Việt Nam còn nhiều thách thức dù là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo
Cập nhật: 11/12/2020
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Dù Việt Nam là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo nhưng Thủ tướng cho rằng, còn nhiều thách thức do thiên tai, dịch bệnh khiến tỉ lệ tái nghèo cao.
Sáng 11/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, triển khai công tác giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim. Trước hết cần nghiên cứu đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách sát thực tế hơn nữa, mang định hướng chiến lược và tầm nhìn xa để thực hiện mục tiêu “Một Việt Nam không có đói nghèo” vào năm 2045.
Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng, nhưng quan trọng nhất phải là tuyệt đại bộ phận người dân có thu nhập, đảm bảo cuộc sống tốt, không còn đói nghèo mới là lãnh đạo đúng. Hơn 30 năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành rất nhiều tâm huyết và nguồn lực cho công tác này và Việt Nam được thế giới ghi nhận như một hình mẫu về thành tựu xóa đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.
Theo đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách an sinh- xã hội cho công tác giảm nghèo bền vững với nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020, phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới, phát động phong trào thi đua Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ đã dành gấp đôi nguồn lực so với giai đoạn 5 năm trước. 21% của ngân sách nhà nước là dành cho phúc lợi xã hội. Đây là mức cao nhất trong khối ASEAN. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người ở các mức độ khác nhau.
Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn dưới 3% vào cuối năm nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm so với Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 80% thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí. Dự kiến hết năm nay, hơn 32 huyện, trên 650 xã, 1.200 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Trong các kênh hỗ trợ tích cực xóa đói giảm nghèo, Thủ tướng cho rằng, Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng nhất đối với khu vực nông thôn, miền núi.
Bên cạnh cơ sở hạ tầng được cải thiện, Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều đã tác động tích cực toàn diện đối với người nghèo, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng hai đến ba lần, hàng triệu con em hộ nghèo được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.
Cho rằng trong xã hội còn nhiều đối tượng khó khăn cần hỗ trợ mà chính sách chưa phủ rộng khắp được, Thủ tướng nêu thực tế câu chuyện của năm nay: "Tối 30 Tết vừa rồi, một trận mưa đá xảy ra tại Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La. Ngay đêm đó, tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lên thăm đồng bào và kiểm tra tình hình. Ngay sáng 1 Tết thì anh Nguyễn Xuân Cường lên đường, sau đó về báo cáo Chính phủ giải quyết hỗ trợ với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước bao gồm ngân sách Trung ương và địa phương và nhân dân tự bỏ ra. Nhưng sau 10 tháng mới có kinh phí hỗ trợ cho người dân. Lý do là chúng ta chưa có thể chế hỗ trợ theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cho nên, vai trò của thể chế để bao phủ tất cả những đối tượng có liên quan trong việc xóa đói giảm nghèo, nhất lại gặp thiên tai là vấn đề rất lớn mà chúng ta cần xây dựng. Đến nay cũng xong rồi, nhưng chậm".
Dù Việt Nam là điểm sáng của thế giới về giảm nghèo nhưng Thủ tướng cho rằng còn nhiều thách thức do thiên tai, dịch bệnh khiến tỉ lệ tái nghèo cao. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật còn cao và là khó khăn trong công tác giảm nghèo. Nêu thực tế COVID-19 đang khiến cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên với một nửa tỷ người, khoảng trên 8% dân số thế giới, lâm vào cảnh nghèo đói, Thủ tướng cho rằng, đây là thách thức với cả thế giới và Việt Nam.
"Chính vì vậy, giảm nghèo trong thời gian tới là công việc cả trí tuệ và trái tim. Để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và mục tiêu phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 của Liên Hợp Quốc, chúng ta cần nỗ lực quyết tâm lớn hơn nữa, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa những nhiệm vụ sau đây. Một là nghiên cứu trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 “vì một Việt Nam không có đói nghèo ”. Việt Nam 2045 theo dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là nước có thu nhập cao. Nhưng đi liền với đó, đến năm 2045, một Việt Nam không có đói nghèo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng cho rằng, cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Bên cạnh hai chương trình mục tiêu quan trọng đang thực hiện là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia về vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đây là nhiệm vụ cần được triển khai hiệu quả trong thời gian tới để đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo ở nước ta.
Trong đó, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm. Đầu tư cho giáo dục và dạy nghề bởi dân trí, giáo dục, dạy nghề là những bài toán quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Để thực hiện trách nhiệm với người nghèo, tôi đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: mỗi xã, phường, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu, phù hợp với địa phương mình, với cách làm sáng tạo hơn nữa. Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Cấp ủy phân công đảng viên tham gia hỗ trợ người nghèo. Cần phát động các phong trào thi đua thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững một cách sáng tạo thực chất hơn. Riêng Bộ Quốc phòng nhận nuôi các cháu do cha mẹ mất trong thiên tai vừa rồi để các cháu có điều kiện học hành".
Đánh giá cao các nguồn lực đầu tư xã hội, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức thành viên tiếp tục huy động nguồn lực xã hội chung tay vì người nghèo. Trước mắt, các địa phương hỗ trợ kịp thời cho người dân mất nhà ở do thiên tai bão lũ, kịp thời sửa chữa trường học để người dân đến trường, không để người dân nào thiếu đói, không có chỗ ở. Đặc biệt nhất là dịp Tết này phải có kế hoạch cụ thể chăm lo Tết cho nhân dân.
Biểu dương nhiều hộ gia đình nghèo vươn lên thoát nghèo, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thậm chí chủ động xin ra khỏi diện hộ nghèo, Thủ tướng cho rằng, đây là điều đáng trân trọng, là những tấm gương sáng mà các cơ quan truyền thông cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để lan tỏa, nhân rộng./.
Từ khóa: xoá đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tỷ lệ nghèo tại Việt Nam
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN