Vì sao Bộ Công Thương chọn điều hành hạn ngạch xuất khẩu gạo?

Cập nhật: 21/04/2020

VOV.VN - Điều hành hạn ngạch sẽ tương đối công bằng, có tính công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro…

Theo Bộ Công Thương, hiện nay tất cả các phương thức điều hành hạn ngạch xuất khẩu đều có mặt thuận và mặt không thuận. Trong bối cảnh phải áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo để bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án điều hành hạn ngạch là tương đối công bằng, có tính công khai, minh bạch, dễ thực hiện, dễ giám sát, khó phát sinh các rủi ro về đạo đức cũng như tham nhũng, lợi ích nhóm.

Bộ Công Thương khẳng định, phương thức điều hành hạn ngạch nếu được bàn bạc, phối hợp nghiêm túc với các Bộ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.

Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1, bởi họ đều đã rõ tên tàu và số hiệu container và chỉ có họ mới có thể hiện thực hóa tờ khai mà không cần phải thay đổi các thông tin này.

dieu hanh han ngach xuat khau gao la toi uu trong dich covid-19 hinh 1
Chuyển gạo lên container chờ xuất khẩu. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Điều hành hạn ngạch giống mọi phương thức điều hành hạn ngạch khác, có cả điểm mạnh và điểm yếu. Tuy nhiên, đây là phương thức được nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế khuyến nghị áp dụng nếu buộc phải áp dụng hạn ngạch.

Trên thực tế, trong suốt 2 tuần sau khi phương án được công bố, Bộ Công Thương không nhận được ý kiến trái chiều nào về phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS). Ngược lại, nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là phương thức tương đối phù hợp bởi khả năng giải tỏa cho các doanh nghiệp đã có sẵn hàng tại cảng là rất cao.

“Rất tiếc là sau đó, việc triển khai cơ chế FCFS trên thực tế đã để xảy ra một số sự việc mà theo nhận xét của các doanh nghiệp là thiếu phối hợp, thiếu công khai, thiếu minh bạch, gây thêm khó khăn dẫn đến những bức xúc không đáng có, không phải do lỗi tự thân của cơ chế FCFS”, Bộ Công Thương lý giải.

Đối với phương thức đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trên thực tế phương thức này trên tế là bán hạn ngạch để thu tiền vào Ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh, Chính phủ đang phải tìm mọi cách để hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, đưa hạn ngạch gạo ra bán để thu tiền là việc không nên làm.

Mặt khác, đấu thầu hạn ngạch cần có thời gian để tổ chức và sẽ mất ít nhất 15-20 ngày để xây dựng quy chế, làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục thẩm định hồ sơ, tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật. Như vậy là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH về việc phải "giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo".

“Đấu thầu hạn ngạch sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, trúng toàn bộ hạn ngạch, tước đi cơ hội của các doanh nghiệp nhỏ. Không loại trừ khả năng xuất hiện tình trạng bán lại hạn ngạch trúng thầu cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua các hợp đồng "nhận ủy thác" để ăn chênh lệch như đã từng xảy ra trước đây”, Bộ Công Thương khẳng định.

Còn việc phân bổ hạn ngạch xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, trong thời điểm này cũng không khả thi, bởi kinh nghiệm điều hành cho thấy sẽ mất hàng tháng để xây dựng tiêu chí phân bổ sao cho "công bằng" và xin ý kiến các bên liên quan để thống nhất thực thi, thiết lập trở lại cơ chế xin - cho rất nhiều rủi ro đạo đức đã được xóa bỏ theo kiến nghị kiên trì nhiều năm của cộng đồng doanh nghiệp./.

Từ khóa: xuất khẩu gạo, hạn ngạch xuất khẩu, phương thức xuất khẩu, điều hành hạn ngạch

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập