Việt Nam đã cần “bơm vốn” ra thị trường để kích thích kinh tế?
Cập nhật: 22/02/2020
Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1
Nhận định chứng khoán 16/1: VN-Index có thể sẽ thử thách mức 1.240 điểm
VOV.VN - Kinh tế Việt Nam được dự báo là sẽ bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch cúm Covid-19. Nhưng liệu đã cần thiết phải “bơm vốn” ra thị trường để cứu kinh tế?
Thế giới bắt đầu “bơm tiền” để cứu kinh tế
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã bày tỏ lo ngại dịch Covid-19 đang bùng phát ở Trung Quốc và có nguy cơ lan sang các nước khác, sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Theo IMF, năm 2003, đại dịch SARS gây thiệt hại khoảng 40 tỷ USD. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc mới chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc đóng góp 18% GDP toàn cầu, đại dịch Covid-19 có thể gây ra những tác động lớn hơn gấp 3 - 4 lần.
Còn theo Bloomberg, ảnh hưởng của virus Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, có thể gây tổn thất kinh tế 160 tỷ USD. Không chỉ kinh tế Trung Quốc, mà Hàn Quốc và Việt Nam có thể giảm tăng trưởng 0,4 điểm phần trăm, Nhật Bản 0,2 điểm phần trăm trong quý I/2020.
Đại dịch Covid-19 có thể gây tổn thất lên tới 160 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Trước nguy cơ kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đầu tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã "bơm" 1.700 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 243 tỷ USD) vào thị trường tài chính thông qua nghiệp vụ repo ngược. Bên cạnh đó, PBOC tiếp tục hạ 0,1% lãi suất cho vay ngắn hạn và mới đây nhất là lãi suất cho vay trung hạn MLF để các doanh nghiệp (DN) liên quan chiến thắng ảnh hưởng của thảm họa dịch bệnh.
Malaysia cũng đang cân nhắc về việc đưa ra gói kích thích kinh tế và sẵn sàng triển khai các biện pháp đối phó.
Việt Nam đã cần đến gói hỗ trợ?
Là một nền kinh tế phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề. Theo báo cáo gửi thường trực Chính phủ về tác động của dịch viurs corona đến kinh tế - xã hội Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thực hiện, mức tăng trưởng kinh tế năm nay phụ thuộc lớn vào việc khống chế dịch sớm hay muộn. Theo đó, nếu khống chế được dịch trong quý I, tăng trưởng GDP cả năm dự báo ở mức 6,25% (giảm 0,55% so với mục tiêu của Chính phủ), nếu khống chế được dịch trong quý II, con số chỉ là 5,96% (giảm 0,84% so với mục tiêu và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I).
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đến thời điểm này, Việt Nam chưa đến mức độ phải đặt vấn đề gói hỗ trợ. PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu bơm một lượng tiền lớn ra nền kinh tế thì sẽ chỉ tạo ra sự phục hồi trong ngắn hạn, khó có thể mang tới tác động lâu dài, thậm chí nếu lượng tiền này được “bơm” vào những lĩnh vực nhạy cảm hút vốn thì có thể gây tác động ngược. Do vậy, các gói tài chính để hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chia thành nhiều hình thức phù hợp, để đi đúng và đi trúng đối tượng, lĩnh vực cần hỗ trợ.
“Nhà nước cần “bơm vốn” ngay lập tức cho DN, tổ chức cần sản xuất thiết bị y tế, đầu tư mở rộng sản xuất phương tiện, trang thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch. Cùng với đó là các gói hỗ trợ bằng nguồn vốn vay giá rẻ để các DN, người dân bị ảnh hưởng được kéo dài thời gian trả nợ, không bị liệt vào nhóm nợ xấu, thậm chí còn được vay thêm vốn. Sự hỗ trợ này có thể thông qua các ngân hàng chính sách hoặc các ngân hàng thương mại”, PGS.TS. Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý phải có chính sách tác động đến các ngân hàng như thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm các khoản trích nộp của ngân hàng… để ngân hàng giảm lãi suất, thậm chí, Nhà nước còn phải thông qua các gói cứu trợ lãi suất, cấp bù lãi suất để tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất nói chung giảm xuống.
“Mặt bằng giảm xuống thì sẽ kích thích được các DN huy động được vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn. Song, các cơ quan quản lý phải kiểm soát luồng tiền, đảm bảo nguồn tín dụng này không “bơm” vào khu vực có sức hút về vốn như bất động sản, chứng khoán… khiến dòng tiền bị ứ đọng không phát huy đúng mục tiêu hỗ trợ”, PGS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, cần có các giải pháp hỗ trợ tức thời để tổ chức lại sản xuất, tiêu dùng, như: khoanh nợ, miễn, giảm thuế, giãn, hoãn thời gian trả nợ cho các khoản vay ngân hàng của các DN, hộ kinh doanh gặp khó khăn trầm trọng do dịch Covid-19 gây ra, song Việt Nam chưa cần thiết phải có gói kích thích kinh tế.
“Không nên nới rộng chính sách tài chính tiền tệ để kích thích kinh tế trong giai đoạn này. Thực tế bài học kinh nghiệm từ nhiều năm trước, nếu chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ thì lạm phát sẽ tăng cao, mà khi lạm phát tăng cao thì hàng loạt cân đối vĩ mô của nền kinh tế sẽ thay đổi, như thế lợi bất cập hại do các tác động của đồng Việt Nam mất giá, hoạt động kinh tế sẽ còn khó khăn gấp nhiều lần”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Trên thực tế, giai đoạn 2008-2009, khi chịu tác động nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam từng tung ra gói kích cầu, trong đó chỉ riêng phần dành cho hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng đã lên tới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, hệ lụy sau đó là không nhỏ, ví như lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng cao ở giai đoạn sau… Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi kinh tế đình trệ, mới cần gói kích thích, còn khó khăn hiện nay chỉ là nhất thời. Để tạo điều kiện cho các DN có thêm nguồn lực để đầu tư, sản xuất, cần có những giải pháp cụ thể, quyết tâm hơn nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư mới và đầu tư tăng thêm. Đây mới là giải pháp căn bản để giữ ổn định tăng trưởng./.
IMF lo ngại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế toàn cầu
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay để chống lại đại dịch Covid-19
Từ khóa: covid-19, dịch covid-19, hỗ trợ tăng trưởng, virus corona, bơm tiền để cứu kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN