Việt Nam cần khai thác 3 thế mạnh tại thị trường Trung Đông-Châu Phi
Cập nhật: 25/09/2019
Nông dân Quảng Trị thao thức cùng hoa Tết
Lalamove đồng hành mang “Tết Hy Vọng 2025” đến Bệnh viện Nhi Đồng 2
VOV.VN - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho rằng, quan hệ giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – châu Phi hiện đang tập trung vào 3 lĩnh vực thế mạnh.
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh an ninh, kinh tế trên thế giới có nhiều biến động, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-Châu Phi vẫn luôn có những bước phát triển vượt bậc. Là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông - châu Phi, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống với các quốc gia trong khu vực này.
Một phiên thảo luận của các doanh nghiệp tại Hội nghị. |
Trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019” tại Hà Nội ngày 9/9, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV về quan hệ hợp tác-thương mại giữa Việt Nam và Trung Đông-Châu Phi.
Ủng hộ về mặt chính trị, ngoại giao
Trung Đông – châu Phi là khu vực rất rộng lớn, với diện tích trên 36 triệu km2 và tổng dân số lên tới 1,8 tỷ người. Mặc dù đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức khác nhau nhưng Trung Đông – châu Phi cũng đồng thời là khu vực có tiềm năng phát triển rất lớn, được đánh giá sẽ trở thành khu vực tạo động lực phát triển kinh tế thế giới trong những năm tới.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường đánh giá, quan hệ Việt Nam với Trung Đông - Châu Phi là quan hệ rất gần gũi, thân thiết. Ông nhấn mạnh: “Hầu như các nước châu Phi đều biết đến Việt Nam, biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Phải nói rằng những tình cảm, quan hệ gắn bó đó trải qua suốt thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc. Họ coi Việt Nam là biểu tượng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa thực dân. Các bên có quan hệ chính trị rất tốt đẹp. Từ xưa đến nay, các bên luôn duy trì quan hệ tốt đẹp. Mặc dù có nhiều quan điểm khác biệt về một số vấn đề giữa các nước Trung Đông, Châu Phi, nhưng khi nói đến Việt Nam họ đều thể hiện sự yêu mến”.
Các nước Trung Đông-Châu Phi đã ủng hộ Việt Nam tham gia nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên Hợp Quốc, Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt là trong cuộc bỏ phiếu bầu Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã giành số phiếu ủng hộ rất cao từ khu vực Trung Đông, Châu Phi.
Hợp tác kinh tế còn nhiều tiềm năng mở rộng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Trung Đông-Châu Phi vẫn còn hạn chế, chưa bắt kịp được với quan hệ chính trị. Ông cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, trước hết là do việc trao đổi thông hạn chế nên các bên chưa thực sự hiểu hết về nhu cầu và nguyện vọng của nhau. Tiếp theo là cách nhìn nhận, đánh giá của Trung Đông-Châu Phi đối với Việt Nam và ngược lại. Khi nhắc đến Trung Đông, có nhiều ý kiến cho rằng đây là những điểm nóng về xung đột và chiến tranh, còn nghèo nàn, lạc hậu. Vì vậy, theo ông Nguyễn Quốc Cường, việc nhận thức đúng về tầm quan trọng và sự vươn lên của khu vực này là yếu tố cần được quan tâm hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm, quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi hiện đang tập trung vào một số lĩnh vực thế mạnh bao gồm thương mại, viễn thông và nông nghiệp. Về mặt thương mại, trong 10 năm (2008 – 2018), kim ngạch hai chiều đã có bước tăng trưởng trên 300%, đạt trên 17,5 tỷ USD trong năm 2018, đầu tư hai chiều khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, các bên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển trao đổi thương mại. Người dân nhiều nước Trung Đông-Châu Phi rất ưa chuộng hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng nông nghiệp, lúa gạo, các nông sản và hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Trung Đông-Châu Phi.
Một thế mạnh khác trong hợp tác giữa hai bên là viễn thông. Hiện nay, tập đoàn viễn thông Viettel đã đầu tư ở ít nhất 4 nước châu Phi trong đó có Tanzania, Cameroon. Viettel đã giúp những người dân ở vùng núi xa xôi hẻo lánh của Cameroon được tiếp cận với mạng lưới thông tin.
Lĩnh vực thế mạnh tiếp theo là nông nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, đây là lĩnh vực hai bên đều mong muốn thúc đẩy hợp tác. Việt Nam có nhiều năm hợp tác song phương, ba bên, bốn bên với một số nước châu Phi, đặc biệt trong vấn đề sản xuất lúa gạo. Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể góp phần giúp các nước châu Phi giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Ngoài lúa gạo, Việt Nam còn xuất sang châu Phi các sản phẩm nông nghiệp khác.Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập rất nhiều sản phẩm nông nghiệp từ khu vực Trung Đông-Châu Phi như như hạt điều.
Bên cạnh đó du lịch cũng có tiềm năng hợp tác lớn. Với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại Ai Cập, Nam Phi..., lĩnh vực này cũng được xem là có tiềm năng khai thác đối với thị trường Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn
Với sự tham gia của các đại sứ, đại biện, đại diện của khu vực Trung Đông – châu Phi ở Việt Nam, cũng như các đại sứ, đại biện, đại diện của khu vực Trung Đông – châu Phi ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ kiêm nhiệm Việt Nam, Hội nghị đặt ra mục đích quan trọng là cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam qua công cuộc đổi mới; về các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường cho biết, nhiều vị đại sứ tham dự Hội nghị đánh giá cao tầm quan trọng của sự kiện lần này, cho rằng đây là một bước tiến góp phần tạo nên sự thay đổi về chất trong quan hệ giữa Trung Đông – châu Phi đối với Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự không chỉ của Bộ Ngoại giao mà còn của các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…, đại diện lãnh đạo của 20 địa phương cùng khoảng 70 doanh nghiệp của Việt Nam.
Để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh, hai bên cần nhiều biện pháp khác nhau nhưng quan trọng là tháo gỡ những khó khăn, rào cản, đặc biệt là vấn đề thanh toán. Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” cũng sẽ có sự tham gia của một số ngân hàng Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Câu lạc bộ các chủ ngân hàng lớn của châu Phi, nhằm tìm giải pháp giúp doanh nghiệp hai bên trong khâu thanh toán khi trao đổi hàng hóa.
Trong khuôn khổ hội nghị có những gian hàng giới thiệu sản phẩm Việt Nam cho các đại sứ ở khu vực Trung Đông-Châu Phi hiểu thâm về sản phẩm, thế mạnh của Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường mong rằng Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” sẽ là tạo động lức, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển./.
Từ khóa: Việt Nam, Trung Đông, Châu Phi, nông nghiệp, viễn thông
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN