Vở diễn Những giấc mơ lóng lánh: Có một Sài gòn ấm áp, bình yên

Cập nhật: 11/05/2022

(VOV5) -Vở kịch:Những giấc mơ lóng lánhkể về cuộc sống mưu sinh và tình người ấm áp của những cư dân ở sát bên một rạp hát đã bị đóng cửa tại Sài Gòn

Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức với bài toán làm thế nào để tồn tại. Lượng khán giả đến rạp càng lúc càng quá thưa vắng nên có sàn diễn phải thay đổi phương thức hoạt động để thích ứng, số khác buộc phải dừng lại vì không thể tiếp tục bù lỗ.

Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B nhờ sự chèo chống hết lòng của “bà bầu” - NSUT Mỹ Uyên, thời điểm này vẫn luôn nỗ lực duy trì dàn kịch mục đa dạng để chiều lòng người xem. Vở kịch Những giấc mơ lóng lánh của tác giả Tùng Phi, đạo diễn Thái Kim Tùng vừa được trình diễn trở lại, cũng là tác phẩm từng đánh dấu quãng đường 5B tiếp tục hoạt động sau một thời gian đóng cửa.

Vở diễn Những giấc mơ lóng lánh: Có một Sài gòn ấm áp, bình yên - ảnh 1Vở diễn Những giấc mơ lóng lánh phá vỡ quy tắc về sân khấu ba mặt - Ảnh: Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B

Vở kịch: Những giấc mơ lóng lánh kể về cuộc sống mưu sinh và tình người ấm áp của những cư dân ở sát bên một rạp hát đã bị đóng cửa tại Sài Gòn. Ở đây dù mỗi người có điểm xuất phát, lối sống và suy nghĩ khác nhau nhưng họ luôn đối đãi với nhau như những người thân trong một đại gia đình. Tình yêu thương, sự bảo bọc ấy như một tấm lá chắn, một hàng rào bảo hộ để loại bớt đi những mất mát, đau khổ mà họ phải nếm trải… Họ ước mơ cho rạp hát kế bên được hồi sinh để được chiêm ngưỡng, có thêm công ăn việc làm hay cũng chính là mong cho cái đẹp, sự tử tế luôn đứng vững trước lối sống hình thức, thực dụng đang vây bủa lớp trẻ từng ngày từng giờ.

Nhận được sự tin tưởng, kỳ vọng của NSUT Mỹ Uyên, biên kịch Tùng Phi cũng như toàn bộ các nghệ sỹ trong ê-kip, đạo diễn Thái Kim Tùng ngoài việc lên form cho một câu chuyện kịch đẹp và đậm chất đời thường anh còn muốn đưa những nhân vật, bối cảnh, tình tiết ấy đến gần nhất có thể với khán giả.

Có lẽ đó cũng là lí do mà lần đầu tiên tại sân khấu kịch 5B mọi quy tắc về sân khấu ba mặt, khoảng cách giữa khán đài và người xem bị phá vỡ: "Ở Những giấc mơ lóng lánh sân khấu không còn quy định là 1 mặt, 2 mặt hay là 3 mặt nữa. Ở đây sân khấu được bài trí như là phim trường, nghĩa là không còn khoảng cách giữa người xem và cảnh trí, diễn viên. Khán giả bước vào sẽ cảm nhận ngay được sự mới mẻ và thích thú bởi như bước vào không gian sống động của tình huống kịch. Tuy nhiên ở một điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn tôi muốn có hệ thống chiếu sáng hiện đại hơn nữa. hệ thống ghế ngồi có bánh xe và được điều khiển bằng máy móc…" - Đạo diễn Thái Kim Tùng nói.

Vở diễn Những giấc mơ lóng lánh: Có một Sài gòn ấm áp, bình yên - ảnh 2Khán giả hào hứng theo dõi vở diễn

Có lẽ thêm một điểm đáng chú ý trong vở diễn Những giấc mơ lóng lánh là mang đến được cho người xem hình ảnh gần gũi, nét đẹp mộc mạc trong tính cách của người Sài Gòn mà tiêu biểu như nhân vật ông Sáu Lý, cô Dạ Thu hay Nhã Ngọc. Họ tiêu biểu cho những lớp người được trưởng thành ở các giai đoạn khác nhau nhưng tựu chung đều mang tâm hồn thánh thiện, sự bao dung và đặt hết tin yêu vào công việc của mình.

Nếu như ông Sáu được coi là một biểu tưởng gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, ông như một nhân chứng, một người cha, một vị trưởng lão của lối xóm dung dị, hóm hỉnh và đầy yêu thương thì cô Dạ Thu tiêu biểu cho một lớp nghệ sỹ vàng mười của Sài Gòn một thời với sự trọn vẹn của tài năng và đức hạnh.

Lớp trẻ như Nhã Ngọc và các thanh niên trong xóm nhìn vào ông Sáu, chiêm nghiệm lối sống và nhân cách của cô Dạ Thu để gìn giữ, nâng niu cách sống của con người ở thành phố này, dù họ có sinh ra và lớn lên ở đây hay đến từ vùng quê nào đi nữa, như chia sẻ của nghệ sĩ Nguyễn Thành Chánh Trực về nhân vật ông Sáu Lý: "Ông Sáu như một lát cắt về sự hoài niệm của vẻ đẹp xưa cũ. Bằng việc gia đình ông đã mấy đời sống ở đây, ông được hấp thụ và chứng kiến bao thăng trầm của thành phố này. Vì vậy ông cũng chính là người quan sát và thấu hiểu tất cả, làm phát lộ nét đẹp hoài cổ mà đôi khi cái bụi mờ của thời gian vô tình che lấp đi…

Vở diễn Những giấc mơ lóng lánh: Có một Sài gòn ấm áp, bình yên - ảnh 3Ảnh: Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B

Nghệ sỹ trẻ Thanh Thúy cũng có những tâm sự về vai diễn Nhã Ngọc cô sinh viên nhiệt huyết và kiên định với con đường nghệ thuật mà mình theo đuổi: "Em thấy áp lực của em trong vai diễn này chính là việc làm thế nào để em thể hiện được Nhã Ngọc là một cô gái trẻ yêu nghề diễn, muốn đi lên bằng nỗ lực chân chính. Và làm thế nào có thể thuyết phục được người bạn của mình từ bỏ những cám dỗ của tiền bạc, danh tiếng ảo… Thêm nữa là vì tuổi thực của em cũng chênh lệch khá nhiều với vai diễn nên em phải cố gắng làm sao cho phần diễn xuất của mình chân thật nhất có thể/"

Để một vở diễn vừa mang đậm chất Sài Gòn Những giấc mơ lóng lánh vừa tạo được cảm giác gần gũi thú vị cho khán giả ê-kip thực hiện đã phải dụng công rất nhiều trong lúc lên ý tưởng và dàn dựng.

Nhớ lại thời điểm vở diễn Những giấc mơ lóng lánh ra mắt khán giả thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 2018, NSUT Mỹ Uyên – GĐ Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B cho biết: "Lúc đó tôi muốn khẳng định sự trở lại của sân khấu 5B bằng một tác phẩm thể nghiệm theo đúng phong cách của sân khấu này trước nay. Tôi có nói với đạo diễn Thái Kim Tùng vì chúng tôi từng làm kịch thể nghiệm - kịch thơ hình thể Giấc mơ từ kịch bản của nhà thơ Nguyễn Đình Thi vào năm 2016 để đi thi sân khấu thể nghiệm cùng năm đó. Vậy là kịch bản Những giấc mơ lóng lánh được tôi lên ý tưởng và đặt hàng tác giả Tùng Phi viết rồi sau đó Thái Kim Tùng phát triển thêm các ý tứ trên nền kịch bản để dàn dựng. Và thực sự làm kịch thể nghiệm rất vất vả, riêng việc bài trí sân khấu, sắp xếp ghế ngồi đã mất 7, 8 tiếng đồng hồ rồi."

NSUT Hạnh Thúy thấy vui với niềm vui nho nhỏ của người diễn viên sau một suất diễn thành công trong lần trở lại của Những giấc mơ lóng lánh dịp này. Chị tâm sự sau khi đảm nhận vai Dạ Thu: "Với sự dẫn dắt của của NSUT Mỹ Uyên cùng các nghệ sỹ thương mến 5B, những giấc mơ lóng lánh đã có một suất diễn đông kín khán giả. Họ đồng cảm với vở diễn, thích thú với câu chuyện các diễn viên kể. Đó là hạnh phúc rất là lớn của bản thân tôi cũng như các nghệ sỹ. Tôi thấy vui khi mình là một phần của vở diễn. Tôi cảm ơn cách xử lý thông minh, trẻ trung của đạo diễn đã mang lại hiệu quả lớn…Tôi thật sự xúc động sau một thời gian dài nghỉ dịch nay mới được quay trở lại với sân khấu, có lúc diễn tôi cảm thấy như chính mình là Dạ Thu với nỗi khắc khoải, luôn hướng về thánh đường sân khấu…"

Tâm sự, niềm vui của NSUT Hạnh Thúy cũng chính là mong ước tâm tư của nhiều nghệ sỹ phía Nam hiện nay khi cơ hội được làm nghề của họ mỗi lúc một giảm dần. Sự đùm bọc, cố gắng của một vài sân khấu liệu rằng có đủ sức chống lại quy luật khắc nghiệt của sự cạnh tranh, của sự đào thải so với một số loại hình giải trí mang tính thị trường khác, khi mà việc bảo trợ, định hướng phát triển của nhà nước vẫn còn ở một bến bờ xa !

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, vở diễn Những giấc mơ lóng lánh, sân khấu 5B, NSUT Mỹ Uyên, NSUT Hạnh Thúy, Sài Gòn, đạo diễn Thái Kim Tùng, sân khấu kịch

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập