Virus SARS-CoV-2 có thể sống trong nước và lây nhiễm qua nước không?

Cập nhật: 05/05/2020

VOV.VN - Virus SARS-CoV-2 có thể sống trong nước bao lâu và liệu có khả năng lây nhiễm cho con người trong môi trường này hay không?

Dường như virus SARS-CoV-2 có thể sống trong nước một vài ngày, và thậm chí một vài tuần. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lượng virus này đủ lớn để khiến chúng ta mắc bệnh.

virus sars-cov-2 co the song trong nuoc va lay nhiem qua nuoc khong? hinh 1

Liệu có an toàn để đi bơi trong mùa dịch Covid-19? Ảnh: Getty

Những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 có thể sống trong môi trường ẩm ướt một thời gian. Một nghiên cứu trên tạp chí Water Research trong năm 2009 đã cho thấy 2 virus cùng họ với virus SARS là virus gây viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (Transmissible gastroenteritis virus -TGEV) và virus MHV có thể tồn tại tới vài ngày hoặc thậm chí hàng tuần trong nước. Đội ngũ nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina đã tiến hành nghiên cứu trên và kết luận rằng "việc virus corona vẫn có khả năng truyền nhiễm một thời gian dài trong nước và nước thải đã qua tiệt trùng cho thấy con người có nguy cơ tiếp xúc với virus nếu xuất hiện các giọt bắn có chứa virus từ nguồn nước bị nhiễm bẩn".

Trong một nghiên cứu công bố hôm 17/4 trên medRxiv, đội ngũ các nhà khoa học đã lấy mẫu nước thải trong một khu vực ở Paris, Pháp trong hơn 1 tháng. Họ phát hiện ra rằng mức độ tập trung virus SARS-CoV-2 có mối tương quan với số lượng các trường hợp mắc Covid-19 trong khu vực theo thời gian. Nói cách khác, khi số ca mắc Covid-19 tăng lên thì mức độ virus SARS-CoV-2 tập trung trong nước thải cũng tăng lên. Điều này cho thấy chúng ta cần tránh dẫm vào những vũng nước thải hoặc hít thở sâu gần các khu vực có nước thải.

Mặc dù nghiên cứu thứ hai chưa được các nhà khoa học khác xem xét, nhưng kết quả từ cả 2 nghiên cứu trên đã cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể sống 1 thời gian trong nước.

Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy chúng ta thực sự có thể mắc Covid-19 từ nước trong những hoàn cảnh mà chúng ta tiếp xúc với nước hàng ngày, chẳng hạn như qua uống, tắm hoặc bơi.

Trên thực tế, theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), virus SARS-CoV-2 chưa từng được phát hiện tồn tại trong nước uống. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cũng khẳng định, nguy cơ mắc Covid-19 qua nguồn nước là "thấp" và "người Mỹ có thể tiếp tục sử dụng nước uống từ vòi như bình thường".

Hơn nữa, một đặc tính quan trọng của nước là khả năng pha loãng. Thậm chí nếu bằng một cách nào đó, virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập vào nước uống, thì mức độ tập trung của chúng cũng không đủ cao để khiến bạn mắc bệnh.

Virus chỉ có một hàm lượng gây bệnh tối thiểu. Mặc dù hiện chưa rõ, hàm lượng gây bệnh tối thiểu của virus SARS-CoV-2 là bao nhiêu nhưng đặc tính pha loãng làm nước ít có nguy cơ khiến mức độ tập trung virus vượt ngưỡng này.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với nước trong hồ bơi và bồn tắm. CDC đã chỉ ra rằng "không có bằng chứng nào cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây lan giữa con người qua nước ở hồ bơi, bồn tắm, hoặc các khu vui chơi dưới nước". Ở những nơi này, nước không chỉ đã pha loãng hàm lượng virus, mà các chất khử trùng có chứa chlorine và bromine có thể đã vô hiệu hóa virus.

Khi nói về virus SARS-CoV-2, nguy cơ lớn nhất tại hồ bơi, bồn tắm hay ở biển không phải là do nước mà là từ các hành động của con người như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc gần. Do đó, việc tuân thủ các biện pháp như giãn cách xã hội, vệ sinh sạch sẽ cũng như tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng luôn cần được tuân thủ nghiêm ngặt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào./.

Từ khóa: SARS CoV 2, virus corona, sống trong nước, lây nhiễm qua nước, dịch Covid 19

Thể loại: Thế giới

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập