Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-TBD của Hoa Kỳ
Cập nhật: 23/01/2020
Bạc Liêu: Báo cáo tiến độ thực hiện tinh gọn bộ máy vào thứ tư hằng tuần
Tinh gọn bộ máy: Cần có chính sách hài hoà cho cán bộ dôi dư
VOV.VN - Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Daniel J. Kritenbrink: Chúng tôi muốn Việt Nam thành công. Thành công của Việt Nam là thành công của chúng tôi.
“Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”. Đó là khẳng định của Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông Daniel Kritenbrink khi trả lời phỏng vấn của VOV nhân dịp Xuân mới Canh Tý 2020 và nhân kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2020).
Đại sứ Daniel Kritenbrink khẳng định ông mong chờ lễ kỷ niệm 25 năm sắp tới và tin tưởng Việt Nam sẽ thành công trên cả hai cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ và Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020.
Đại sứ Mỹ Kritenbrink trả lời phỏng vấn tại trường quay của VOV (Ảnh: Trung Hiếu) |
PV: Thưa Đại sứ, Việt Nam và Hoa Kỳ đang chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 25 năm nhìn lại, điều gì khiến ông ấn tượng nhất trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Chúng tôi đang vô cùng mong chờ đến lễ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020 này. Với chúng tôi đây là cơ hội để chào đón mối quan hệ hợp tác cũng như tình hữu nghị mà Hoa Kỳ và Việt Nam đã gây dựng suốt 25 năm qua. Chúng ta đều là đối tác đáng tin cậy của nhau, cùng nhau trở nên thịnh vượng và có lẽ điều ý nghĩa nhất là chúng ta có thể chiến thắng quá khứ, xây dựng tình bạn và sự hợp tác để cùng cộng tác trên mọi phương diện.
Giáo dục và thương mại, chìa khóa của tương lai
PV: Thưa Đại sứ, năm đầu tiên của nhiệm kỳ, ông đưa ra 5 ưu tiên. Đó là thương mại - đầu tư, an ninh, giao lưu nhân dân, thúc đẩy quyền con người và cuối cùng là xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Thời điểm này, lĩnh vực nào khiến ông hài lòng nhất? Xin ông bắt đầu bằng dự án hỗ trợ tẩy độc dioxin ở Đà Nẵng?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Đúng vậy, tôi nghĩ 5 ưu tiên đó vẫn rất quan trọng trong hợp tác song phương giữa hai nước và tôi nghĩ đây cũng vẫn sẽ là những ưu tiên hàng đầu tôi đặt ra với tư cách là Đại sứ.
Một trong những ưu tiên hiện nay là hợp tác song phương trong vấn đề xử lý các vấn đề nhân đạo và di sản chiến tranh. Chúng tôi thực sự tin rằng, dù mối quan hệ của chúng ta hiện nay chủ yếu là hướng đến tương lai, chúng tôi có trách nhiệm phải giải quyết những vấn đề tồn đọng từ quá khứ và một vấn đề quan trọng liên quan đến quá khứ giữa chúng ta là nỗ lực chung trong việc tẩy độc dioxin hay còn gọi là chất độc da cam còn lại sau chiến tranh.
Tôi thực sự rất tự hào là vào tháng 11/2018 đã có mặt tham dự buổi lễ đánh dấu ngày hoàn thành dự án tẩy độc dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng mà Hoa Kỳ đã đầu tư hơn 110 triệu USD để dọn dẹp toàn bộ chất độc dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, loại bỏ những mối đe doạ cho sức khoẻ người dân và tạo điều kiện cho việc mở rộng sân bay này. Đó chỉ là một trong rất nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Thêm một ví dụ nữa về di sản chiến tranh là việc dọn dẹp bom mìn (ở các tỉnh như tỉnh Quảng Trị mà trong hai năm qua không hề có thương vong hay tai nạn gì liên quan đến bom mìn còn sót lại sau chiến tranh). Chúng tôi đang điều trị cho những người khuyết tật ở 8 tỉnh bị rải chất độc trong chiến tranh. Và tất nhiên là cả hai nước cũng đang rất nỗ lực để tìm kiếm những người bị mất tích trong chiến tranh ở cả hai phía.
Đó chỉ là một trong năm lĩnh vực mà bạn đã nhắc đến. Chúng ta cũng đang có những hợp tác rất lớn trong lĩnh vực an ninh. Chúng tôi đầu tư cho sự thành công của các bạn và chúng tôi muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng và điều đó cũng bao gồm việc nâng cao năng lực quân sự và bảo vệ lãnh hải của Việt Nam để chúng ta có thể đóng góp cho hoà bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bao gồm cả biển Đông.
Câu chuyện Triều Tiên là một ví dụ. Chúng tôi đã rất biết ơn Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội vào tháng 2/2019.
Kinh tế-thương mại có thể coi là một thành công rực rỡ khác trong mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ hiện nay đã đạt hơn 60 tỷ USD; Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước cũng gần gũi hơn bao giờ hết. Có lẽ nó được thể hiện rõ nhất qua con số 30.000 du học sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng đã tiến hành rất nhiều chương trình được thiết kế để thúc đẩy pháp quyền ở Việt Nam.
Tóm lại, tôi có thể tự hào về những việc chúng ta đang chung tay làm và tôi nghĩ rằng mối quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
PV: Ông đã đề cập về giáo dục, và ĐH Fulbright là minh chứng thành công trong hợp tác hai nước. Chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận như thế nào về tương lai giữa hai nước qua giáo dục?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Trước tiên, trao đổi giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta đang thực hiện và đó là lý do tại sao chúng tôi đang rất vui mừng đón nhận 30.000 sinh viên Việt Nam sang du học tại Mỹ không chỉ là vì học tập những kiến thức quý báu sau đó quay trở lại Việt Nam vận dụng những kiến thức và kỹ năng học được để đóng góp cho việc phát triển kinh tế nước nhà mà những sinh viên đó cũng là cầu nối giúp hai nước hiểu nhau hơn và trở thành những đại sứ văn hoá giữa hai nước.
Tôi nghĩ nếu muốn xem tương lai của Việt Nam, thì đến trường đại học Fulbright ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ thấy rõ nhất. Đây là trường đại học được chính phủ cả hai nước ủng hộ. Trường đại học phi lợi nhuận, độc lập đầu tiên của Việt Nam tập trung vào việc thúc đẩy tự do học thuật, sáng tạo và tôi nghĩ nó sẽ thực sự giúp các bạn trẻ Việt Nam có được những kỹ năng cần thiết để Việt Nam có thể gặt hái thành công trong thế kỷ 21.
Chúng tôi thật sự vui mừng vì năm ngoái trường đại học Fulbright Việt Nam đã tiếp nhận lứa sinh viên hệ đại học và cao học đầu tiên. Tôi thực sự thấy mừng với cơ hội có được nền giáo dục đẳng cấp thế giới ở Việt Nam cho các bạn sinh viên Việt Nam. Và tất nhiên đây cũng là một cơ hội quý báu để củng cố mối quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam..
PV: Về thương mại, trò chuyện với các nhà lãnh đạo Việt Nam, Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh yếu tố thương mại công bằng, có qua có lại. Xin ông nói rõ hơn về cách tiếp cận này?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Trước hết chúng tôi tin vào một nền thương mại công bằng và đối ứng giữa hai nước, đem lại lợi ích cho hai quốc gia và bình đẳng cho người dân. Chúng tôi rất háo hức với những cơ hội kinh tế ở Việt Nam và như tôi đã nói đến, giao dịch thương mại giữa hai nước đã phát triển xuất khẩu, về mặt tài chính giờ đã đạt hơn 60 tỷ USD.
Xuất khẩu của Mỹ giờ đã đạt hơn 10 tỷ USD và cơ hội xuất khẩu vô cùng lớn cho các công ty Mỹ ở Việt Nam trong đó có ngành năng lượng và chăm sóc sức khoẻ (y tế). Nhưng chúng tôi cũng muốn có sự cân bằng hơn trong cán cân thương mại giữa hai nước. Chúng tôi có thâm hụt thương mại khá lớn với Việt Nam nên chúng tôi đang hợp tác với các đối tác Việt Nam để điều chỉnh lại cán cân này.
Có hai cách tốt nhất chúng tôi có thể sử dụng, thứ nhất, chúng tôi đang thúc đẩy quảng bá các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, thứ hai chúng tôi đang làm việc với các đối tác Việt Nam để đảm bảo, giải quyết, xử lý và dỡ bỏ bất kể rào cản thị trường nào còn tồn tại ở Việt Nam. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và các tập đoàn toàn cầu của chúng tôi đều hoan nghênh cạnh tranh, chúng tôi sẵn lòng cạnh tranh. Chúng tôi tự tin vào khả năng cạnh tranh đối với những sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi sẽ có lợi cho người tiêu dùng Việt Nam và cho nền kinh tế của Việt Nam. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng việc đó được thực hiện trong một sân chơi công bằng, tự do và đối ứng.
PV: Thưa Đại sứ, tôi còn nhớ, chỉ 2 tuần sau khi nhậm chức (11/2017), ông đã tháp tùng Tổng thống Donald Trump dự hội nghị APEC ở Việt Nam. Đầu năm 2019, ông Donald Trump lần thứ 2 thăm Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Hoa Kỳ. Vậy, Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở mà Tổng thống Donald Trump đưa ra?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Đúng, chúng tôi tin rằng Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chúng tôi. Chúng tôi muốn Việt Nam thành công. Thành công của Việt Nam là thành công của chúng tôi. Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ dựa trên niềm tin rằng chúng tôi mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn nếu chúng tôi có những đồng minh, những người bạn và đối tác mạnh hơn và thành công như Việt Nam. Vì như thế chúng ta có thể thúc đẩy lợi ích chung và tăng cường những lợi ích đó trên nhiều lĩnh vực như an ninh, kinh tế và nói về giá trị của chúng tôi thì đó là giá trị cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, đó là cốt lõi trong tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Trump.
Cũng như bạn đã nói, tôi rất vinh dự được đến Đà Nẵng tháng 11/2017 để chào đón Tổng thống Donald Trump và cũng chính là ở Đà Nẵng thì ông ấy đã có bài phát biểu, vạch ra chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và Tổng thống đã nói rằng chiến lược của chúng bắt nguồn từ tầm nhìn rằng chúng tôi muốn có những đối tác mạnh, độc lập và thịnh vượng như Việt Nam. Một lần nữa chúng tôi tin rằng thành công của Việt Nam là thành công của chúng tôi và cùng nhau, chúng ta có thể giải quyết những vấn đề đáng quan tâm. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi trong khu vực và trên thế giới.
Các quốc gia phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không có ngoại lệ.
PV: Trong các phát biểu của mình, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ luôn coi trọng đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ ưu tiên cho mục tiêu này như thế nào trong năm nay, thưa Đại sứ?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Đây là một vấn đề rất quan trọng. Chúng tôi nghĩ là tất cả các quốc gia Đông Á đều được hưởng lợi theo trật tự an ninh nhất định mà trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều tuân thủ chung các quy tắc. Nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ và tất cả các quốc gia trong vùng biển Đông đều được lợi, từ tự do hàng hải, thương mại không bị cản trở và có cơ hội tự do khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng biển này.
Mối quan ngại của chúng tôi với vấn đề hiện tại ở Biển Đông, đó là Trung Quốc đang thực thi một chiến lược hung hãn dựa trên việc xâm lấn đất đai và yêu sách hung hăng về hàng hải, mà không tuân theo luật quốc tế đặt ra để cản trở các nước như Việt Nam khai thác tài nguyên thiên nhiên mà các bạn đã tuyên bố. Nên một lần nữa, tầm nhìn của Mỹ về khu vực cũng như là về Biển Đông, tôi nghĩ đó cũng chính là tầm nhìn mà các đối tác Đông Nam Á của chúng tôi đang có. Một tầm nhìn mà có sự tự do hàng hải, sự không bị ngăn trở về thương mại; một vùng biển và một khu vực mà ở đó các xung đột được giải quyết một cách hoà bình theo luật quốc tế. Một lần nữa tất cả các quốc gia đều tuân thủ theo cùng những quy tắc và luật lệ quốc tế. Đó là tầm nhìn của chúng tôi về khu vực này.
PV: Thưa Đại sứ, trong các phát biểu của mình, Ngoại trưởng Mỹ luôn nhấn mạnh “Việt Nam-Hoa Kỳ đã đến lúc cần nhìn về phía trước”. Vậy, chúng ta sẽ cùng nhìn về một hướng như thế nào ở thời điểm 25 năm kỷ niệm này?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Vâng chúng tôi đang cực kì hào hứng về cơ hội trong năm 2020. Đây là năm kỉ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam đang là Chủ tịch của ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể làm được mọi trọng trách của mình. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tầm nhìn của Việt Nam cho ASEAN và cho khu vực trong năm 2020 và chúng tôi mong chờ được làm đối tác mạnh mẽ của Việt Nam cũng như ASEAN trong 2020; để thúc đẩy tầm nhìn chung mà tôi đã nói ở trên. Một lần nữa, đó là tầm nhìn mà chúng ta tin rằng - tất cả các nước lớn nhỏ đều tuân thủ các luật lệ, giải quyết mâu thuẫn trong hoà bình, và quan trọng nhất là tập trung vào sự thịnh vượng và hoà bình chung của khu vực và thế giới. Nếu được như thế thì tất cả các quốc gia đều có lợi.
Tôi có thể nói rằng, tương lai chung của chúng ta rất tươi sáng và tôi vô cùng lạc quan về điều đó. Tôi và bạn vừa thảo luận một chút về những gì hai quốc gia cùng làm được để giải quyết các vấn đề trong quá khứ. Tôi nghĩ những việc đó rất quan trọng trong việc tạo nên một nền tảng dựa trên sự tin tưởng và tình hữu nghị.
Giờ đây khi chúng ta đã tạo nên được nền tảng đó. Chúng tôi vô cùng phấn khởi hướng đến một tương lai sánh vai bên nhau. Chúng ta đang cộng tác trên tất cả các lĩnh vực có thể, không chỉ an ninh và kinh tế mà còn giáo dục, môi trường, y tế, công nghệ…. Không có giới hạn cho những gì Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cùng làm. Tôi rất lạc quan bởi vì tôi tin vào những người Việt Nam trẻ tuổi, và tôi lạc quan về tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam.
Sở dĩ tôi lạc quan như vậy là vì tôi đã nhìn thấy những gì một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập có thể làm với tư cách là lãnh đạo trong khu vực. Ví dụ như việc chủ trì hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019. Chúng tôi cho rằng Việt Nam là một đối tác lớn và chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra những đóng góp quan trọng cho khu vực và thế giới. Vậy nên tôi rất lạc quan về tương lai giữa hai nước chúng ta.
PV: Thưa Đại sứ, Tết Nguyên đán Canh Tý đã đến, Đại sứ mong muốn gửi lời chúc gì đến nhân dân Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong năm kỷ niệm đặc biệt này?
Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink: Tôi yêu Tết. Đây là khoảng thời gian tôi thích nhất trong năm. Đây là cái tết thứ 3 của tôi ở Việt Nam và tôi muốn gửi lời chúc đến tất cả các bạn bè ở Việt Nam. Chúc Việt Nam năm mới hạnh phúc, thịnh vượng, sức khỏe và thành công.
Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng năm 2020 chúng ta sẽ rất phấn khởi kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và chúng tôi coi đây như điểm khởi đầu cho 25 năm thành công tiếp theo của chúng ta.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ. Chúc Đại sứ và gia đình một Tết Canh Tý thật hạnh phúc ở đất nước Việt Nam./.
Đại sứ Mỹ thăm VOV và khẳng định Mỹ muốn Việt Nam thành công
Từ khóa: Đại sứ Hoa Kỳ, Daniel Daniel J. Kritenbrink, quan hệ đối tác, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN