Vai trò đảm bảo an ninh lương thực của Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 28/03/2020
Về Hậu Giang xem lặt lá mai đón Tết
Bánh tráng truyền thống ở Bà Rịa – Vũng Tàu sản xuất gấp đôi cho vụ Tết
VOV.VN - Trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai diễn biến bất thường, đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất, xuất khẩu gạo chủ lực của cả nước, hàng năm toàn vùng đóng góp hơn 50% sản lượng lúa và chiếm hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Diện tích trồng đất trồng lúa ở ĐBSCL hơn 3,2 triệu ha, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn khẳng định được vai trò, vị thế xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới của Việt Nam.
Để có được điều này, thời gian qua các địa phương trong vùng đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết, xây dựng thương hiệu để khẳng định vai trò quan trọng của vùng ĐBSCL đối với lúa gạo.
Với hơn 1,7 ha đất trồng lúa, nông dân Phan Thiện Khanh, xã Định Môn, huyện Thới Lai đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đưa những giống lúa chất lượng cao xuống đồng ruộng, và hiệu quả kinh tế đã thấy rõ qua từng vụ. Với 17 hộ dân đang tham gia vào tổ Hợp tác sản xuất lúa, từng người dân đều nhận thức rõ, cần phải duy trì sản xuất để ổn định cuộc sống và hơn hết là đảm bảo an ninh lương thực.
ĐBSCL hơn 3,2 triệu ha lúa, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn khẳng định được vai trò, vị thế trong xuất khẩu gạo. |
Trong đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chọn những giống lúa chất lượng cao để canh tác là hướng đi của những nông dân nơi đây. Theo tập quán những vụ trước bà con hay làm giống IR50404, sau khi thay đổi làm giống chất lượng cao, sâu bệnh ít, chi phí phun thuốc sâu bệnh cũng ít hơn, cái giá đầu ra lúa chất lượng cao lúc nào cũng ổn định.
Trong những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã tập trung tái cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái. Đối với những nơi thiếu nước sản xuất khuyến cáo người dân chuyển sang canh tác màu, còn những khu vực đảm bảo đủ nước sản xuất thì canh tác lúa, chọn những giống chất lượng cao, đảm bảo năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp thành phố Cần Thơ cho biết, diện tích trồng lúa hàng năm của địa phương trên 200.000 ha, với sản lượng hàng năm khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn lúa. Ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng xác định rõ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực khi vẫn duy trì diện tích trồng lúa.
“Đảm bảo diện tích trồng lúa, thực hiện theo kế hoạch chuyển đổi, cơ cấu cây trồng vật nuôi. Với những vùng sản xuất nông nghiệp nhất là trồng lúa kém hiệu quả, thì chuyển qua trồng trọt và thủy sản, ngành nông nghiệp sát sao trong việc kiểm tra chuyển đổi. Chỉ tiêu lúa hàng năm của thành phố Cần Thơ từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn” - ông Yên nói.
Việc đảm bảo vụ lúa đông xuân thành công cả về năng suất và giá cả như hiện nay là tín hiệu tốt để người dân thêm gắn bó với cây lúa, ruộng đồng. |
TS. Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, Viện đã nghiên cứu, lai tạo ra hơn 180 giống lúa, đáp ứng nhu cầu cho các địa phương và người dân trong vùng. Hiện nay, đất trồng lúa của ĐBSCL hơn 3,2 triệu ha, hàng năm sản lượng lúa đạt từ 24 - 25 triệu tấn lúa. Với con số này, vùng ĐBSCL không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực mà góp phần rất lớn vào xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho vùng ĐBSCL cũng không hề nhỏ khi biến đổi khí hậu, hạn, mặn diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất thì các địa phương cần quy hoạch lại vùng sản xuất; liên kết vùng, tiểu vùng để có những giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay.
“Đối với những vùng bị rủi ro rất lớn thì chúng ta chuyển hẳn sang cây trồng khác, hoặc là nuôi trồng thủy sản. Những vùng có tiền năng duy trì ở đất lúa thì phải tuân thủ thời vụ, theo khuyến cáo của từng địa phương cụ thể, để chúng ta tranh thủ nguồn nước ngọt để gieo trồng phù hợp với từng vùng” - TS. Thạch cho biết.
Ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL thời gian qua đã tập trung tái cơ cấu lại sản xuất. Từng bước thay đổi tư duy manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi giá trị; đồng thời cơ giới hóa các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp; hình thành những cánh đồng lớn để gia tăng giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, trước thách thức của biến đổi khí hậu, hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt, việc đảm bảo vụ lúa Đông Xuân thành công cả về năng suất và giá cả như hiện nay là tín hiệu tốt để người dân thêm gắn bó với cây lúa, ruộng đồng./.
Từ khóa: an ninh lương thực, đảm bảo lương thực, vai trò của ĐBSCL, hạn mặn, dịch Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN