Vì sao giảm tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP?

Cập nhật: 25/02/2021

VOV.VN - Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có các căn cứ chính xác để xác định chi phí logistics nên nhiều tổ chức đưa ra các con số khác nhau.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 221/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. 

Quyết định 221/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 22/2/2021. Quyết định mới này đặt mục tiêu đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, giảm so với mục tiêu đặt ra tại QĐ số 200 ban hành trước đó (đặt mục tiêu đạt 8%-10%).

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương, tỷ lệ đóng góp của logistics vào GDP được điều chỉnh giảm xuống vì một số lý do, như: Theo đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện chưa có phương pháp thống kê chính xác về đóng góp của logistics vào GDP. Cùng với đó là tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng lâu dài đến ngành dịch vụ logistics.

Một số chỉ tiêu khác được giữ nguyên, như: Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên.

Quyết định 221/QĐ-TTg có bổ sung lộ trình trình thực hiện kế hoạch. Theo đó, vào năm 2023 sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn để năm 2024 nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045.

Các nhiệm vụ cụ thể trong phụ lục kèm theo Quyết định 221 được bổ sung, sửa đổi so với Quyết định 200 để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và tình hình phát triển của ngành logistics do Quyết định 200/QĐ-TTg đã được ban hành từ tháng 2/2017.

Quyết định 200/QĐ-TTg được đánh giá đã tạo nên sự thay đổi rõ nét trong hoạt động logistics tại Việt Nam, từ cải thiện hạ tầng, hoàn thiện thể chế cho đến hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ trong logistics, đào tạo nhân lực cho logistics.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có các căn cứ chính xác để xác định chi phí logistics nên nhiều tổ chức đưa ra các con số khác nhau. Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra mức chi phí logistics của Việt Nam trên 20%, VLA là 16-18%. Việc đặt mục tiêu chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP được cho là dựa trên số liệu của WB./.

Từ khóa: dịch vụ logistics, GDP, giảm tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập