VOV tổ chức hội thảo về phương pháp phục hồi sức khỏe toàn diện cho phóng viên
Cập nhật: 26/08/2020
Chiều 25/8, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia (58 Quán Sứ, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo "Năm phương pháp phục hồi sức khỏe toàn diện cho phóng viên".
Hội thảo do Ban Hợp tác Quốc tếphối hợp với Ban Thư ký ABU tổ chức với sự tham gia của diễn giả là Giáo sư Wali Mutazammil đồng tác giả cuốn sách “Nghệ thuật và khoa học của sự thành công", thuộc loạt sách bán chạy nhất trên Amazon. Ông cũng đã có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn về sức khỏe tâm thần.
Hội thảo còn có sự tương tác của một số khách mời cùng sự tham gia của đông đảo phóng viên/nhà báo của Đài TNVN và các Đài thành viên của ABU.
Toàn cảnh hội thảo trực tuyến về “Năm phương pháp phục hồi sức khỏe toàn diện cho phóng viên”. |
Tại hội thảo, diễn giả Wali Mutazammil đã chỉ ra 5 bước chính giúp các phóng viên/nhà báo biết cách tự phục hồi sức khỏe cho chính mình.
Thứ nhất là hy vọng (hope), sẽ giúp chúng ta chuẩn bị được tâm thế sẵn sàng cho những thử thách trong cuộc sống. Vì thế mỗi người phải luôn tâm niệm rằng chúng ta có khả năng làm được mọi thứ, biến những vấn đề gai góc trở nên nhẹ nhàng và kiểm soát tốt hơn.
Thứ 2 là trách nhiệm cá nhân (personal responsibility), tức là mỗi người phải luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm về các lựa chọn và hành động của mình. Điều đó có nghĩa là không đổ lỗi cho bất kỳ ai về kết quả của những hành động do chính mình tạo ra, đồng thời thừa nhận vai trò trong kết quả mà chúng ta mong muốn đạt được.
Thứ 3 là yếu tố giáo dục (education). Mỗi một phóng viên/nhà báo luôn sẵn sàng học mọi thứ có thể trong mọi hoàn cảnh và tình huống mà bản thân gặp phải. Tiếp cận với những người hiểu biết hơn để có được những góc nhìn khác nhau, biết lắng nghe và thích ứng khi cần thiết.
Thứ 4 là tự vận động (self - advocacy), tức là đưa ra các quan điểm chân thực và các thông điệp hấp dẫn về những mối quan tâm. Tự vận động cũng có nghĩa là viết và kể câu chuyện của chính chúng ta theo cách mà chúng ta muốn nó được đón nhận. Thể hiện sự tự tin và nhu cầu của bản thân một cách rõ ràng.
Thứ 5 là hỗ trợ (support). Có nghĩa là bạn sẵn sàng chia sẻ sự tổn thương của bản thân chúng ta bằng cách mở lòng với những người khác; tạo ra một không gian cho những người khác để chia sẻ sự tốt đẹp bằng lòng tốt và sự chân thành. Hỗ trợ cũng có nghĩa là bạn đừng chịu đựng một mình trong im lặng, bạn có giá trị riêng và xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp.
Bà Đặng Mai Phương, Phó Trưởng phòng tiếng Anh, Ban Đối ngoại (VOV5) là khách mời tham gia tương tác trong chương trình. |
Nhận xétvề hội thảo, bà Đặng Mai Phương, Phó Trưởng phòng tiếng Anh, Ban Đối ngoại (VOV5) cho rằng: “Hội thảo là một sự kiện bổ ích giúp các nhà báo thảo luận, nhìn lại những trải nghiệm của bản thân, nhất là về mặt tâm lý, khi phải trải qua những bất ổn hay phải đối mặt với những sự kiện khủng hoảng gây chấn thương tâm lý. Đây là những điều mà các nhà báo ít chú ý tới. Qua cuộc hội thảo mỗi phóng viên/nhà báo sẽ biết cách chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng đối diện và biết cách hồi phục sức khỏe tâm lý”.
Ông Nguyễn Quang Vinh, công tác tại Ban Âm nhạc (VOV3), cho biết: “Tôi thấy buổi thảo luận trực tuyến hôm nay rất thú vị, chủ yếu xoay quanh vấn đề trách nhiệm cá nhân và giáo dục. Giáo sư Wali Mutazammil đưa ra những nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần củacác nhà báo, trong đó có dịch bệnh Covid -19. Ông cũng đưa ra những giải pháp để tâm lý của mọi người được trở lại bình thường như hít thở sâu, đi bộ, uống nước, nói chuyện điện thoại, khiêu vũ… cũng như trách nhiệm của bản thân trong việc thiết lập mục tiêu, hành động và chấp nhận kết quả dù nó tốt hay xấu."
Ông Nguyễn Quang Vinh, công tác tại Ban Âm nhạc (VOV3) chia sẻ tại hội thảo trực tuyến. |
Hội thảo trực tuyến sẽ tiếp tục diễn ra vào chiều ngày 1/9với nội dung tự vận động và hỗ trợ./.
Nguyễn Hà
Từ khóa:
Thể loại: Tin hoạt động VOV
Tác giả:
Nguồn tin: R&D