Vì sao "luật rừng" vẫn ngang nhiên tồn tại?

Cập nhật: 05/06/2022

VOV.VN - Nhiều người dân vẫn chấp nhận hành xử kiểu “luật rừng” và trong không ít trường hợp có người đã lựa chọn “luật rừng” để giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Vì sao “luật rừng” vẫn ngang nhiên tồn tại và cần làm gì để loại bỏ những nguyên tắc xử sự theo kiểu “luật rừng” ra khỏi cuộc sống. Phóng viên VOV trao đổi với luật sư Nguyễn Danh Huế, Công ty Luật Hừng Đông về chủ đề trên. 

PV: Thưa luật sư Nguyễn Danh Huế, lâu nay chúng ta hay nói tới “luật rừng”, vậy xin hỏi luật sư “luật rừng” có thể hiểu là gì?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Hiểu một cách nôm na “luật rừng” là những hành xử không tuân theo hoặc làm trái quy định của pháp luật. Chúng ta đều biết rằng, theo một góc cạnh nào đó, nghĩa bóng của “luật rừng” chính là người ta thể hiện, đây là nơi rừng rú, không có luật lá gì cả, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Khái niệm “luật rừng” tôi nghĩ rằng, nó có từ rất lâu, thậm chí là trong xã hội phong kiến, khi pháp luật chưa được hoàn thiện và nó dựa vào ý chí chủ quan của một vài người, hoặc là hệ thống quan lại thối nát.

Đôi khi trong xã hội ngày xưa khái niệm “luật rừng” còn là biểu tượng công lý. Ví dụ như trong văn hóa Trung Quốc có tác phẩm rất nổi tiếng “Thủy hử”, ca ngợi những anh hùng chống lại triều đình. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi luật pháp đã hoàn thiện, khái niệm “luật rừng” không thể chấp nhận và chúng ta cần phải loại bỏ để xây dựng một xã hội văn minh.

PV: Trong cuộc sống hàng ngày, việc sử dụng “luật rừng” diễn ra tương đối nhiều, từ những mâu thuẫn nhỏ đến tranh chấp lớn. Điển hình như tình trạng sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn va chạm giao thông, hay tình trạng người dân thuê xã hội đen đòi nợ mà không qua tòa án. Vậy theo luật sư, một xã hội có nhiều vụ việc xử sự theo kiểu “luật rừng” như vậy sẽ gây ra những tác hại như thế nào?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Chúng ta có thể thấy rằng, khi xã hội lựa chọn cách hành xử để giải quyết bằng “luật rừng”, thì rõ ràng niềm tin công lý bị giảm sút, hiệu quả của pháp luật không được cao. Từ đó dẫn đến những hệ lụy rất khủng khiếp.

Thứ nhất, nó làm cho niềm tin vào công lý sụt giảm, đồng nghĩa với niềm tin vào một thể chế sụt giảm. Từ đó, tạo ra sự bất ổn mà sự bất ổn ở đây là bất ổn về mặt ANTT, làm cho xã hội đảo lộn. Và khi xã hội bất ổn về ANTT đồng nghĩa với nguy cơ bất ổn về kinh tế, khó thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, việc hành xử bằng “luật rừng” thể hiện một xã hội kém văn minh, làm cho đạo đức xã hội bị băng hoại. Chung quy lại, khi một xã hội nhiều người lựa chọn cách hành xử bằng “luật rừng” để giải quyết các mâu thuẫn, hay các vấn đề mình gặp phải sẽ làm cho cả kinh tế và văn hóa đều băng hoại, xã hội ngày càng kém văn minh. Qua đó, bị những quốc gia phát triển hay là quốc gia văn minh càng ngày càng bỏ xa. Chúng ta dùng từ dễ hiểu là đất nước càng ngày càng tụt hậu.

PV: Đáng tiếc là không chỉ với những người dân bình thường, ngay cả đối với những người am hiểu pháp luật cũng nhiều khi lựa chọn việc giải quyết mâu thuẫn bằng "luật rừng". Luật sư lý giải ra sao về điều này?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Trong câu chuyện này thì chúng ta thấy rằng chính những người đang làm việc trong các cơ quan tư pháp, hoặc là công chức, viên chức, hoặc cán bộ giữ các chức vụ trong cơ quan nhà nước lại dùng “luật rừng”. Như vậy, có nghĩa chính bản thân họ là người thực thi pháp luật nhưng họ không còn tin vào pháp luật nữa.

Đây là điều rất đáng báo động. Bởi, khi họ thực thi pháp luật mà không có niềm tin, họ không truyền tải niềm tin ấy cho người dân. Thứ hai nữa, họ không gương mẫu, dẫn đến xã hội càng bất ổn thế. Câu chuyện ở đây, nếu chúng ta nhìn ở góc độ khác, rõ ràng họ là những người thực thi pháp luật thì họ rất hiểu pháp luật là không hiệu quả

Và họ tin rằng, nếu dùng theo con đường pháp luật, việc của họ không giải quyết được. Ở đây, yếu tố thứ nhất, chính những người thực thi công vụ mà không tin vào pháp luật, nó tạo ra một lối hành xử và có thể làm gương xấu cho xã hội.

Pháp luật thiếu hoàn thiện, đôi khi thực thi không nghiêm, thậm chí có tiêu cực, có “lợi ích nhóm”. Đây là một tổng hợp của nhiều các nguyên nhân . Tôi cho rằng, chính những vụ việc như thế này sẽ là hồi chuông báo động cho chúng ta cả về tư cách đạo đức, lối sống của những người thực thi công vụ.

Thứ hai, nó là sự thiếu hoàn thiện và bất cập của chính sách pháp luật.

Thứ ba, vấn đề thực thi pháp luật không nghiêm, có thể nói là “đánh trống bỏ dùi” hay là thiếu gương mẫu từ những người mà đáng ra phải gương mẫu nhất

PV: Theo luật sư, tại sao những nguyên tắc xử sự theo kiểu "luật rừng" vẫn đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Khi người ta lựa chọn “luật rừng” thì người ta cho rằng hiệu quả pháp luật của Nhà nước ban hành không hiệu quả và người ta tin rằng dùng “luật rừng” sẽ nhanh hơn.

Nhiều trường hợp “luật rừng” hiệu quả tốt hơn. Tôi nói ví dụ trong quá trình hành nghề luật sư, chúng tôi thấy có nhiều vụ kiện, các chứng cứ 2 năm rõ 10 nhưng người vay không trả. Thậm chí người ta tẩu tán tài sản đi bằng cách nhờ người khác đứng tên và người ta không có ý định trả tiền.

Trong trường hợp này, người cho vay mà đi khởi kiện ra tòa án thì thứ nhất là thủ tục tố tụng của chúng ta quá lâu. Một vụ án có thể kéo dài đến hàng năm, sau đó kháng cáo, nếu sơ thẩm mà không đồng ý lại kháng cáo lên phúc thẩm mất nửa năm, thậm chí một năm, đôi khi “được vạ má sưng”, chưa kể bao nhiêu thời gian tốn kém công sức.

Như vậy, rõ ràng ở đây hiệu quả của pháp luật không cao và người ta chọn hình thức "xã hội đen".

Rất nhiều vụ báo chí đã nêu như thuê "xã hội đen" xăm trổ đầy mình đến nhà căng băng rôn, biểu ngữ rồi đe dọa sử dụng vũ lực. 

Thêm nữa, việc thực thi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm. Cụ thể, trong nhiều cơ quan tư pháp, tòa án vẫn còn nhiều tiêu cực. Đôi khi người dân có những căn cứ pháp luật rất vững chắc, nhưng ra tòa người ta lại thua. Do vậy, người ta chọn con đường sử dụng "xã hội đen", hay nói cách khác là sử dụng “luật rừng” đôi khi lại hiệu quả hơn. Nhưng theo tôi, về lâu dài, hay tổng thể thì điều này rất nguy hại cho sự phát triển của một cộng đồng văn minh và một đất nước.

PV: Cùng với ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người dân chưa nghiêm, theo luật sư, “luật rừng” còn tồn tại có phải một phần cũng do những đạo luật của chúng ta còn kém chất lượng, gây những bất tiện cho người dân trong quá trình thực thi và buộc họ phải hành xử theo kiểu “luật rừng”?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Cá nhân tôi rất đồng tình với quan điểm này. Bởi, trên thực tế, khi ban hành một đạo luật thực sự rất tốn kém.

Từ xây dựng dự thảo, lấy ý kiến dự thảo, ban hành, triển khai,… nhưng trên thực tế, nhiều luật chúng ta ban hành ra chưa kịp có hiệu lực đã phải bỏ đi. Đây là một điều lãng phí cực kỳ lớn.

Thứ hai, việc ban hành chính sách pháp luật lại bị tác động bởi các lợi ích nhóm. Đôi khi những người thực thi pháp luật, họ biết rất nhiều bất cập, nhưng họ không sửa, họ không có kiến nghị để sửa. Bởi, nếu sửa thì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Chúng ta thấy nhiều chính sách pháp luật chậm thay đổi. Câu hỏi đặt ra ở đây, có hay không “lợi ích nhóm” ở đây để họ cản trở việc sửa luật. Do vậy, tôi đồng tình với quan điểm “một rừng luật nó tác hại không kém gì so với luật rừng”.

PV: Thưa luật sư,“lợi ích nhóm” có phải là nguyên nhân dẫn đến phát sinh những đạo luật kém chất lượng?

Luật sư Nguyễn Danh Huế: Vấn đề “lợi ích nhóm” đã đặt ra rất lâu và chúng ta cũng đang rất quyết tâm để giải quyết.

Đến nay thì hiệu quả cũng chưa được như mong muốn. Trong rất nhiều lĩnh vực, lợi ích nhóm rất nguy hại, nhưng tôi nghĩ lợi ích nhóm về chính sách, đặc biệt là xây dựng pháp luật, vô cùng nguy hại đối với quốc gia, dân tộc.

Đây là một bài toán khó, cần rất nhiều giải pháp. Ví dụ như bây giờ chất lượng của cán bộ, công chức Nhà nước nhiều nơi rất kém, tình trạng con ông cháu cha không có trình độ nhưng vẫn có thể được đặt vào vị trí quá sức của họ.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, Quốc hội cũng nên đi theo hướng chuyên trách hóa các đại biểu Quốc hội, tăng tỷ lệ chuyên trách lên, để cho đại biểu Quốc hội họ chuyên tâm xây dựng pháp luật. Hiện nhiều Đại biểu Quốc hội đang kiêm nghiệm, muốn xây dựng pháp luật cũng khó dành toàn tâm ý.

Thứ ba, chúng ta phải tăng cường trách nhiệm người đứng đầu. Khi ban hành một đạo luật sai rồi chẳng ai làm sao, trong khi người dân, rồi ngân sách nhà nước phải gánh chịu những hậu quả rất khủng khiếp. Nhưng những người mà ban hành các chính sách sai thì họ về hưu, họ ung dung hưởng cuộc sống an nhàn và đẩy cái khó cho dân.

Cùng với đó, tôi nghĩ rằng, cần phải huy động trí tuệ của nhân dân trong việc xây dựng pháp luật và giám sát thực thi pháp luật. Bởi, nếu pháp luật thực thi không nghiêm, người dân cứ đứng bên ngoài họ không được tham gia vào thì nó rất khó để mà phát huy được hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Từ khóa: luật rừng, luật sư Nguyễn Danh Huế, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, giết người, tòa tuyên án

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập