Văn bản dưới luật chậm ban hành: Làm sao để khắc phục?

Cập nhật: 22/09/2020

VOV.VN - Chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, phối hợp giữa các cơ quan. 

Nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng hiện vẫn chưa khắc phục được tình trạng ban hành các văn bản luật, dưới luật còn chưa đúng quy định. Tình trạng luật đã ban hành nhưng chờ nghị định, thông tư hướng dẫn tới vài năm gây ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện thi hành luật.

Luật chậm đi vào cuộc sống hoặc không phù hợp với cuộc sống đồng nghĩa với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như quy định pháp luật thiếu tính khả thi, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, luật được ban hành nhưng thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết. 

Theo báo cáo tổng hợp kết quả giám sát, tính đến tháng 8 năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/ 572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật, còn 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành. Trong các nội dung đã được quy định chi tiết có 301/485 (chiếm 62%) nội dung bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, vẫn còn 184/485 (chiếm 38%) nội dung có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật. 

Đặc biệt, một số luật có tới 80% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành, thậm chí một số nội dung sau rất lâu luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết. Nhận định văn bản luật không thống nhất, chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết là những “căn bệnh” kinh niên trong công tác xây dựng luật.

Ví dụ như vướng mắc trong thủ tục giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu. Chính phủ đã ban hành Nghị định 25 có hiệu lực từ 20/4/2020 được kỳ vọng sẽ mở ra các cơ hội lớn cho nhiều địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đã xong thủ tục đấu thầu và đang chờ hướng dẫn giao đất để thực hiện dự án trên cả nước. Nhưng chưa có thông tư hướng dẫn nên việc thực hiện Nghị định 25 không thống nhất, mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiền đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần dành thời gian nghiên cứu kỹ và tuân thủ trình tự, quy trình trong công tác này.

Ở góc nhìn khác ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng văn bản dưới luật chậm ban hành không phải do nhận thức của các cơ quan mà do có những điều khó và vướng trong thực tiễn triển khai.

Để gỡ khó cho vấn đề này giữa các cơ quan bộ, ngành cần chủ động hơn để giải quyết những vấn đề giao thoa, thuộc thẩm quyền của các bộ ngành và chủ động phối hợp với các cơ quan lập pháp ngay từ giai đoạn đầu của quá trình xây dựng luật. Đất nước đang trong quá trình đổi mới các lĩnh vực kinh tế, hoạt động xã hội đòi hỏi tư duy xây dựng luật và phương thức triển khai luật cần thay đổi.

Báo cáo giám sát cũng cho thấy mặc dù không có văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp nhưng vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu trái với quy định của luật. Cụ thể là 7 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), 1 nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Ngoài ra có 3 thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật, còn tình trạng chưa phân định rõ nội dung quy định chi tiết luật và biện pháp tổ chức thực hiện để thi hành luật.

Từ thực tế này và lấy dẫn chứng từ Luật Doanh nghiệp mới được ban hành, chưa có hiệu lực đã đề nghị sửa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị: “Cần nghiêm túc, xem xét trách nhiệm,đánh giá tác động và phải có chế tài xử lý việc chậm trễ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, cùng với việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng luật, việc đầu tư nguồn lực cho công tác này cũng quan trọng không kém.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, hiện nay nguồn lực phục vụ cho công tác xây dựng thi hành pháp luật còn có những hạn chế. Cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở trung ương và địa phương có đến hàng ngàn người nhưng vẫn chưa bảo đảm đủ về chất lượng và số lượng. Cán bộ làm pháp chế ở cấp bộ ngành được đào tạo luật thì thiếu quản lý chuyên ngành về lĩnh vực đó và ngược lại. Kinh phí hiện nay vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. 

“Cần có một chiến lược mới về xây dựng hoàn thiện pháp luật Việt Nam”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Về nguyên tắc xây dựng ban hành văn bản, quy phạm pháp luật, phải đảm bảo sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng văn bản, quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng luật hiện nay, mặc dù đã qua khâu thẩm định, thẩm tra, cho ý kiến và hoạt động chính sách pháp luật nhưng vẫn tồn tại vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích ngành. 

Ông Hoàng Thế Liên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị: “Cần đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc thiết kế luật một cách thiết thực để lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi dân cho ý kiến thì báo cáo phản hồi ý kiến của nhân dân, điều gì dân nói đúng thì phải nghe.”

Những văn bản luật kém chất lượng sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ, ảnh hưởng chung tới sự phát triển của đất nước. Vì vậy, cùng với việc đầu tư xứng đáng cho công tác xây dựng luật thì việc xem xét nghiêm túc hơn, cụ thể hơn trách nhiệm của từng chủ thể là điều cần thiết để hạn chế của những bất cập bấy lâu trong công tác này./. 

Từ khóa:

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập