Vén màn bí mật giúp Amazon tăng trưởng như vũ bão

Cập nhật: 13/03/2022

VOV.VN - Cuốn sách "14 nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon" của Steve Anderson được xem là cẩm nang xây dựng và phát triển doanh nghiệp cho các nhà lãnh đạo thông qua một lăng kính vô cùng đặc biệt, mang tên rủi ro.

Khởi đầu từ một ý tưởng ban sơ về cửa hàng sách trực tuyến, Amazon nhanh chóng lớn mạnh, trở thành công ty có giá trị lớn nhất thế giới dựa trên vốn hóa thị trường, từng vượt qua cả các ông lớn như Apple, Microsoft, và Google. Đây cũng là công ty đạt mức doanh thu 100 tỷ USD nhanh nhất trong lịch sử, và là một trong số ít công ty được định giá một ngàn tỷ đô thời đó. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi Amazon là nguồn cảm hứng, và là đề tài nghiên cứu của nhiều chuyên gia kinh tế.

Steve Anderson đã dùng kinh nghiệm có được qua hơn 30 năm nghiên cứu về rủi ro trong kinh doanh của mình, để giải mã công thức đã giúp Amazon tăng trưởng thần tốc, và trở thành công ty đạt mức doanh thu 100 tỷ đô-la nhanh nhất trong lịch sử.

Thông qua hành trình phân tích 21 lá thư Jeff Bezos đã gửi cho các cổ đông hàng năm, Steve đã chắt lọc được những yếu tố quan trọng và nhất quán, tạo thành danh sách gồm 14 nguyên tắc tăng trưởng của Amazon thông qua tầm nhìn của Bezos - "bậc thầy về rủi ro".

Khi tăng trưởng thần tốc luôn đi liền với những rủi ro

Trong khi các doanh nghiệp đều xem rủi ro là điều tồi tệ và cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất, thì Bezos lại nhìn nhận rủi ro theo hướng tích cực, xem chúng như đòn bẩy cho sự khởi sắc trong kinh doanh, bởi theo vị lãnh đạo này, “doanh nghiệp của bạn sẽ chẳng thể tăng trưởng nếu không sẵn sàng mạo hiểm chấp nhận rủi ro”.

Với tư duy ấy, Bezos đã từng mạo hiểm vay 300.000 USD từ bố mẹ để khởi nghiệp, thành lập một cửa hàng sách trực tuyến khi không ai biết một cửa hàng sách trực tuyến là gì. Tinh thần này cũng được duy trì tại Amazon cho tới nay với tên gọi "tinh thần Ngày đầu tiên" - ám chỉ sự khéo léo, sáng tạo, đặc thù, và sự sẵn sàng đi theo con đường riêng

Hãy sẵn sàng chấp nhận rủi ro, với tư duy “thất bại thành công”

“Chấp nhận rủi ro một cách ngẫu nhiên và nuôi hy vọng chiến thắng sẽ chẳng khác nào gieo xúc xắc hoặc quay bánh xe may mắn – bạn sẽ chẳng thể nào biết được chuyện gì sắp xảy đến hoặc khi nào bánh xe ngừng quay”, tác giả Steve Anderson chia sẻ.

Luôn mang trong mình tư duy tích cực về rủi ro trong kinh doanh như thế không đồng nghĩa với việc Bezos chưa từng thất bại, hay như một số người vẫn thường nói, “anh ấy là người giàu nhất thế giới kia mà”, nên dăm ba lần thất bại cũng chẳng đáng là bao. Chỉ là Jeff Bezos đã luôn tiếp nhận những rủi ro một cách có chủ ý, và những kế hoạch cũng đã được chuẩn bị kỹ càng, để dù thất bại có xảy ra thì Bezos cũng sẽ biến chúng trở thành “thất bại thành công”.

Amazon đã trải qua không ít những mất mát đáng kể, tiêu tốn đến hàng triệu đô-la Mỹ, điển hình là mô hình đấu giá Amazon Auctions, nền tảng bán hàng cho bên thứ ba zShops hay dự án Fire Phone đã lấy đi 178 triệu đô của công ty. Với Bezos, dĩ nhiên thất bại cũng chẳng có gì vui, nhưng “đây cũng không phải là vấn đề quá quan trọng”, anh nói. Trên hết là đội ngũ Amazon đã học được bài học đáng giá gì từ những thất bại đó để tạo tiền đề cho các dự án khác thành công.

Nhờ có thất bại ở zShops mà Amazon có được phát minh đáng giá hàng tỷ đô-la mang tên Amazon Marketplace. Nhờ có thất bại mang tên Fire Phone mà Amazon kiếm về doanh thu hàng tỷ đô khi nghiên cứu chuyển đổi Fire Phone thành phần cứng Echo và Alexa. Đó chính là những minh chứng rõ ràng nhất cho việc mạo hiểm với tư duy "thất bại thành công" đến từ “bậc thầy về rủi ro” Jeff Bezos.

Đặc biệt, trong quá trình phân tích 21 lá thư gửi cổ đông, Steve Anderson cũng nhận thấy một chu kỳ tăng trưởng có tính lặp lại đã được Bezos áp dụng vào hầu hết mọi nỗ lực, đó là: Thử nghiệm, Thiết lập, Tăng tốc, và Mở rộng quy mô. Ứng với từng chu kỳ là những nguyên tắc khác nhau và có thể nói là có giá trị bất biến theo dòng chảy của thời gian, đã được tác giả liệt kê và phân tích cặn kẽ thông qua cuốn sách “14 Nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon”.

Không cần phải sở hữu doanh nghiệp trị giá hàng triệu đô mới có thể áp dụng những nguyên tắc tăng trưởng này để thành công, bởi như Steve đã chia sẻ “chấp nhận rủi ro một cách có chủ ý là một tư duy, và nó không tùy thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền”.

“14 Nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon” không phải là cuốn sách sẽ giúp bạn trở thành Amazon thứ 2, hoặc nếu có thì đó cũng không hẳn là mục tiêu chính. Steve Anderson và Karen Anderson hoàn thành cuốn sách với sứ mệnh giúp bạn có cơ hội trải nghiệm những hướng dẫn cặn kẽ nhất trong kinh doanh từ một người “đặc biệt nổi bật trong những người thầy giỏi”.

Có thể nhìn trực diện để phân tích sâu sắc về những nguyên tắc đã giúp Amazon đạt đến thành công chưa từng có trong lịch sử, bạn đọc sẽ từ đó chắt lọc ra các nguyên lý phù hợp để áp dụng, nhằm đưa doanh nghiệp của mình lên “vị trí hàng đầu” như cách Jeff Bezos đã làm được với Amazon./.

Steve Anderson đã dành ra trên 35 năm hỗ trợ ngành bảo hiểm tìm hiểu và áp dụng những công nghệ mới. Từ hệ thống quản lý kinh doanh cho đến truyền thông, Steve phân tích những gì đang diễn ra và lý giải mối quan hệ mật thiết giữa các yếu tố đó trong tương lai. Steve Anderson được mời vào nhóm một trong 150 người có tầm ảnh hưởng trên Linkedln và có hơn 300.000 người theo dõi.

Karen Anderson là một tác giả, nhà xuất bản và là một chuyên gia về marketing trực tiếp, lưu lại dấu ấn sâu đậm trên các tờ New York Times, USA Today, và nhiều quyển sách bán chạy khác. Trong hơn 30 năm qua, Karen đã giúp cho nhiều doanh nghiệp tăng trưởng kinh doanh và truyền đạt bức thông điệp của họ, cũng như lan toả độ nhận biết thương hiệu của họ thông qua các bài viết, sách vở.

Từ khóa: amazon, jeff bezos, 14 nguyên tắc tăng trưởng của Amazon, Steve Anderson, bí mật amazon, Karen Anderson

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập