiền mía: “Rất hiểu nỗi khổ của dân”
Cập nhật: 19/10/2019
Bến Tre đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng bệnh viện 1.000 giường
Quảng Nam siết chặt quản lý an toàn giao thông tại các bến khách ngang sông
VOV.VN -Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Nông Cống khẳng định “Rất hiểu nỗi khổ của dân nhưng buộc phải làm theo quy định”.
Như Đài TNVN đã phản ánh, nhiều năm qua, người dân xã Công Chính, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ (nay là Công ty TNHH hai thành viên ứng dụng Công nghệ cao Nông nghiệp và Thực phẩm sữa Yên Mỹ) theo hình thức hợp đồng giao khoán sử dụng đất để trồng mía. Ngày 25/6/2018, Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống ký 5 hợp đồng với 5 người chủ hợp đồng là đội trưởng các đội sản xuất đại diện cho các hộ dân trồng mía xã Công Chính về việc trồng và thu mua mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Nông Cống làm việc với phóng viên.
|
Theo hợp đồng, sau khi thu hoạch mía, gửi hồ sơ đề nghị thanh toán, từ 7-10 ngày, Công ty cổ phần mía đường Nông Cống phải thanh toán tiền cho người trồng mía. Thế nhưng, thay vì thanh toán tiền mía cho người dân theo hợp đồng, Công ty đã “cài” khoản nợ 2,2 tỷ đồng từ nhiều năm trước của Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ vào tiền mía người dân.
Trả lời phóng viên VOV về việc vì sao Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống “chây ì” trong việc trả tiền mía nguyên liệu cho người dân, ông Nguyễn Trọng Hải, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, rất hiểu nỗi khổ của người dân nhưng ở góc độ Công ty phải làm theo quy định. Quy định được ông Hải đưa ra là, số nợ 2,9 tỷ đồng tiền mua mía nguyên liệu vụ ép 2018-2019 là Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống nợ Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ chứ không nợ người trồng mía.
“Vụ mía 2018-2019, chúng tôi có nợ Công ty Yên Mỹ tiền mua mía 2,9 tỉ đồng nhưng công ty này cũng đang nợ chúng tôi 2,2 tỉ đồng. Sau khi đối trừ công nợ, chúng tôi có nợ Công ty Yên Mỹ 700 triệu đồng và bên đó cũng đã lấy một nửa, hiện chỉ còn nợ khoảng 300-400 triệu đồng”- ông Nguyễn Trọng Hải cho biết.
Biên bản xác định công nợ của Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống với 1 trong 5 chủ hợp đông trồng mía. |
Vấn đề đặt ra là, người dân cho rằng họ có đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng với Công ty mía đường Nông Cống về việc trồng và thu mua mía nguyên liệu. Và trong hợp đồng cũng thể hiện rõ, không liên quan đến Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ trong việc trồng và bán mía nguyên liệu, cũng như thanh toán tiền. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Hải vẫn khẳng định rằng, 5 người đứng ra ký hợp đồng là đại diện, được Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ ủy quyền ký, chứ không phải nhóm người dân?
Luật sư Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Công ty Luật Năm Châu cho rằng, theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Cổ phần mía đường Nông Cống ký với 5 đại diện người trồng mía thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi 2 bên, không liên quan đến Công ty TNHH một thành viên Yên Mỹ, vì vậy việc “cài” khoản nợ của Công ty Yên Mỹ cho người dân là không có căn cứ.
Hơp đồng ghi rõ trách nhiệm, nghĩa vụ 2 bên. |
“Bản chất vụ việc là người dân trực tiếp nhận khoán trồng, canh tác lấy công, bây giờ Công ty mua mía của người dân thì phải trả tiền cho người dân. Công ty Yên Mỹ đã giao khoán đất sản xuất cho các hộ thì không còn quyền khai thác và sử dụng đất đó. Người đại diện người dân có trách nhiệm ký hợp đồng với nhà máy đường với tư cách cá nhân chứ không phải pháp nhân. Từ trong hợp đồng thể hiện trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cá nhân các ông đại diện”- Luật sư Nguyễn Anh Đức cho biết.
Về việc Tổng Giám đốc Công ty mía đường Nông Cống cho rằng, họ ký hợp đồng với 5 người đại diện, được Công ty Yên Mỹ ủy quyền, luật sư Nguyễn Anh Đức cũng khẳng định, Công ty Yên Mỹ đã giao khoán sử dụng đất cho người dân thì không thể ủy quyền cho người dân ký hợp đồng mua bán hoa màu trên đất, mà việc ký hợp đồng là trách nhiệm, quyền lợi của người dân đã được giao khoán sử dụng đất./.
Từ khóa: quỵt tiền mía của dân, công ty cổ phần đường Nông Cống, thu mua mía
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN