Việt Nam-Mozambique: Chặng đường 45 năm gắn bó hợp tác cùng phát triển
Cập nhật: 25/06/2020
Hải quân Ấn Độ biên chế 3 tàu chiến hiện đại
Vũ khí giúp Ukraine hạ gục loạt xe bọc thép hạng nặng của Nga
VOV.VN - Nhắc đến Mozambique, nhiều người biết là một quốc gia châu Phi tuy xa xôi nhưng có mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam gần nửa thế kỷ.
Có một điều vô cùng đặc biệt ít người biết là ngày Việt Nam và Mozambique thiết lập quan hệ ngoại giao cũng chính là ngày Mozambique tuyên bố độc lập, đến nay đã trải qua 45 năm gắn bó, hợp tác cùng phát triển (25/6/1975-25/6/2020).
Đại sứ Lê Huy Hoàng phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9 (Maputo 29-8-2019). |
Tôi đến Mozambique lần đầu tiên vào năm 2015 khi đang là Đại sứ tại Nam Phi. Chuyến du lịch vội vàng lúc ấy được sự khích lệ của Đại sứ và anh chị em Đại sứ quán ta ở Maputo mời sang chơi để biết Mozambique khó khăn thế nào, thời gian ngắn chỉ kịp dạo thăm vài con phố ở Thủ đô, nhưng bản thân cũng đã có ấn tượng tình cảm tốt đẹp với đất nước ở phía đông nam châu Phi này. Cũng là cơ duyên, sau đó tôi được trở lại Mozambique với tư cách Đại sứ và hiện rất vinh dự đang cùng anh chị em Đại sứ quán triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao hai nước.
“Chất keo tự nhiên” gắn bó hai dân tộc
Với diện tích hơn 800.000km2và dânsố trên 29,5 triệu người, Mozambique quả thực còn nhiều khó khăn lạc hậu do nhiều năm tháng nội chiến nhưng điều mà nhiều người khi đặt chân tới đây đều có thể cảm nhận là đất nước này - với bờ biển dài, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa chính trị quan trọng - có tiềm năng phát triển to lớn, đã đang và tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác trong và ngoài khu vực.
Dù cách trở về địa lý, sự khác biệt về ngôn ngữ văn hóa, Việt Nam và Mozambique có nhiều điểm tương đồng. Cả hai nước đều tận dụng vị trí địa kinh tế, địa chiến lược hướng ra hai đại dương lớn của mình ở Châu Á và Châu Phi để phát triển. Hai nước cùng trải qua thời gian dài đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng đi lên từ nghèo nàn, lạc hậu. Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân Mozambique và nhân dân Việt Nam luôn sát cánh ủng hộ lẫn nhau, lên án chế độ nô lệ, đánh đổ chế độ thực dân, đế quốc. Đảng Mặt trận Giải phóng Mozambique (FRELIMO) lấy chủ nghĩa Mác Lê-nin làm nền tảng tư tưởng (như Đảng Cộng sản Việt Nam) đã lãnh đạo nhân dân Mozambique đấu tranh giành độc lập dân tộc thắng lợi. Cả hai nước trước đây cũng như hiện nay luôn có chung khát vọng độc lập, tự do và xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Những nét tương đồng đó đã trở thành chất keo tự nhiên gắn kết tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi và Đại sứ Lê Huy Hoàng tại Lễ trình Quốc thư 14/5/2018. |
Khi Việt Nam vừa giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Mozambique cũng hoàn tất quá trình đấu tranh thoát khỏi ách thực dân của Bồ Đào Nha[1]. Việc hai nước nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao (25/6/1975) làm cho “chất keo tự nhiên” và quan hệ đoàn kết gắn bó hai bên trước đó bước sang một trang sử mới. Sau đó, việc Việt Nam mở Đại sứ quán tại Mozambique năm 1976 thể hiện sự coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống của ta với Mozambique nói riêng và với các nước bạn bè truyền thống châu Phi nói chung.
Những cú “hích” lớn
Kế thừa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương tốt đẹp trong những năm qua, lãnh đạo hai nước qua các thế hệ luôn ưu tiên cao việc củng cố sự tin cậy chính trị, thắt chặt quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng FRELIMO, coi đây là nền tảng cho việc mở rộng quan hệ một cách toàn diện giữa hai nước.
Đại sứ Lê Huy Hoàng trình Quốc thư lên Tổng thống Mozambique. |
Trong nhiều năm qua, hai Đảng cầm quyền duy trì trao đổi đoàn và thiết lập cơ chế giao lưu, hợp tác thường xuyên giữa các Ban Đảng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng Đảng… Nhiều vị lãnh đạo (Chính phủ, Quốc hội) của Mozambique khi tôi có dịp trao đổi gần đây đều tỏ thái độ trân trọng kể lại những kỷ niệm đẹp của Chính phủ và người dân Mozambique khi đón Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp sang thăm Mozambique (năm 1980). Người dân Việt Nam chúng ta cũng rất trân trọng chuyến thăm Việt Nam sau đó (năm 1984) của Tổng thống Samora Machel, một trong những biểu tượng anh hùng vì độc lập dân tộc của Mozambique.
Thời gian gần đây, khi cả hai nước đều đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân, củng cố an ninh quốc phòng, mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế lên hàng đầu, các chuyến thăm cấp cao và các cấp giữa hai nước càng có điều kiện được thúc đẩy, trong đó có các chuyến thăm Mozambique của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2008); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (3/2016 và trước đó vào 7/2009 trên cương vị Ủy viên BCT, Thường trực BBT); gần đây là của Ủy viên BCT, Thường trực BBT Trần Quốc Vượng (12/2018). Về phía bạn, có chuyến thăm của Tổng thống Armando Guebuza (01/2007) và tháng 9/2018 Ông sang để viếng cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Bộ Trưởng Quốc phòng nay là Tổng thống Filipe Nyusi (2011) và Thủ tướng Carlos Agostinho do Rosario (7/2017). Các chuyến thăm và gặp gỡ cấp cao này tạo nên các dấu mốc lịch sử, định hướng và là những cú “hích” lớn để biến quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Mozambique theo hướng hợp tác phát triển đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả. Hai bên đang tích cực thu xếp cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Filipe Nyusi.
Cùng nhau tạonên “điều kỳ diệu châu Phi”
Để tạo cơ sở cho sự hợp tác thực chất lâu bền, trong những năm qua, hai bên dành nhiều nỗ lực cho việc hoàn thiện không ngừng các khuôn khổ pháp lý. Hai nước đã ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật và thương mại; Hiệp định Thương mại; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo; Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; Nghị định thư thành lập Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và công nghệ ...
Đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao quà cho người dân Maputo tháng 4/2019. |
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong nhiều năm qua được coi là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Từ năm 2006 đến năm 2010, kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam – Mozambique tăng hơn 3 lần (từ 13,8 lên 45,3 triệu USD). Từ năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 100 triệu USD mỗi năm, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nông, lâm sản như điều, gạo và gỗ. Ngoài ra, một số mặt hàng mới như hải sản đông lạnh, vừng, bông, thuốc lá là nhóm sản phẩm đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Mozambique hiện đứng thứ 11 trong số 72 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có hoạt động đầu tư.
Hiện Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Hapro đang đầu tư tại Mozambique trong lĩnh vực viễn thông và thương mại. Đáng chú ý, mạng thông tin di động Movitel (liên doanh giữa Viettel và Công ty SPI của sở tại) có tổng vốn đầu tư trên 600 triệu USD, trong đó Viettel đóng góp trên 70%, được coi là dự án rất hiệu quả trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Đi vào hoạt động từ tháng 5/2012, Movitel đến nay đã trở thành mạng viễn thông chiếm vị trí hàng đầu tại Mozambique (trên 4 triệu thuê bao, phủ sóng đến hơn 85% dân số tại toàn bộ 11 tỉnh, đến tận cấp huyện), được coi là “điều kỳ diệu châu Phi” bởi những đóng góp thông qua việc phổ cập viễn thông di động ở khu vực nông thôn. Movitel hiện đang không ngừng thay đổi chiến lược cải tiến chất lượng dịch vụ để chiếm lĩnh thị phần ở cả khu vực thành thị. Khi 2 cơn siêu bão nhiệt đới IDAI và KENNETH xảy ra tại miền Trung Mozambique (đầu năm 2019), Movitel chỉ trong 24 giờđã khôi phục được hoạt động, trở thành nhà mạng duy nhất giúp kết nối liên lạc được vùng bị nạn với bên ngoài, điều mà người dân và chính quyền sở tại luôn cảm kích.
Các lĩnh vực hợp tác khác như an ninh, quốc phòng, nông nghiệp, du lịch, giáo dục, văn hóa... đều chứng kiến sự phát triển tích cực, năng động, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngoài ra, quá trình cải cách kinh tế của Mozambique đang mở ra cơ hội hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, công nghiệp dân dụng, xây dựng, năng lượng và hạ tầng công cộng. Đáng chú ý từ năm 2018, Công ty TNHH GPM Bình Thuận với hơn 30 chuyên gia khai khoáng người Việt đã triển khai giai đoạn đầu dự án đầu tư khai thác titan tại tỉnh Zambezia (liên doanh với công ty Tazette của sở tại, tổng giá trị dự án lên tới trên 100 triệu USD).
Trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã cử trên 100 chuyên gia giáo dục, nông nghiệp và chuyên gia y tế sang làm việc tại Mozambique. Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã cử nhiều đoàn chuyên gia tham gia vào các chương trình an ninh lương thực của Mozambique cũng như hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển nông nghiệp, thủy sản. Hợp tác nông nghiệp về nghiên cứu phát triển cây lương thực và cây thực phẩm do Việt Nam hỗ trợ Mozambique giai đoạn I trong các năm 2014-2018 (trị giá 2,2 triệu USD) được chính phủ Mozambique đánh giá rất cao.Về hợp tác giáo dục, theo Nghị định thư đã ký giữa Bộ Giáo dục hai bên (23/6/2014), hàng năm mỗi nước trao cho nhau 10 suất học bổng để thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tiếng Việt và tiếng Bồ Đào Nha cho sinh viên ở hai nước. Ngoài ra, Việt Nam và Mozambique còn có nhiều dự án hợp tác song phương, ba bên, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ thuật phát triển thủy sản, và hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác đạt kết quả tốt.
Các hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, văn hóa cũng được hai nước quan tâm thúc đẩy. Là một quốc gia ven biển nằm ở sườn Đông Nam châu Phi, nhờ cảnh đẹp thiên nhiên với các bãi biển dài đầy nắng, sự đa dạng về văn hoá cùng bề dày lịch sử đậm đà nét đặc trưng châu Phi kết hợp với lối kiến trúc châu Âu từ trong giai đoạn thuộc địa, Mozambique đã và đang khơi dậy niềm đam mê du lịch khám phá của không ít du khách từ khắp nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Quảng bá văn hóa - múa nón Việt Nam nhân dịp Quốc khánh tại Maputo 29/8/2019. |
Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa đa dạng của Đại sứ quán cùng Hội Phật giáo Việt Nam tại Mozambique với sự tham gia của đông đảo các phật tử và doanh nghiệp trong cộng đồng người Việt thời gian gần đây (như quảng bá về đất nước con người Việt Nam, Đại Lễ phật đản cầu an cho cộng đồng người Việt và người dân sở tại, hoạt động từ thiện tặng trên 200 tấn gạo cho nạn nhân cơn bão IDAI, góp 500 phần quà gồm cặp sách và thực phẩm cho học sinh và các hộ nghèo ở thủ đô…) là những nét đẹp văn hóa, góp phần tăng cường kết nối lan tỏa tình yêu thương giữa người dân hai nước.
Không chỉ trong khuôn khổ song phương, Việt Nam và Mozambique còn hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại nhiều diễn đàn quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết ... Việc thúc đẩy quan hệ với Mozambique - nước có vai trò, thành viên tích cực của Liên minh châu Phi (AU) - còn góp phần tạo thuận lợi trong bối cảnh ta có kế hoạch thiết lập quan hệ chính thức với AU nhằm hình thành cơ chế hợp tác, phối hợp đồng bộ với các nước thành viên của lục địa đen.
Năm kỷ niệm đặc biệt và những kỳ vọng mới
Với mong muốn phát huy sự tin cậy, mối quan hệ hữu nghị truyền thống, Việt Nam và Mozambique hiện đang thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác thực chất giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, Mozambique đang rất muốn Việt Nam đẩy mạnh đầu tư kinh tế thương mại (trong đó có viễn thông, khai thác than, chế biến nông sản…).
Giao lưu thể thao với lực lượng cảnh sát Maputo nhân kỷ niệm sinh nhật Bác tháng 5/2018. |
Năm 2020 có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ hai nước. Coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, đối tác truyền thống quan trọng của Mozambique tại châu Á, và nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ hai nước, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi đã có kế hoạch thăm chính thức Việt Nam (ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào đầu năm nay). Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh nên chuyến đi cùng một số hoạt động trong kế hoạch kỷ niệm 45 quan hệ hai nước từ đầu năm tới nay đã phải trì hoãn. Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi vừa qua đã tiến hành Tham vấn Chính trị trực tuyến lần II với Thứ trưởng Ngoại giao Mozambique (27/5/2020); các bộ, ngành hai bên cũng đang chuẩn bị cho phiên họp liên chính phủ lần 4 tại Maputo (dự kiến vào đầu Quý III/2020) nhằm rà soát đề ra các biện pháp mới thúc đẩy hợp tác hai bên về viễn thông, kinh tế - thương mại, nông nghiệp giáo dục…
Trong kế hoạch kỷ niệm quan hệ hai nước năm nay, hai bên cũng đang chuẩn bị nhiều hình thức giao lưu văn hóa, thể thao với sự tham gia của doanh nghiệp, người dân hai bên đang sinh sống học tập kinh doanh ở hai nước. Hiện số lượng công dân ta đang lao động sinh sống làm việc tại Mozambique khoảng trên dưới 300 người, đa phần là cán bộ liên doanh Movitel, một số doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ… nhìn chung ngày càng hòa nhập, tuân thủ chính sách pháp luật sở tại, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Mozambique và quan hệ hai nước nói chung.
Mozambique đánh giá cao kết quả phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, rất muốn ta chia sẻ kinh nghiệm và ủng hộ bạn một số trang thiết bị. Việc ta quan tâm chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua (Quốc hội ta tặng bạn 20 ngàn khẩu trang, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân có thư thăm hỏi chia sẻ kinh nghiệm với Đảng cầm quyền Frelimo, Đại sứ quán luôn quan tâm gặp gỡ thăm hỏi các cơ quan đảng chính quyền bạn… ) được chính quyền người dân sở tại đánh giá cao.
Hai nước cũng đang phối hợp, tích cực hỗ trợ lẫn nhau nhằm đảm bảo lợi ích công dân hai bên. Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19 ở Mozambique, trong thời gian qua, khi Đại sứ quán ta có yêu cầu đưa một số công dân (phụ nữ trẻ em, người già…) có nhu cầu cấp bách về nước, Chính phủ Mozambique cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cấp phép cho 36 công dân ta được sang Nam Phi kịp thời tham gia chuyến bay hồi hương (15/6/2020) mặc dù chính sách sở tại hiện nay là hạn chế đi lại, chưa mở cửa biên giới hàng không và đường bộ.
Nhìn lại 45 năm qua, Việt Nam và Mozambique luôn dành cho nhau tình cảm nồng ấm, sự ủng hộ quý báu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như quá trình xây dựng đất nước hiện nay. Với sự tin cậy chính trị, sự đồng lòng và quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước, cùng tiềm năng và thế mạnh mang tính bổ trợ cho nhau, chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Mozambique được hun đúc và thử thách trong những năm qua sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái trong nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế thương mại và đầu tư, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hộicủa mỗi nước, đóng góp cho sự nghiệp hòa bình, ổn định, và phát triển ở cả hai nước và hai châu lục./.
Từ khóa: Việt Nam-Mozambique, quan hệ ngoại giao, Mozambique, châu Phi, quan hệ hữu nghị
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN