Việt Nam lên tiếng việc Mỹ gửi công thư về Biển Đông lên Liên Hợp Quốc
Cập nhật: 11/06/2020
Những vũ khí thiết yếu có thể giúp Ukraine phá vây ở Kursk
Dự báo quốc phòng, an ninh Australia và thế giới trong năm 2025
VOV.VN - Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là một phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. |
Ngày 11/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc Mỹ mới đây đã gửi công thư lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua có nhiều quốc gia là thành viên của Liên Hợp Quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là một phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.
Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần. Một lần nữa xin khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Cộng đồng quốc tế cũng như Liên Hợp Quốc coi trọng các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.
Trong công thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đề ngày 1/6, đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Đại sứ Kelly Craft đề cập tới công hàm của Trung Quốc ngày 12/12/2019 nhằm phản đối việc Malaysia cùng ngày đã gửi một bản Đệ trình lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc.
Đại sứ Kelly Craft nhấn mạnh, Mỹ phản đối các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc do không phù hợp với luật pháp quốc tế được phản ánh qua Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.
Bà Kelly Craft yêu cầu Tổng thư ký Antonio Guterres lưu hành bức thư của mình tới toàn bộ các thành viên Liên Hợp Quốc như một văn bản cho chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và của Hội đồng Bảo an./.Từ khóa: Mỹ gửi công hàm Biển Đông, Trung Quốc, họp báo bộ ngoại giao, lê thị thu hằng yêu sách của Trung Quốc, yêu sách Biển Đông
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN