Viện Kiểm sát: Bị cáo Đinh La Thăng bỏ qua yếu tố năng lực nhà thầu

Cập nhật: 12/03/2021

VOV.VN - Tại phần đối đáp, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng, truy tố bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác là đúng pháp luật, không oan vì các bị cáo đã có sự cấu kết để cùng thực hiện hành vi phạm tội.

Ngày 12/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử đại án xảy ra ở Ethanol Phú Thọ với phần tranh tụng. Trước đó tại phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, trong vụ án Ethanol Phú Thọ mình chỉ có trách nhiệm đôn đốc, triển khai tiến độ của dự án chứ không có trách nhiệm chỉ định thầu cho liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T.

Ở phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội cho rằng, luận điểm của bị cáo Thăng là không có cơ sở. Theo đó, chủ đầu tư của dự án Ethanol Phú Thọ là PVB. Thực chất, PVB (chủ đầu tư) được thành lập với 3 cổ đông sáng lập đều là công ty con của PVN. Do vậy chịu sự chi phối, chỉ đạo hoạt động từ PVN mà bị cáo Thăng khi đó làm chủ tịch.

“Từ bị cáo Thăng đến các bị cáo thuộc PVB, PVC đều thuộc một hệ thống thống nhất. Do đó các bị cáo đều chịu ý chí chỉ đạo của bị cáo Thăng. Bị cáo Thăng đã có nhiều cuộc họp, văn bản, bút phê liên quan đến chuyện giao chỉ định thầu của dự án cho PVC, dù PVC không đủ năng lực thực hiện dự án” - Đại diện VKSND TP Hà Nội nêu quan điểm.

Theo Đại diện VKSND, chủ trương phát huy năng lực nội bộ là không sai. Nhưng cách làm của các bị cáo đã bỏ qua yếu tố quan trọng nhất, đó là năng lực nhà thầu có đủ để thực hiện dự án hay không. 

Kết quả chấm nhà thầu sơ tuyển nêu rõ: Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đạt các yếu tố về kỹ thuật, năng lực xây dựng chưa đạt, báo cáo tài chính năm 2006 thể hiện PVC thua lỗ. Bản thân bị cáo Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch PVC) cũng thừa nhận thời điểm nhận dự án đã biết là không làm được. “Nếu không có ý kiến chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng thì Trịnh Xuân Thanh sẽ không nhận dự án này” - Viện kiểm sát viện dẫn lại lời khai của bị cáo Thanh.

Khi bị cáo Trịnh Xuân Thanh gửi hồ sơ dự tuyển thầu, đã yêu cầu PVB hạ một số tiêu chí. Điều này thể hiện rõ PVC ở thời điểm đó không đủ năng lực để thực hiện dự án. 

VKSND viện dẫn, tại thông báo 5495 của PVN, bị cáo Thăng kết luận cho phép ưu tiên giao gói thầu cho PVC; thông báo 780 của PVN triển khai thực hiện kế hoạch 2009 của PVC, Tập đoàn cho phép ưu tiên PVC thực hiện một số dự án, trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ.

“Việc giao nhiệm vụ như thế là chủ quan. Bị cáo Thăng đã quyết định giao cái mà chủ đầu tư PVB còn chưa xem xét quyết định cho PVC. Trong các chỉ đạo, bị cáo chỉ quan tâm đến giá gói thầu, đôn đốc tiến độ mà bỏ qua điều quan trọng nhất là năng lực nhà thầu” - VKSND TP Hà Nội cho biết.

Do không đủ năng lực thực hiện dự án, liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T đã đơn phương ngừng thi công từ năm 2013. Số tiền thực hiện dự án đến thời điểm này hơn là hơn 1.400 tỷ, trong đó một phần lớn chủ đầu tư PVB phải đi vay ngân hàng. Số tiền thiệt hại do các bị cáo gây ra theo cáo trạng là 543 tỷ đồng.

Về quan điểm của bị cáo Thăng yêu cầu chỉ rõ nhóm lợi ích là nhóm nào, VKSND đối đáp: “Giữa các bị cáo có sự thống nhất, câu kết để cùng thực hiện hành vi phạm tội – Đây là vấn đề nhóm lợi ích tiêu cực, câu kết với nhau để thực hiện hành vi trái pháp luật.”

Với những luận điểm trên, đại diện VKSND TP Hà Nội cho rằng truy tố các bị cáo như cáo trạng là đúng người, đúng pháp luật./.

Từ khóa: Viện kiểm sát, Ethanol Phú Thọ, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, TAND TP Hà Nội, tòa tuyên án

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập